Có nơi nhận, có nơi chưa
Sáng 14.5, PV Thanh Niên có mặt tại Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) 50-08D trên đường TA28, P.Thới An, Q.12, TP.HCM. Mới hơn 8 giờ sáng, lượng xe xếp hàng đã khá đông đúc. Tại khu vực nộp hồ sơ làm thủ tục đăng kiểm, các chủ xe thực hiện đóng phí theo hướng dẫn như thường lệ. Tuy nhiên, khâu thanh toán đã có sự chuyển biến khá rõ. Một khách hàng yêu cầu được chuyển khoản do số tiền thanh toán khá lớn, nhân viên thu phí đưa một số tài khoản ngân hàng và hướng dẫn nội dung chuyển khoản cho khách hàng thực hiện.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV, đây mới chỉ là tài khoản đứng tên cá nhân, cũng có nghĩa là giải pháp thực hiện chuyển tiền thanh toán qua tài khoản ngân hàng cũng mới chỉ là giải pháp tạm thời để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, chưa tích hợp để thanh toán trực tiếp vào hệ thống kế toán của TTĐK đó.
Tại chi nhánh TTĐK 50-05V trên đường Hồng Hà, P.2, Q.Tân Bình (TP.HCM), khách chờ đăng kiểm khá đông nhưng việc thanh toán chủ yếu vẫn bằng tiền mặt. Nhân viên thu phí cho biết đã có thể thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, nhân viên thu phí chỉ đưa ra cho khách hàng nào có nhu cầu và liên hệ trực tiếp, chứ không dán thông báo công khai tại quầy.
Trao đổi với PV, một chủ xe đang đăng kiểm tại đây cho biết: "Thanh toán chuyển khoản đương nhiên là thuận lợi hơn. Tuy nhiên, từ trước đến nay việc thanh toán khi đăng kiểm chỉ dùng tiền mặt nên tôi vẫn chuẩn bị sẵn. Đến hôm nay, tôi mới biết TTĐK này đã áp dụng hình thức chuyển khoản, nhưng vì họ chưa dán công khai nên tôi cũng thấy phiền phức khi liên hệ".
Một lãnh đạo TTĐK tại Q.11 (TP.HCM) cho hay: "Hôm nay TTĐK chỗ chúng tôi đã dán công khai mã QR code để khách hàng thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Dù mới chỉ là tài khoản tạm nhưng cũng có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hiện nay, chúng tôi đang thu phí hộ cho Cục Đăng kiểm nên vẫn phải tiếp tục làm việc với ngân hàng để tích hợp vào hệ thống".
Trước đó, Cục Đăng kiểm đã có văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trên cả nước, hướng dẫn khách hàng có thể sử dụng các phương thức thanh toán: tiền mặt, thẻ ATM, thẻ tín dụng hoặc chuyển khoản. Bên cạnh đó, Cục yêu cầu các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới, đặc biệt là các TTĐK trên địa bàn TP.HCM, khẩn trương triển khai việc tiếp nhận thanh toán bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, bên cạnh nhiều TTĐK đã tiếp thu chỉ đạo và thực hiện triển khai thu phí qua hình thức chuyển khoản, một số TTĐK khác vẫn đang loay hoay tìm cách thích ứng. Đơn cử tại TTĐK 50-03S trên QL13, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM), sáng 14.5 khi PV đến khảo sát thì ở đây vẫn chưa áp dụng thanh toán chuyển khoản. Nhân viên thu phí cho biết: "TTĐK chỗ em vẫn chưa áp dụng thu phí qua hình thức chuyển khoản, hiện nay bên em đang làm việc với phía ngân hàng, khi nào chính thức áp dụng thì trung tâm sẽ thông báo".
Một số lãnh đạo TTĐK lý giải thói quen sử dụng tiền mặt trong quá trình đăng kiểm là do quy trình thường xuyên phải thu vào chi ra, nếu TTĐK kiểm định xe không đạt thì phải trả tiền lại cho khách, ngoài ra còn có các khoản phí chuyển dư, chuyển không đúng số nên rất khó đối soát và mất thời gian để làm thủ tục hoàn trả.
