Ông Tsuyoshi Sugiyama, đạo diễn người Nhật Bản, ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế gỗ ở góc sân khấu. Chính giữa sân khấu, 3 diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) đang chạy thử một đoạn vở Hedda Gabler theo cách hiểu của mình, chưa hề có sự can thiệp của đạo diễn. Trong suốt 2 tuần qua, đạo diễn và các diễn viên chủ yếu trao đổi và khơi gợi những suy nghĩ về cảnh huống trong tác phẩm. “Họ biểu cảm theo cách hiểu của mình. Sau này, điều đó sẽ còn thay đổi và khi vở được công diễn sẽ khác nữa”, ông nói.
Dàn diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ, theo đạo diễn này, đều có đam mê, nhiệt huyết và tài năng. Vì thế, ông có ấn tượng tốt với họ, với thế mạnh của từng người trong số họ. “Nhiệm vụ của người đạo diễn là phát huy điểm mạnh của diễn viên, lan tỏa sức hút của họ, để từ đó tạo ra sức hút cho tác phẩm”, ông Tsuyoshi Sugiyama chia sẻ. Ông có thể hiểu về thế mạnh này, một phần vì trước đó đã từng hợp tác với nhà hát trong dự án kịch Cậu Vanya.
NSƯT Nguyễn Sỹ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết Hedda Gabler là một vở diễn đặt hàng của nhà nước. Điều đó có nghĩa là có gì tốt nhất về nguồn lực, nhà hát sẽ đầu tư cả vào đây. Đặc biệt, diễn viên tham gia dự án gồm những gương mặt đã thành thương hiệu: Thu Quỳnh, Lương Thu Trang, Thanh Sơn, Ngô Lệ Quyên, Nguyệt Hằng, Anh Thơ, Thanh Tú, Chí Huy… Vở diễn cũng hướng tới đầu ra bán vé, cũng như tham gia Liên hoan Sân khấu thể nghiệm quốc tế cuối năm nay tại Hà Nội. Để thuận lợi cho việc này, đạo diễn sẽ biên tập để vở diễn từ 3 tiếng chỉ còn 2. Như vậy, vừa giữ được hồn cốt, vừa phù hợp thị hiếu khán giả Việt.
Một cảnh diễn thử Hedda Gabler |
Thu Đỗ |
Là một đạo diễn tài năng, song đây là lần đầu ông Tsuyoshi Sugiyama dựng kịch của kịch tác gia Na Uy lừng danh Henrik Ibsen. Trước đó, Hedda Gabler từng được Nhà hát kịch Hà Nội dựng, còn Nhà hát Tuổi trẻ lại đưa lên sân khấu Nhà búp bê cũng của kịch tác gia này. Henrik Ibsen viết tác phẩm này ở tuổi 62, khi đã có nhiều tác phẩm lớn, song với Hedda Gabler, bút pháp của Ibsen đã đạt đến đỉnh cao trong việc xây dựng chiều sâu tâm lý nhân vật. Nữ chính Hedda vô cùng phức tạp. Nhân vật này sẵn sàng hy sinh quyền tự do cá nhân, quyền được yêu, được sống như mong muốn trong bản ngã sâu thẳm chỉ để toan tính đạt được những tham vọng, lợi ích quyền lực đối với những người đàn ông xung quanh mình. Hành trình đó của cô cũng cho thấy thân phận của người phụ nữ trong xã hội do đàn ông nắm ưu thế.
Vở diễn đáng lẽ đã được ra mắt từ lâu, song phải lùi thời gian luyện tập vì dịch Covid-19. Điều đó khiến Đại sứ Na Uy tại VN Grete Løchen không được xem vì bà sẽ kết thúc nhiệm kỳ trong tháng tới. Mặc dù vậy, bà vẫn rất tự hào vì đóng góp của đất nước mình trong vở, đặc biệt là thông điệp của nhà soạn kịch.
“Những vấn đề mà ông đặt ra trong những tác phẩm của mình, dù được sáng tác hàng trăm năm trước, vẫn tiếp tục có ý nghĩa và mang tính thời sự ở thời đại của chúng ta ngày nay. Tôi tin rằng vở kịch sẽ là một dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác về văn hóa giữa Na Uy - VN - Nhật Bản, đồng thời lan tỏa những giá trị văn học và nghệ thuật tới khán giả VN và xa hơn nữa”, Đại sứ Grete Løchen nói.
Bình luận (0)