Mới đây, anh Nguyễn Ngọc Tuấn (ngụ Q.5, TP.HCM) thong thả đến Viện Tim đóng tiền khám bệnh. Hỏi vì sao anh đi khám bệnh trễ như vậy trong khi nhiều người đi từ sáng sớm, anh nói mình đăng ký khám bệnh qua website và cũng đã có hẹn trước nên chỉ cần đến đúng giờ, khỏi phải chờ đợi.
Khi nhân viên Viện Tim thông báo Viện vừa triển khai app "Viện Tim TP.HCM" chạy trên cả hệ điều hành Android và IOS, có thể đăng ký khám và thanh toán qua mạng thì anh Tuấn nói quá tiện lợi và lần tái khám sau anh sẽ thực hiện.
Thay đổi vì người bệnh
Theo TS-BS Bùi Minh Trạng, Giám đốc Viện Tim TP.HCM, các cơ sở tuyến cuối ở TP.HCM luôn quá tải, nhiều bệnh nhân (BN) từ các tỉnh đi sớm và bốc số lớn phải đợi lâu. Đến lượt khám thì phòng khám nghỉ trưa vì theo quy định bảo hiểm về số lượt/bàn khám, nên phải chờ đến chiều. Nhiều BN bực mình "chửi" bác sĩ, nhân viên y tế vì để họ chờ đợi. Từ đó nảy sinh ra tình trạng "cò", tiêu cực trong lấy số thứ tự khám bệnh. Khâu đăng ký khám bệnh là một trong những khâu phiền hà nhất. Do đó, để thay đổi thì văn hóa đi khám bệnh của BN cần thay đổi và cơ sở y tế cũng cần thay đổi, hướng đến y tế thông minh, tất cả vì người bệnh.
TS-BS Trạng cho biết việc đăng ký khám bệnh của Viện Tim trải qua 3 giai đoạn. Ban đầu BN phải đến từ 0 giờ hoặc 2 - 3 giờ sáng lấy số thứ tự để vào đóng tiền và lấy số vào phòng khám. Sau khi khám, BN cầm tờ chỉ định đi đóng tiền theo từng chuyên khoa, thuốc.
Trước thực trạng đó, từ tháng 7.2023, Viện Tim chuyển qua giai đoạn 2 là cho BN lấy số thứ tự qua website để đăng ký số thứ tự đi đóng tiền theo khung giờ khuyến cáo chứ không cần đi sớm rồi chờ tới trưa, nhưng BN cũng phải cầm chỉ định đi đóng tiền, lấy thuốc.
Mỗi ngày có khoảng 400 BN lấy số thứ tự qua website. Còn một số BN lớn tuổi chưa biết, chưa quen thì đến trực tiếp lấy số. Nếu lấy số thứ tự trên website thì tiết kiệm được thời gian, chỉ cần 6 giờ sáng đến Viện Tim đóng tiền.
Ngồi nhà đăng ký, đóng tiền rồi đến gặp bác sĩ
Tuy nhiên, để tiện lợi hơn, trong giai đoạn 3, từ tháng 2.2024, Viện Tim triển khai app "Viện Tim TP.HCM" để đăng ký và thanh toán tiền qua mã QR liên kết với các ngân hàng. Theo đó, khi BN vào app đăng ký lấy số thứ tự, đóng tiền qua app (quét mã QR trên app) thì BN biết được mình khám ở phòng khám nào, lúc mấy giờ. Tức là sau khi đăng ký và thanh toán qua app là BN trực tiếp đến gặp bác sĩ theo giờ hẹn trước mà không còn thông qua khâu nào ở Viện Tim nữa.
"Ví dụ, BN tải app, đăng ký ngày khám. Sau khi đăng ký thì số tiền khám hiện ra, BN bấm thanh toán và sẽ xuất hiện số thứ tự phòng khám (tức đến cửa gặp bác sĩ). Còn nếu BN chỉ lấy số thứ tự không thôi thì cũng được và việc thanh toán sẽ thực hiện khi đến Viện Tim", bác sĩ Lê Phát Tài, Trưởng phòng Quản lý chất lượng - Viện Tim, cho biết.
Việc thanh toán cận lâm sàng sau khi bác sĩ khám, chỉ định cũng thực hiện qua app, BN không phải cầm giấy chỉ định chạy đến phòng thu phí đóng. Khi đã thanh toán nhưng không khám hay làm cận lâm sàng vì lý do nào đó thì sẽ nhận lại tiền tại quầy thu ngân của Viện Tim. Một điểm đặc biệt nữa là qua app, bác sĩ đặt lịch hẹn tái khám luôn trên đó. Đến ngày khám, BN chỉ cần vào thanh toán là đến phòng khám gặp bác sĩ, số thứ tự đã có sẵn.
"Đặt hẹn khám bệnh và thanh toán qua app được chúng tôi áp dụng cho cả BN bảo hiểm y tế và dịch vụ. Nhưng với BN đăng ký khám mới có bảo hiểm y tế, sau khi đăng ký và đóng tiền qua app như BN dịch vụ, ngày đến khám họ đến quầy làm thủ tục bảo hiểm y tế kiểm tra thông tin, đối chiếu, cập nhật và số tiền chênh lệch sẽ được hoàn trả lại cho BN. Những lần tái khám sau thì không cần kiểm tra nữa vì đã có cơ sở dữ liệu", bác sĩ Tài nói và cho biết thêm nếu nói về thời gian đến chờ lấy số, đóng tiền thì đăng ký và đóng tiền qua app tiết kiệm được 4 - 4 tiếng rưỡi, chỉ tính khâu chờ đóng tiền cận lâm sàng, thuốc, ở mỗi công đoạn giảm từ 20 - 25 phút.