Nhu cầu đăng kiểm tăng lên
Ghi nhận của PV Thanh Niên trong ngày 14.5, tại nhiều TTĐK ở TP.HCM đang có dấu hiệu gia tăng lượng xe kiểm định. Trong buổi sáng, tại các TTĐK 50-08D, 50-02S, 50-03S, 50-05V… đều có lượng xe xếp hàng chờ rất dài. Giám đốc một TTĐK tại Q.11 thông tin: "Khoảng 1 tháng nay, lượng xe đến đăng kiểm rất đông, có thời điểm chúng tôi phải ngừng nhận hồ sơ kiểm định và chỉ tiếp nhận các phương tiện có lịch hẹn trong ngày". Tuy nhiên, tình trạng này chỉ mang tính cục bộ ở một số TTĐK, có những nơi ở khu vực ngoại thành vẫn khá vắng vẻ và thời gian chờ đợi không quá lâu.
Theo dự báo của Cục Đăng kiểm, nguy cơ ùn tắc đang dần hiện hữu tại các thành phố lớn. Cụ thể, tháng 5.2024, toàn quốc có khoảng 487.184 phương tiện đến hạn kiểm định. Một số địa phương có nhu cầu kiểm định của người dân cao hơn so với năng suất các TTĐK đáp ứng được, như: Trà Vinh, TP.HCM, Thừa Thiên-Huế, Thái Bình, Kon Tum, Hà Nội, Hà Giang, Đồng Nai, Đồng Tháp. Đơn cử tại Hà Nội, các tháng 5, 6, 7 sẽ là cao điểm khi nhu cầu đăng kiểm vượt quá năng lực phục vụ của các trạm. Trong đó, tháng 5.2024, số lượt xe dự kiến kiểm định lên đến hơn 90.700 phương tiện, còn tháng 6 gần 87.000 xe. Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm, các TTĐK chỉ có thể đáp ứng khoảng 74 - 87% nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tương tự, tại TP.HCM, các tháng 5, 6 dự báo nhu cầu đăng kiểm cũng cao hơn công suất đáp ứng. Tại Đồng Nai, theo Cục Đăng kiểm, lượng xe đến hạn đăng kiểm trên toàn tỉnh tăng dần từ tháng 4, đến tháng 5 có hơn 19.300 xe đến hạn đăng kiểm, tháng 6 hơn 19.500 xe và tháng 7 hơn 18.600 xe.
Trước tình hình này, Cục Đăng kiểm khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên chủ động đăng ký thông qua app (ứng dụng) TTĐK để chủ động lựa chọn địa điểm, khung thời gian đi đăng kiểm phù hợp, ngoài ra còn có thể tra cứu thông tin phạt nguội để tránh làm mất thời gian đi lại. Ban quản trị ứng dụng TTĐK cho biết năng suất nhận lịch hẹn đăng kiểm trực tuyến qua app đang tăng lên, toàn quốc đạt 17.787 lịch hẹn/ngày, tại Hà Nội là 1.768 lịch hẹn/ngày và ở TP.HCM là 2.307 lịch hẹn/ngày. So với tháng 3.2024 có 27.331 lịch hẹn đăng kiểm trực tuyến được chủ xe, doanh nghiệp đặt, đến tháng 4 đã đạt 35.941 lịch hẹn và tính đến ngày 13.5 thì số lịch hẹn trong tháng 5 đã đạt 32.566 lịch (gần bằng lịch hẹn tháng 4).
Để phục vụ thuận lợi nhất nhu cầu tăng cao của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt trước dự báo tình hình đăng kiểm sẽ gặp nhiều khó khăn nếu các vụ án sai phạm tại các TTĐK ở một số thành phố lớn đồng loạt đưa ra xét xử thời gian tới, app TTĐK đã thay đổi tính năng chọn ngày đăng kiểm theo hướng không giới hạn, nếu trước đây người dân chỉ có thể đăng ký trước 1 tháng thì hiện nay đã có thể đặt trước 3 tháng và có tính năng nhắc hẹn để tránh bỏ lỡ lịch đã đăng ký.
Bình luận (0)