Nghị lực mùa thi

Dang tay cứu giúp cô học trò bệnh không có tiền chữa, khát khao vào giảng đường

14/06/2023 06:00 GMT+7

Trong căn phòng trọ chật chội, nóng nực, với căn bệnh loét dạ dày nặng hành hạ mỗi ngày, cô học trò nhỏ nhiều năm liền là học sinh giỏi khóc cạn nước mắt vì lo sợ không có tiền để học tiếp.

Khi chúng tôi gặp Phạm Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 12 Trường THPT Phong Phú (H.Bình Chánh, TP.HCM), đây là thời điểm bạn bè đồng trang lứa đang dồn hết tâm trí để ôn thi tốt nghiệp THPT, thì em lại phải cùng mẹ xoay xở bên nồi cháo mực kiếm từng đồng để trang trải qua ngày. Thu nhập từ nồi cháo chỉ được vài chục ngàn đồng, nếu trời mưa thì coi như không có đồng nào. Và hôm chúng tôi đến, trời mưa to, nên mới 9 giờ sáng Duyên và mẹ phải dọn đồ về. Nồi cháo mực nhỏ thôi nhưng còn nguyên, thế là mẹ con cả ngày hôm đó ăn cháo trừ cơm.

Một ngày với từng đó thu nhập, mẹ con Duyên phải tằn tiện lắm mới đủ sống. Những hôm không bán được, không chỉ tiền ăn của ngày hôm đó không có mà nỗi lo tiền đâu để cuối tháng đóng tiền trọ, rồi tiền học phí đang nợ chồng chất cứ bủa vây tâm trí hai mẹ con.

Dang tay cứu giúp cô học trò bệnh không có tiền chữa, khát khao vào giảng đường

BỆNH NGÀY CÀNG NẶNG MÀ KHÔNG TIỀN CHỮA TRỊ

Duyên lại mang trong mình căn bệnh loét dạ dày nặng nhưng không có tiền để chữa trị, hằng ngày phải ăn uống thất thường và khổ cực khiến bệnh tình của cô học trò ngày càng thêm nặng.

Dang tay cứu giúp cô học trò bệnh không có tiền chữa, khát khao vào giảng đường - Ảnh 1.

Duyên kể: "Em phát bệnh từ năm lớp 9, nhưng em ráng chịu đựng. Đến khi học lớp 10, đang ngồi học mà đau quá, em ngất xỉu nên phải đưa đi bệnh viện cấp cứu, lúc này mới phát hiện bị loét dạ dày. Càng lúc bệnh càng nặng hơn, đau nhiều nhất là vào buổi sáng. Nhiều hôm đi học mà em đau kinh khủng, mặt tái mét khiến thầy cô, bạn bè lo sợ".

Nhắc đến bệnh tình của con, chị Ngô Thị Ánh Tuyết (mẹ của Duyên) ứa nước mắt, chia sẻ: "Con đau mà hoàn cảnh quá khó khăn, không có tiền để chữa trị, chỉ biết mua thuốc ở ngoài cho uống đỡ để còn đi học. Có những lúc không còn đồng nào trong túi, con bị đau nhưng sáng ra nhà chỉ có cơm nguội cho con ăn đi học. Phận làm mẹ, tôi đau xót vô cùng".

Đôi mắt cũng đỏ hoe, cô học trò bé nhỏ nói trong nước mắt: "Em phải ráng thôi, chứ không lẽ vì không có gì ăn mà nghỉ học. Việc em được đi học không chỉ là ước mơ của mẹ mà bản thân em cũng rất mong muốn. Mặc dù em biết việc học tiếp sẽ gặp rất nhiều thử thách nhưng em luôn cố gắng. Mà giờ đây thứ duy nhất em có được chỉ là nỗ lực của chính mình thôi".

Dang tay cứu giúp cô học trò bệnh không có tiền chữa, khát khao vào giảng đường - Ảnh 2.

Nghị lực mùa thi: Cô học trò không tiền chữa bệnh  vẫn khát khao vào giảng đường - Ảnh 1.

Cô học trò nhỏ vẫn nuôi ước mơ vào giảng đường đại học trong căn phòng trọ cũ kỹ, xuống cấp

Nữ Vương

Tiền ăn hằng ngày còn thiếu trước hụt sau, tiền học phí thì nợ năm này dồn qua năm khác, nên giấc mơ giảng đường đại học khiến tâm trí cô học trò nhỏ trĩu nặng.

