Đằng sau sự 'hướng nội' của Trung Quốc

27/12/2021 08:05 GMT+7

Trung Quốc có những bước chuyển chính sách được đánh giá là “hướng nội”, nhưng không phải theo cách trở thành người chơi thụ động trên sân khấu quốc tế.

Đến nay, đã gần tròn 2 năm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không công du nước ngoài. Lý do dễ thấy là đại dịch Covid-19, song việc ông Tập vắng mặt tại các diễn đàn quốc tế gần đây dấy lên nhận định Trung Quốc đang có xu hướng “hướng nội”, hay “quay lưng lại với thế giới”.

Tâm lý “hầm trú ẩn” Ian Williams, nhà báo kiêm tác giả sách viết về Trung Quốc, mới đây cho rằng tâm lý “tự cô lập” đang ngày càng lớn mạnh ở Trung Quốc. Trên trang The Spectator, ông Williams mô tả về “tâm lý hầm trú ẩn” (bunker mentality) hiện nay ở Trung Quốc: “Các rào cản được dựng lên để ngăn chặn Covid-19 là hiện thân của một tâm lý đang ngày càng chiếm thế thượng phong ở Trung Quốc”.

Khi ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ vào năm 2017, ông Tập đã đẩy mạnh nỗ lực nhằm xây dựng hình ảnh Trung Quốc như là “nhà vô địch của toàn cầu hóa”. Cuối năm đó, trong một cuộc họp với các quan chức hàng đầu đất nước, ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc đang “tiến gần hơn đến sân khấu trung tâm” trong các vấn đề toàn cầu. Gần đây nhất, khi hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Tập tuyên bố rằng quyết tâm “mở cửa ở mức cao” của Trung Quốc sẽ không lung lay.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lâu nay đã nổi tiếng về những chuyến công du nước ngoài với lịch trình bận rộn. Trước đại dịch, ông Tập trở thành người đầu tiên vượt qua người đồng cấp Mỹ về số chuyến thăm nước ngoài trung bình hằng năm, theo một nghiên cứu được New York Times trích dẫn. Cụ thể, trước năm 2020, ông Tập đến thăm trung bình 14 quốc gia một năm, dành khoảng 34 ngày ở nước ngoài. Con số này vượt qua mức trung bình của ông Obama (25 ngày công du nước ngoài) và của ông Trump (23). “Bước chân ngoại giao của Chủ tịch Tập đã bao phủ khắp mọi nơi trên thế giới”, theo một bài viết được các hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc chia sẻ vào cuối năm 2019.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc đối thoại trực tuyến

hồi tháng 11

Reuters

Tuy nhiên, việc ông Tập “ở nhà” suốt 2 năm qua và chỉ đạo một chiến dịch ứng phó cứng rắn với Covid-19 đã khiến quan điểm nước này đã trở nên hướng nội nổi lên. Trung Quốc đến nay vẫn theo đuổi chiến lược “Zero Covid”, phong tỏa nghiêm ngặt mỗi khi có những ổ dịch nhỏ lẻ bùng phát và siết chặt biên giới.

Một số nhà phân tích cho rằng đó là cách Trung Quốc coi trọng vấn đề an ninh trong nước trước tiên. Thế nhưng, cách tiếp cận Zero Covid cũng làm tăng thêm lo lắng cho các doanh nghiệp nước ngoài vốn đã tâm tư về những dấu hiệu rằng Trung Quốc đang ngày càng hướng nội. Dấu hiệu đó bao gồm việc Bắc Kinh thông qua “Quy hoạch 5 năm lần thứ 14”, với trọng tâm là lý thuyết “tuần hoàn kép” của ông Tập. Chiến lược kinh tế này yêu cầu Trung Quốc tăng cường khả năng tự lực và thậm chí đạt được khả năng tự cung tự cấp trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Từ đó, báo cáo kiến nghị rằng Trung Quốc “cần tái cam kết về việc tăng cường hội nhập với nền kinh tế toàn cầu”.

“Đại dịch đã trở thành động lực thúc đẩy Trung Quốc dưới thời ông Tập hướng nội và phần nào tách khỏi phương Tây”, Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Baptist Hồng Kông, nói với Financial Times.