Ngoài ra, tất cả chi phí phát sinh khi đóng tiền qua hình thức chuyển khoản này đều do Viện Tim chi trả, BN không mất chi phí nào về việc thanh toán không dùng tiền mặt qua app.
Hy vọng không còn cảnh bệnh nhân đi sớm về muộn
"Đăng ký khám bệnh qua app là bước tiến cực kỳ tốt, sẽ là đột phá trong năm 2024. Hy vọng sắp tới không còn tình trạng đi xếp hàng từ 2-3 giờ sáng để lấy số thứ tự, bỏ qua thời gian ngồi chờ đợi lãng phí", bác sĩ Tài hy vọng.
Tuy nhiên, theo ông, việc đăng ký khám và thanh toán qua app còn phụ thuộc vào nhóm tuổi đi khám bệnh và Viện Tim đa dạng hóa hình thức đăng ký khám chữa bệnh (KCB) và thanh toán. Như trong 1.200 - 1.400 ca bệnh đến khám mỗi ngày thì tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh và thao tác được thuần thục trên máy chiếm khoảng 30 - 40%. Chỉ cần bấy nhiêu nhưng Viện Tim đã hướng đến phục vụ nhóm BN này. Còn nhóm BN khác có thể thanh toán trực tiếp. Nhưng dần dần Viện cũng sẽ hỗ trợ giúp BN thay đổi thói quen về đăng ký và thanh toán qua app.
Nhiều bệnh viện chuyển đổi số
Tại TP.HCM rất nhiều bệnh viện (BV) đã triển khai ứng dụng đăng ký khám bệnh trước, máy lấy số thứ tự tự động và thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ngân hàng bằng việc quét mã QR, ví momo hoặc phát hành thẻ tạm ứng viện phí.
Như BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã thiết lập hệ thống y tế thông minh hỗ trợ BN đăng ký khám bệnh mọi lúc, mọi nơi thông qua ứng dụng tải về trên điện thoại thông minh (Okuro) hoặc kiosk (máy tự động) trong BV. Hệ thống này tích hợp phát số thứ tự khám bệnh tự động; có tự động nhận biết đối tượng ưu tiên theo quy định hiển thị trên màn hình đăng ký. Bên cạnh đó, BV (kết hợp với ngân hàng) còn phát hành thẻ khám bệnh và thanh toán, tích hợp thanh toán chi phí KCB qua ngân hàng.
Điều đặc biệt hơn, qua ứng dụng trên điện thoại cá nhân, BN có thể theo dõi được: số thứ tự khám bệnh, kết quả khám bệnh, kết quả xét nghiệm máu, X-quang, siêu âm, CT-scanner, toa thuốc. Ứng dụng cũng nhắc dùng thuốc, chủng ngừa... BN có thể dùng kết quả KCB tại BV Bệnh nhiệt đới (trên ứng dụng) để đi các cơ sở y tế khác. Sau khi khám bệnh, BN có thể tự lấy hóa đơn trên máy tự động mà không cần nhờ đến nhân viên y tế. Thậm chí có BN đi khám bệnh không mang đủ tiền thì quét mã của BV và thanh toán trực tuyến. Bệnh nhân chỉ mất từ 30 giây đến 1 phút cho 1 công đoạn.
Theo đánh giá của lãnh đạo BV Bệnh nhiệt đới, từ khi triển khai đến nay là 1 năm, mỗi tháng BV này có khoảng 2.000 - 3.000 lượt đăng ký khám bệnh qua app, cao điểm có 5.000 lượt. Số lượt thanh toán bằng nhiều hình thức qua ngân hàng tăng trưởng chậm do tâm lý bà con ở quê lên TP.HCM dùng tiền mặt hơn là thanh toán qua ngân hàng.
Còn theo bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM, mỗi ngày BV có 4.700 BN khám ngoại trú, nhưng chỉ có 250 BN đặt hẹn qua app (BV Ung bướu) mỗi tuần và khoảng 4.300 BN đặt hẹn qua điện thoại/tuần, nhưng kỳ vọng số này sẽ đạt 60 - 70% trong thời gian tới. Tại app, ngoài việc đặt lịch khám, người dân cũng có thể thanh toán tiền khám.
"Đa phần bệnh nhân ở tỉnh và không phải ai cũng quen với công nghệ số và nhiều người còn xài điện thoại không phải điện thoại thông minh. Những người nào làm được thì cảm thấy thoải mái vì đặt hẹn trước, thanh toán qua thẻ, qua ngân hàng dễ dàng", bác sĩ Tuấn nói và cho rằng việc ứng dụng công nghệ số vào khám bệnh cũng giúp BV chủ động trong việc tiếp đón, sắp xếp nhân lực. Do vậy, cần tiếp tục truyền thông để người dân quen với việc đặt hẹn khám bệnh trước.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong 10 nhóm hoạt động trọng tâm của ngành y tế TP.HCM năm 2024 thì nhóm 3 là củng cố các điều kiện cần để triển khai hiệu quả chuyển đổi số của ngành y tế. Theo đó, ngành y tế khảo sát thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) của các cơ sở y tế, tham mưu lãnh đạo thành phố có chính sách hỗ trợ kinh phí để nâng cấp hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của từng đơn vị. Sở Y tế phối hợp với sở, ngành có liên quan triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính công của ngành y tế theo quy định chung. Triển khai thực hiện nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử theo hướng tích hợp dữ liệu sức khỏe từ chương trình quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ. Tổ chức bình chọn giải thưởng chất lượng của ngành y tế thành phố lần thứ 3 chuyên đề chuyển đổi số.
Bình luận (0)