"Năm lớp 10, em phải đi xe buýt từ Q.8 qua H.Bình Chánh học, vừa tiền đi xe buýt, vừa tiền thuốc trị bệnh, tiền học phí nữa nên nợ cứ dồn lại và đến bây giờ vẫn còn nợ rất nhiều. Giờ em phải đóng thêm 1,7 triệu đồng tiền ôn thi nhưng cũng nợ vì chưa có tiền đóng", Duyên kể.

KHÁT KHAO ĐƯỢC HỌC TIẾP

Ba bỏ đi từ khi Duyên còn rất nhỏ, để lại 2 anh em Duyên cho một mình mẹ nuôi nấng. Cuộc sống khổ cực, phải chuyển nhiều chỗ trọ nên chặng đường đi học của Duyên cũng chông chênh theo.

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Phạm Thị Mỹ Duyên, học sinh Trường THPT Phong Phú (H.Bình Chánh, TP.HCM), quý độc giả vui lòng gửi về chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: giúp đỡ em Phạm Thị Mỹ Duyên; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển số tiền của bạn đọc đóng góp đến em Phạm Thị Mỹ Duyên trong thời gian sớm nhất.

Đang thời buổi công nghệ, nhưng muốn liên lạc với Duyên là phải đến tận nhà vì 2 mẹ con chỉ có 1 chiếc điện thoại cũ, nhưng gần đây cũng đã bị hư. Trong căn phòng trọ lợp tôn cũ kỹ, không có một đồ vật nào có giá trị, vách tường phía trước được che tạm bằng những miếng xốp cho đỡ nóng cũng bị rơi rớt dần theo thời gian. Nhưng với mẹ con Duyên, có chỗ ở đã là may mắn rồi.

Mẹ Duyên vì vất vả và lao tâm quá nhiều nên sức khỏe cũng yếu dần, nhiều hôm đang chạy xe thì té xỉu giữa đường. Nhưng thấy con cố gắng, người mẹ lam lũ ấy chỉ biết nén nỗi đau vào trong: "Đời tôi khổ quá rồi, vừa bất hạnh vì tình duyên với cha của Duyên, vừa bị bà con không nhìn nhận, khi dễ vì tôi nghèo khó. Tôi buồn lắm nhưng phải ráng vui vì sợ Duyên buồn, khóc, ảnh hưởng tới việc học. Trước mặt con lúc nào tôi cũng vui, nhưng con đi học là tôi ngồi khóc một mình".

Dang tay cứu giúp cô học trò bệnh không có tiền chữa, khát khao vào giảng đường - Ảnh 5.

Vì hoàn cảnh nên từ nhỏ đến lớn Duyên đều tự học, thế nhưng nhiều năm liền em đều đạt thành tích học sinh giỏi.

Thầy Lê Văn Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp của Duyên, kể: "Gia đình khó khăn, sức khỏe Duyên lại yếu vì bị đau dạ dày nặng nhưng em rất chịu khó và là học sinh giỏi nhiều năm liền. Nhà trường biết hoàn cảnh của Duyên nên dù em nợ học phí nhưng vẫn tạo điều kiện để em được thi và lên lớp. Vừa rồi nhà trường vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền học phí các năm trước của em. Nhưng đến hiện tại thì Duyên vẫn chưa thể đóng khoản học phí ôn thi tốt nghiệp".

Dù phải ăn mì gói hay cơm nguội để đi học, vẫn không làm chùn bước chân của cô học trò nhỏ. Nhưng gánh nặng về học phí và câu hỏi "tiền đâu để học tiếp" thì mẹ con Duyên không thể vượt qua. "Em sợ tương lai của em sẽ bị đứt giữa chừng…", bỏ lửng câu nói, Duyên cúi đầu, những giọt nước mắt chảy ướt ngực áo cô học trò nhỏ.

Chia tay 2 mẹ con ra về, ánh mắt của Duyên cứ theo tôi mãi. Ở cái tuổi 18 đẹp nhất cuộc đời, bao nhiêu ước mơ và hoài bão nhưng trong ánh mắt em luôn ẩn chứa một nỗi buồn sâu thẳm mà ngay cả khi em cười vẫn không che giấu được.

Dang tay cứu giúp cô học trò bệnh không có tiền chữa, khát khao vào giảng đường - Ảnh 6.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.