Tổ chức Hoa hậu Hòa bình Quốc tế tại Việt Nam không đơn giản
* Xin chào đạo diễn Hoàng Nhật Nam, xin anh cho biết tính đến thời điểm hiện tại, lịch trình tổ chức Hoa hậu Hòa bình Quốc tế được chuẩn bị như thế nào?
- Đạo diễn Hoàng Nhật Nam: Chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc di chuyển và lịch hoạt động của các thí sinh tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Đó là một điểm nhấn khá đặc biệt của cuộc thi năm nay, việc đi qua nhiều tỉnh thành và các miền di sản khiến cho lịch trình rất dày. Ban tổ chức phải làm việc cật lực để sắp xếp một lịch trình hợp lý. Vì mong muốn quảng bá nhiều thắng cảnh của Việt Nam nên mới cực đến như vậy chứ nếu không chúng ta chỉ cần một thành phố để tổ chức cho những hoạt động trước cuộc thi và một thành phố khác để thực hiện ba đêm thi chính.
Hiện nay, các khâu đàm phán về địa điểm, sắp xếp chương trình ở các địa phương cũng đã và đang hoàn thiện với các hoạt động hấp dẫn vừa có thể quảng bá du lịch vừa có tính giải trí. Dĩ nhiên, sẽ có những khó khăn nhất định khi phải di chuyển nhiều như thế, đó là thời gian khá gấp rút, yếu tố sức khỏe của thí sinh và sắp xếp những chuyến bay. Phần còn lại là ba đêm thi chính gồm trang phục dân tộc, bán kết và chung kết sẽ được diễn ra tại TP.HCM. Mọi công tác chuẩn bị về sân khấu đã và đang được xây dựng ráo riết.
* Từ khi xác nhận việc đăng cai Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2023, anh chuẩn bị tinh thần như thế nào?
- Tinh thần tôi căng như dây đàn. Dù có kinh nghiệm tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu trong nước với quy mô hoành tráng nhưng khi thực hiện một cuộc thi quốc tế như Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình Quốc tế) lại không hề đơn giản. Hơn 70 người đẹp từ nhiều nơi trên thế giới đến Việt Nam sẽ có nhiều áp lực. Đó là vấn đề về giấy tờ, thủ tục, an ninh, ăn uống, nơi ở và sức khỏe cho thí sinh. Thêm nữa, mình còn phải làm sao để quảng bá được du lịch, danh lam thắng cảnh. Từ đó, ban tổ chức ở Việt Nam phải suy nghĩ và tính toán sao cho hợp lý. Ngoài ra, đó là áp lực về chi phí trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Nếu chỉ tổ chức một đêm chung kết tại một khán phòng nào đó thì quá đơn giản nhưng để có một hành trình dài quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam là một điều tôi rất trăn trở.
* Anh có thể tiết lộ địa điểm tổ chức đêm thi trang phục dân tộc, bán kết và chung kết?
- Ba đêm thi quan trọng đều được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ TP.HCM. Để đảm bảo về mặt kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng... chúng tôi gom về một địa điểm. Về quy mô của sân khấu, tôi cũng trăn trở, thảo luận với ban tổ chức rằng có nên đưa sân khấu ra một sân vận động lớn hơn để thu hút được nhiều khán giả. Tuy nhiên, họ không đồng ý vì sợ rủi ro về mặt thời tiết sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đêm diễn nên tôi quyết định ở địa điểm trên để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, ban tổ chức cũng mong muốn khán giả toàn cầu có thể xem được những hình ảnh chỉn chu, không bị vấn đề về mặt đường truyền. Đây cũng là điều khác biệt nhưng tôi tôn trọng điều đó.
* Có ý kiến cho rằng giá vé cao, anh thấy điều này thế nào?
- Về chuyện bán vé, tôi thấy cũng nhiều ý kiến cho rằng giá vé cao nhưng mong mọi người hiểu chi phí đầu tư, vận hành cuộc thi rất lớn trong một năm kinh tế khó khăn thế này, nên chúng tôi phải sử dụng toàn bộ nguồn tài trợ của các nhãn hàng cũng như sự chung tay của khán giả trong nước và quốc tế. Tôi nghĩ khán giả sẽ hiểu và thông cảm cho điều này để cuộc thi diễn ra chỉn chu nhất.