Chủ nghĩa dân tộc lớn mạnh

Người nước ngoài cũng đang rời Trung Quốc với số lượng lớn. Trong thập niên qua, số lượng người nước ngoài ở Thượng Hải, trung tâm tài chính của Trung Quốc, đã giảm 20% xuống còn khoảng 163.000 người. Sự sụt giảm ở Bắc Kinh mạnh hơn - ở mức 40%, còn khoảng 63.000 người. Tại Hồng Kông, một cuộc khảo sát hồi tháng 5 cho thấy 42% người nước ngoài được hỏi đang cân nhắc rời đi.

Covid-19 là nguyên nhân thúc đẩy cuộc di cư, song lý do lớn hơn là các chính sách của Bắc Kinh như môi trường kinh doanh và chính sách thuế trở nên khắc nghiệt hơn, theo nhà báo Ian Williams. Ngoài ra, sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc, đối đầu với những tư tưởng nước ngoài tại Trung Quốc cũng đang lên. Trong những năm qua, phong trào phục hưng văn hóa truyền thống đã diễn ra ở khắp mọi nơi trong xã hội, đặc biệt là trong thế hệ trẻ với niềm tự hào về cội nguồn văn hóa của mình.

Xu hướng này được chính phủ khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ, trong “nỗ lực mang tính chiến lược nhằm biến truyền thống Trung Quốc thành lá chắn ý thức hệ chống lại các giá trị ngoại lai, đặc biệt là các giá trị phương Tây”, theo nhà nghiên cứu Carl Minzner, học giả cấp cao về nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), nói với CNN.

Trong khi đó, giáo sư khoa học chính trị Victor Shih tại Đại học California San Diego (Mỹ), cho rằng việc ông Tập hạn chế đi lại “tương thích” với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Phía Trung Quốc nói gì ?

Song truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phản bác lại những luồng quan điểm như trên, nhấn mạnh rằng việc Trung Quốc “hướng nội”, theo đuổi chiến lược “tuần hoàn kép” không phải là biểu hiện chủ nghĩa biệt lập hay “quay lưng lại với thế giới”.

“Những cách diễn giải thiên lệch như “phân tách kinh tế”, “đóng cửa” đối với thị trường toàn cầu, và “chủ nghĩa biệt lập” chẳng qua là những ví dụ về sự đánh giá sai lầm đối với con đường phát triển và vai trò của Trung Quốc trong toàn cầu hóa”, Global Times khẳng định trong một bài bình luận hồi tháng 11.

Bài viết được đăng sau khi Viện Lowy có trụ sở tại Sydney (Úc) công bố Bảng xếp hạng chỉ số quyền lực châu Á năm 2021. Báo cáo đi cùng bảng xếp hạng cho biết trong khi Trung Quốc cải thiện một số chỉ số về khả năng phục hồi, ảnh hưởng của nước này ở châu Á đã suy giảm với việc chuyển hướng mang tinh thần “chủ nghĩa biệt lập”, cũng như các vấn đề cấu trúc như dân số già và nợ công. Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng này, Trung Quốc xếp thứ hai.

“Vai trò kép mà Trung Quốc đã và đang theo đuổi, vừa là “công xưởng của thế giới” vừa là “thị trường của thế giới” là bằng chứng rõ ràng rằng Trung Quốc không phải là một nền kinh tế biệt lập. Và việc Trung Quốc hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như những nỗ lực mở cửa trong thời kỳ đại dịch đều cho thấy rằng Trung Quốc cũng không có khuynh hướng tự cô lập”, theo bài viết.

Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Stella Hong Zhang tại Trường Nghiên cứu quốc tế nâng cao John Hopkins (Mỹ) cho rằng bản chất những chính sách được xem là “hướng nội” của Trung Quốc là việc “định hướng lại trọng tâm ngoại giao, chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển”. Đây được xem là một phần của nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường và công nghệ phương Tây, cũng như “bỏ qua một số nước phương Tây, cụ thể hơn là Mỹ” trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Sự hướng nội của Trung Quốc cũng phù hợp với các mục tiêu trước mắt của ông Tập, với đại hội đảng toàn quốc lần thứ 20 diễn ra vào mùa thu năm sau. “Giờ đây, ông ấy có lẽ quan tâm đến việc được người dân nhìn thấy ông đang nỗ lực chống đói nghèo, bất bình đẳng và tham nhũng, hơn là việc bước trên thảm đỏ cùng các nhà lãnh đạo quốc tế khác”, Katie Stallard, nghiên cứu viên tại Trung tâm Wilson, nhận định trên Bloomberg.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.