Đánh giá thế nào nếu học sinh không dự kiểm tra trực tuyến?

14/11/2021 16:04 GMT+7

Xuất phát từ đặc thù và khó khăn của việc dạy học trực tuyến , việc kiểm tra, đánh giá không nên quá căng thẳng, nặng nề, gây khó cho học sinh.

Nhiều trục trặc khi kiểm tra trực tuyến

Đến thời điểm này, việc học trực tuyến của học sinh THCS và THPT ở hầu hết các địa phương đã bước sang tháng thứ ba. Theo kế hoạch năm học, công việc kiểm tra giữa kỳ 1 ở khối trung học cơ bản sắp hoàn tất, riêng các trường tiểu học đang chuẩn bị kiểm tra.

Học sinh tiểu học tại TP.HCM làm bài kiểm tra trực tuyến

trần nhân trung

Hơn bao giờ hết, chất lượng thật của đợt kiểm tra, mức đề khó dễ, việc đánh giá xếp loại các mặt của học sinh sau nửa chặng đường học trực tuyến của học kỳ 1 được quan tâm đặc biệt.

Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Phú, TP.HCM, căn dặn giáo viên: “Các thầy cô không được tùy ý cho học sinh điểm 0 vì lý do không dự kiểm tra. Bằng mọi cách phải tìm hiểu lý do học sinh không làm bài, không nộp được bài để tìm cách cho kiểm tra bổ sung”. Thực tế thì, khi kiểm tra bằng hình thức trực tuyến, học sinh rất dễ gặp trục trặc với rất nhiều lý do, kể cả việc vô ý vi phạm nội quy, dù sử dụng bất cứ phần mềm công nghệ nào. Nên nếu nhà trường và giáo viên cứng nhắc, máy móc sẽ gây thiệt thòi cho học sinh.

Chất lượng dạy học trực tuyến hiệu quả thấp. Vì vậy, bên cạnh giảm tải nội dung chương trình theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, đề kiểm tra cũng cần rút ngắn về thời gian làm bài, giảm độ khó; tăng câu hỏi nhận biết, thông hiểu; giảm câu hỏi vận dụng cao. Việc chấm bài kiểm tra bằng hình thức trực tuyến của một số môn đặc trưng cũng cần có nhiều thời gian.

Căn cứ nào để xếp loại hạnh kiểm?

Thi đua giữa học sinh và các lớp trong thời gian học trực tuyến là cần thiết để giữ kỷ luật, nền nếp, tạo động lực phần đấu cho học sinh. Nhưng nếu quá nặng nề sẽ dễ tạo căng thẳng, áp lực cho học sinh và cho cả giáo viên. Hoạt động phong trào trong thời gian này cũng nên nhẹ nhàng, có trọng tâm, chứ không nên tràn lan. Sẽ dễ thiếu công bằng nếu đưa các hoạt động này vào tiêu chí chính của việc thi đua, đánh giá khi học trực tuyến.

Xếp loại hạnh kiểm giữa kỳ cho học sinh qua thời gian học trực tuyến cũng rất khó khăn. Hầu hết giáo viên đều dựa vào sự chuyên cần, thái độ nghiêm túc của các em trong việc học trực tuyến. Nhưng nếu giáo viên thiếu thấu đáo để tìm hiểu hoàn cảnh, điều kiện học của học sinh thì cũng khó chính xác. Khi ấy học sinh và cả phụ huynh “kêu oan” vì bị xếp loại này nọ là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, việc xếp loại hạnh kiểm học sinh cũng chớ nên quá máy móc, nặng nề.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.