Tối 26.10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi thông tin, do ảnh hưởng bão số 6, trên vùng biển Quảng Ngãi (bao gồm huyện đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, giật 7, có lúc cấp 7, giật cấp 8.
Ở đất liền, khu vực ven biển gió cấp 4, cấp 5. Khả năng từ chiều tối và đêm 26.10, vùng ven biển có gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 - 8; vùng gần tâm bão cấp 7, giật cấp 8 - 9.
Huyện đảo Lý Sơn đã tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 134 hộ/412 khẩu. Trong đó, thôn Bắc An Bình: 17 hộ/130 khẩu; Tây An Vĩnh: 30 hộ/75 khẩu; Đông An Vĩnh: 35 hộ/95 khẩu, Đồng Hộ: 12 hộ/30 khẩu, Đông An Hải: 25 hộ/50 khẩu; Tây An Hải: 15 hộ/32 khẩu.
Bão Trà Mi (bão số 6) áp sát miền Trung, gây mưa cực lớn
H.Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi thông báo đến các hộ dân sẵn sàng di dời, sơ tán đến nơi an toàn xác định trước theo kịch bản đã được xây dựng.
Theo đó, tại các địa bàn trọng điểm như H.Lý Sơn, các xã ven biển H.Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi, đã triển khai công tác ứng phó bão số 6.
Tại H.Lý Sơn, người dân tổ chức thu hoạch sớm 30 ha hành để hạn chế thiệt hại, chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết. Riêng tại thôn Bắc An Bình (đảo Bé, Lý Sơn) chuẩn bị 2 tấn gạo dự trữ. Đảo Bé có diện tích 0,69 km2 và hơn 100 hộ dân sinh sống.
Những ngày vừa qua, H.Lý Sơn tổ chức các lực lượng tiến hành chằng chống, gia cố nhà ở, trụ sở cơ quan phòng tránh bão số 6; tổ chức neo đậu tàu, thuyền và 57 lồng bè tại khu neo trú tàu thuyền Lý Sơn; sẵn sàng tổ chức sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn.
Tại H.Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi, đã tổ chức chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy, ngã đổ và thông báo, vận động người dân sẵn sàng sơ tán khi bắt đầu có gió mạnh. Đồng thời, khơi thông cống, rãnh và sẵn sàng lực lượng để đảm bảo tiêu, thoát nước khu nội thành TP.Quảng Ngãi.
Cấm tuyến đường thủy đi xã Nhơn Châu
Liên quan đến công tác ứng phó bão số 6, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước, TX.Hoài Nhơn và TP.Quy Nhơn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Giám đốc Sở NN-PTNT… khẩn trương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền (bao gồm cả tàu vận tải, tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Có biện pháp bảo đảm an toàn cho tàu thuyền tại khu neo đậu.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu thường xuyên giữ thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản tại khu nuôi trồng thủy, hải sản. Kiên quyết sơ tán người dân trên các lồng, bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp.
Hiện toàn tỉnh Bình Định có 2.427 lồng bè nuôi thủy sản. Chiều 26.10, nhiều người nuôi cá lồng bè ở khu vực cửa biển Đề Gi (xã Cát Khánh, H.Phù Cát) khẩn trương thu hoạch cá, tôm để chạy bão. Đồng thời, gia cố, tăng cường hệ thống dây neo chằng bảo vệ bè canh, lồng nuôi, di chuyển lồng bè vào nơi không bị ảnh hưởng dòng chảy để tránh khi gió bão lớn xô đẩy.
Do biển động, sóng lớn nên đường thủy từ P.Hải Cảng đi xã Nhơn Châu (TP.Quy Nhơn) đã tạm dừng. Lực lượng biên phòng cũng túc trực, theo dõi không cho tàu chở khách rời bến.
Bình luận (0)