* Phía tổ chức Hoa hậu Hòa bình Quốc tế có yêu cầu như thế nào cho phía Việt Nam?
- Đầu tiên, họ mong muốn có lịch trình thú vị và phải góp phần quảng bá du lịch Việt Nam. Nên lịch trình năm nay dày đặc hơn so với việc tổ chức ở các nước khác. Theo đó, các thí sinh sẽ tập trung tại Hà Nội để tham gia các hoạt động ở đây và sau đó là điểm đến vịnh Hạ Long, rồi bay vào Đà Nẵng để góp mặt trong phần thi Best In Swimsuit. Tiếp đó là những địa điểm như Hội An, Huế... để góp mặt trong Vietnam Beauty Fashion Fest. Sau đó, các thí sinh di chuyển vào TP.HCM để chuẩn bị cho đêm trang phục dân tộc, bán kết và chung kết. Ngoài ra, kịch bản chương trình là từ ê kíp của ông Nawat Itsaragrisil và mình không can thiệp vào đó. Còn về phía Việt Nam, tôi là người đại diện để hỗ trợ những trang thiết bị cũng như vận hành nó một cách tốt nhất.
* Anh nghĩ mình sẽ làm gì để cuộc thi lần này có điểm khác biệt hơn so với năm 2017?
- Tôi cảm ơn ông Nawat và ê kíp của cuộc thi vì quan tâm đến yếu tố bản sắc Việt Nam. Ví dụ như hình ảnh logo Miss Grand International, nó được kết tinh từ những yếu tố thuần Việt và nói lên được thông điệp Alive Vietnam (Sức sống Việt Nam). Dĩ nhiên, đây là một cuộc thi quốc tế nên vẫn phải đảm bảo yếu tố hiện đại bởi nó là sự trung hòa của nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Dẫu vậy, những yếu tố Việt Nam sẽ được khéo léo lồng ghép vào chương trình, đó là trong màn đồng diễn và hô tên sẽ có những bộ trang phục được lấy cảm hứng từ văn hóa Việt Nam. Ngoài ra, nhà thiết kế Trần Thiện Khánh cũng đảm nhận thiết kế áo dài cho top 10 trong phần thuyết trình về hòa bình. Tôi chắc chắn rằng những yếu tố như âm nhạc, ánh sáng, thiết kế sân khấu... đều hiện đại, đảm bảo tính quốc tế, tuy nhiên, khán giả vẫn thấy bản sắc Việt Nam trong chương trình này.
* Yếu tố ánh sáng, âm nhạc từ Hoa hậu Hòa bình Việt Nam luôn là vấn đề gây tranh cãi vì sự thiếu ổn định. Vậy anh làm sao khắc phục vấn đề này ở Hoa hậu Hòa bình Quốc tế?
- Tôi nghĩ rằng người hâm mộ Việt Nam vì quá yêu thương cuộc thi nên họ sẽ hơi hà khắc, đặt rất nhiều kỳ vọng, vì vậy, khán giả có những lời khen chê nhất định. Nhưng nếu công tâm mà nói thì Hoa hậu Hòa bình Việt Nam có khâu tổ chức tốt. Khi tôi làm việc với những giám đốc quốc gia của các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới, họ cảm thấy rất phấn khích vì sao chúng tôi lại có thể thực hiện một cuộc thi hoành tráng như vậy. Dĩ nhiên, với tâm thế một người làm nghề như tôi thì luôn tiếp nhận ý kiến khen chê để mình cải thiện.
Chắc chắn có tranh cãi
* Giữa đạo diễn Hoàng Nhật Nam, bà Phạm Kim Dung (chủ tịch công ty Sen Vàng) và ông Nawat Itsaragrisil có mâu thuẫn trong quá trình thảo luận về cuộc thi?
