|
Theo đại biểu (ĐB) Huỳnh Ngọc Đáng, Bình Dương: “Lịch sử Việt Nam chúng ta trải qua các đời, lúc mạnh yếu khác nhau nhưng chưa bao giờ chúng ta lệ thuộc láng giềng phương Bắc về kinh tế. Bởi vì tổ tiên ta hiểu rằng, khi buộc phải thường xuyên đương đầu với tranh chấp, xung đột lãnh thổ thì sự lệ thuộc người ta về kinh tế là điểm yếu chí tử của đất nước. Đây là bài học lớn có tính nguyên tắc, nhưng hình như hiện nay chúng ta chưa thuộc lòng bài học đó”. Ông Đáng đề nghị năm 2014 phải có sự chuyển hướng để giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc (TQ), kể cả việc phân bổ ngân sách và đầu tư. Theo ĐB này, phải xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, "một lĩnh vực mà suốt mấy mươi năm qua không hiểu vì sao ta đã bỏ qua", trong nông nghiệp, cần nhanh chóng tính đến lộ trình điều chỉnh thị trường tiêu thụ nông sản.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) thì nhìn nhận, việc chúng ta đang tiến tới kết thúc các cuộc đàm phán về các hiệp định tự do thương mại với nhiều triển vọng cũng là cơ hội để thoát khỏi lệ thuộc vào TQ về thương mại, kinh tế. Theo ĐB này, các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra các cơ hội phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam giảm bớt và thoát khỏi tình trạng lệ thuộc quá nhiều vào thị trường TQ để bảo đảm sự phát triển bền vững và cân bằng của nền kinh tế.
|
Trước lo ngại của ĐB, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng báo cáo thêm: Hiện chúng ta có quan hệ xuất nhập khẩu với trên 180 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có TQ. Trong năm 2013, chúng ta xuất khẩu sang TQ chiếm khoảng 9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tức là hơn 10 tỉ USD trên tổng số 133 tỉ USD xuất khẩu; nhập khẩu từ TQ chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch nhập khẩu. “Nhập khẩu năm 2013 khoảng 133 tỉ USD, trong đó nhập khẩu từ TQ khoảng hơn 30 tỉ USD”, Bộ trưởng thông tin.
16.000 tỉ đồng cho cảnh sát biển, kiểm ngư và hỗ trợ ngư dân
Nhiều ĐB cũng đề nghị QH cần có những quyết nghị mạnh mẽ hỗ trợ các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển Đông cũng như giúp đỡ ngư dân bám biển.
ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) đề nghị trước mắt cần tăng cường trang bị phương tiện cho các lực lượng chấp pháp trên biển, tăng cường hệ thống phòng thủ biển đảo. “Nên cho ngư dân vay không lãi suất ở một số vùng trọng điểm, tạo thế liên hoàn trên biển. Đồng thời, kiện toàn tổ chức các doanh nghiệp, các nghiệp đoàn đánh cá để tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân trên biển”, ông Nghĩa kiến nghị.
Trước kiến nghị trên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thông tin: QH dự kiến dành 16.000 tỉ đồng trong ngân sách năm 2013 để chi cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và hỗ trợ ngư dân, QH sẽ quyết định vấn đề lớn này tại kỳ họp thứ 7.
ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng nhấn mạnh nghị quyết của QH về KT-XH tại kỳ họp này phải thể hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" bằng hành động. “Tôi ủng hộ 16.000 tỉ đồng cắt để ủng hộ biển Đông nhưng 16.000 tỉ đồng chưa đủ. Tôi đề nghị QH lần này cắt phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên mà không nằm trong lương và trợ cấp xã hội. Những kiểu như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại... cũng phải cắt tối đa”, ông kiến nghị.
Trong khi đó, ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ phải theo dõi, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách dành cho ngư dân, ngăn chặn việc ăn chặn của ngư dân bởi theo ông Nam, “bóng ma từ những dự án đánh bắt xa bờ những năm 1990 vẫn còn lởn vởn”.
Đánh giá tình hình sẽ khó khăn, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đề nghị: “QH ra lời kêu gọi toàn dân phát huy truyền thống quý báu theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức thi đua lao động sản xuất và công tác, toàn dân tộc đoàn kết một lòng sát cánh cùng T.Ư Đảng, Chính phủ và QH thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
Tường thuật từ Hoàng Sa: Đợt tấn công ác liệt nhất của tàu Trung Quốc trong mấy ngày qua Sau khi bị tàu TQ điên cuồng đâm va gây hư hỏng nặng cho tàu Cảnh sát biển (CSB) 2016, ngay trong đêm 1.6, các chiến sĩ CSB đã nhanh chóng khắc phục lỗ thủng trên tàu này. Tuy nhiên, hiện nước vẫn có thể ngập vào khi gặp sóng lớn, trong trường hợp này có thể dùng máy hút nước ra ngoài. Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, chính trị viên tàu CSB 2016, cho hay chiều 1.6 tàu TQ tấn công tàu Việt Nam ở tất cả các hướng. Trước thời điểm tàu CSB 2016 bị đâm va, có 4 tàu TQ vây tàu kiểm ngư Việt Nam để phun vòi rồng. “Đây là cuộc tấn công quyết liệt nhất của TQ trong mấy ngày qua”, thượng úy Nguyễn Quốc Huy nhận định. Tàu Trung Quốc muốn dùng vòi rồng thổi bay người Là người duy nhất trực tiếp chứng kiến cảnh tàu TQ hung hãn phun vòi rồng, đâm va vào tàu CSB 2016, thượng úy Nguyễn Quốc Huy kể lại: “Do lúc đó các phóng viên được đưa ngay vào buồng chỉ huy để đảm bảo an toàn nên chỉ có mình tôi trụ trên boong tàu để ghi lại hình ảnh vụ việc làm bằng chứng. Tôi thấy một nhóm người trên tàu TQ ra hiệu chỉ thẳng vào tôi với ý đồ dùng vòi rồng thổi bay tôi đi. Vừa cầm máy quay tôi phải tìm chỗ ẩn nấp rồi ngay lập tức quay phim”. Thượng úy Huy bảo anh không chút run sợ trong khoảnh khắc nguy hiểm đó mà chỉ cố sao để ghi lại hình ảnh đâm va một cách tốt nhất có thể. “Khi tình huống va đập, xịt vòi rồng xảy ra, tôi tận dụng tối đa mọi địa thế trên boong tàu để hạn chế sát thương. Lúc nào tôi và anh em trên tàu cũng chủ động đối phó với mọi tình huống”. Anh Huy bảo, là người lính nên các anh chấp hành nghiêm nhiệm vụ. Còn việc tàu TQ gây thiệt hại, sát thương cho tàu và anh em CSB Việt Nam đã quá rõ ràng, sự phán xét đó, xin để cho dư luận quốc tế đánh giá. Thượng úy Nguyễn Quốc Huy nhắn gửi: “Mặc dù việc đâm va gây ra tổn thất khá lớn cho tàu CSB 2016, chúng tôi vẫn kiên quyết ở lại bám biển, gìn giữ chủ quyền biển đảo, tìm mọi cách không để TQ hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 ở vùng biển Việt Nam. Mọi người hãy tin tưởng. Chúng tôi chỉ trở về khi nào hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Trung Hiếu |
Nguyệt Minh - Thái Sơn
Bình luận (0)