Hơn 20 năm trong nghề may quần áo, anh Lê Công Hiệp (xã Tân Lân, H.Cần Đước, Long An) không đành lòng nhìn những chiếc máy may bị vứt bỏ. Hơn 10 năm nay, anh xin mua lại những chiếc máy may cũ.
|
Anh Hiệp cho biết: “Tôi làm nghề may mặc này cũng hơn 20 năm rồi, thấy người ta bỏ những chiếc máy may cũ tôi thấy tiếc quá, nên xin mua lại đêm về nhà sửa chữa, bảo dưỡng. Cứ vậy, thấy ai bỏ tôi lại đến xin mua, mới đó đã 10 năm và hiện tại tôi đã có hơn 130 máy. Tất cả máy nhà tôi đều hoạt động tốt cả”.
Thấy được lòng đam mê sưu tầm đồ cổ của anh Hiệp, nên bà con xung quanh đều rất quan tâm giúp đỡ, mỗi khi thấy ai bỏ máy may cũ thì mọi người đều gọi anh Hiệp đến mang về. Cứ thế, ngày qua ngày, cái tên Hiệp “máy may” tự dưng xuất hiện.
|
Đang ngồi may đồ cho khách, anh Hiệp chia sẻ: “Máy may đạp này tuy mệt và năng suất không nhanh bằng máy công nghiệp bây giờ, nhưng đường chỉ nó rất đẹp và đều. Khách tôi rất ưng ý khi may bằng máy may đạp, thay vì máy công nghiệp như hiện nay”.
Được biết, phần lớn máy may trong bộ sưu tập này đến từ Pháp và Nhật Bản. Các dòng máy hiện có gồm Pfaff, Mitsubishi, Singer, Sinco, Prother, Grand, Standard, Min River, Mercedes. Hiện tại có 1 cặp máy Pfaff nhãn hiệu 31, đã hơn 100 năm.
|
Bà Nguyễn Thị Sáu (Phó giám đốc bảo tàng - Thư viện tỉnh Long An) cho biết: “Bảo tàng thư viện tỉnh vừa tiếp nhận 5 máy may cổ được sản xuất trong những năm 1966 - 1976 do anh Lê Công Hiệp gửi tặng. Việc tiếp nhận hiện vật xưa, cũ đã được địa phương xác nhận. Thư viện đang đề xuất triển lãm máy may của anh Hiệp trong thời gian tới”.
Với mong muốn giới trẻ ngày nay còn biết được giá trị văn hóa của ngành nghề may mặc, anh Hiệp vẫn đang sưu tầm những nhãn hiệu còn thiếu trong bộ sưu tập của mình, biết là khó tìm nhưng ông tâm niệm “phải tìm cho đủ để con cháu sau này biết thời xưa những chiếc máy này là vô cùng đáng giá”.
Bình luận (0)