- Chắc chắn sự tranh cãi là có, vì một bên phải đấu tranh cho chương trình đạt tính nghệ thuật nhưng bên còn lại phải quan tâm đến việc chương trình không lỗ. Về phía ông Nawat, ông ấy mong muốn các thí sinh được ở khách sạn 5 sao để đảm bảo hình ảnh cuộc thi. Những nơi thí sinh đi qua đều được ban tổ chức và nhà tài trợ cung cấp cho những tiện ích hàng đầu, không hề thua kém các nước bạn về ăn uống, dịch vụ, lữ hành... Ngoài ra, ông ấy mong muốn về sự an toàn và thuận lợi nhất cho các thí sinh. Có thể mọi người thấy ông Nawat là người nóng tính nhưng ông lại làm việc rất rõ ràng, luôn nói ra những điều mà mình mong muốn. Tuy nhiên, không có nghĩa ông ấy bắt buộc mọi người phải làm theo mà có thể linh hoạt, chỉ cần đáp ứng mục đích và tôn chỉ của cuộc thi. Hoặc có một số thứ phù hợp với văn hóa cũng như thuận lợi cho đối tác thì ông ấy sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ. Mặc dù là người làm kinh doanh nhưng ông ấy không câu nệ về vai vế, thậm chí, ông ấy có thể ăn uống bình dân. Ngoài những bữa ăn chính chất lượng và quảng bá ẩm thực Việt Nam, ông Nawat không ngại cho thí sinh dùng đồ ăn take away (mang đi) nếu nó thuận tiện cho lịch trình tập luyện và gọn nhẹ. Đó là tinh thần tập trung cho công việc chứ không phải là người màu mè, khoe khoang.
* Ông Nawat đã đặt ra những mục tiêu gì cho phía ban tổ chức ở Việt Nam?
- Ông Nawat chưa bao giờ nói thẳng ra phải như thế này, như thế kia nhưng ông ấy chỉ chia sẻ rằng Việt Nam là đất nước được các fan sắc đẹp trên thế giới quan tâm, yêu mến từ sau khi Nguyễn Thúc Thùy Tiên đăng quang. Cho nên, đây cũng là áp lực cho ban tổ chức Hoa hậu Hòa bình Quốc tế và cả ban tổ chức tại Việt Nam để làm sao thỏa được lòng mong đợi này. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều danh lam thắng cảnh cùng những tiện ích rất tuyệt vời nên khi du khách đến Việt Nam luôn được đón tiếp nồng nhiệt, đồng thời, lĩnh vực giải trí ở Việt Nam cũng phát triển. Trong đó, những cuộc thi sắc đẹp do công ty Sen Vàng tổ chức cũng được đánh giá cao. Nên ông Nawat cũng tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng cho ban tổ chức ở Việt Nam sẽ thực hiện cuộc thi này tốt nhất có thể, mang lại hiệu quả về mặt truyền thông cũng như nâng cao hình ảnh và uy tín cho cuộc thi. Song song đó, ông Nawat cũng có kỳ vọng về những phần thi phụ, đó là phải chọn lựa những điểm đặc trưng, dịch vụ tốt nhất về ẩm thực, địa điểm nghỉ dưỡng và tour tham quan...
* Anh có áp lực nếu bị so sánh với các cuộc thi sắc đẹp quốc tế từng được tổ chức tại Việt Nam?
- Tôi không ngại việc so sánh vì mỗi cuộc thi đều có tôn chỉ, mục đích khác nhau nên chúng ta rất khó để so sánh. Đối với tôi, tôi chỉ làm tốt công việc của mình trong điều kiện cho phép, có những cuộc thi mình có nhiều nhà tài trợ thì mình có thể làm được mọi thứ chỉn chu, tươm tất hơn. Ngược lại, khi nguồn tài chính không nhiều, mình buộc phải làm cho mọi thứ gọn gàng. Vì vậy, tùy theo tình trạng của từng ban tổ chức để cho ra chất lượng về mặt sân khấu, truyền thông... Thật sự, khi chương trình của mình được đặt lên bàn cân để so sánh thì tôi cũng cảm thấy không vui. Bởi trong giới nghệ thuật, mỗi người đều có tâm tư tình cảm và sứ mệnh riêng, đó là công việc kinh doanh cũng vừa là làm nghệ thuật. Vì vậy, tôi không muốn đặt lên bàn cân khen chê và điều này cũng không phải là áp lực với tôi.
* Cảm ơn những chia sẻ của đạo diễn Hoàng Nhật Nam!
Bình luận (0)