Giá xăng dầu, trước đây chỉ có tăng và tăng. Cứ tưởng giảm giá là chuyện trong mơ. Cuối năm 2014, xăng dầu liên tục giảm giá. So với đỉnh điểm, giá xăng dầu đã giảm hơn 30%. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu liên quan đến mọi mặt của cuộc sống, là chất liệu tạo nên giá thành tất cả sản phẩm. Giảm giá xăng dầu, đồng nghĩa với giảm giá thành sản phẩm.
Ai cũng nghĩ và mong muốn như vậy. Mọi người đều phấn chấn và hy vọng.
Khi xăng dầu tăng giá, chưa tới 10% nhưng các hãng taxi, xe đò và nhiều mặt hàng thiết yếu đã nhanh nhảu tăng giá không chần chừ. Thậm chí xăng dầu chỉ chiếm 2 - 3% giá thành nhưng cứ tăng 10% đồng loạt. Có mấy quán bán đồ ăn sáng, trước chỉ 20.000 đồng/phần. Khi xăng dầu tăng giá 10% đã khẩn trương tăng trừ hao lên 25.000 đồng/phần, tức là 25%, dù xăng dầu trong giá thành ăn sáng chỉ 2%. Vậy mà khi xăng dầu giảm tới 30% thì giá cả vẫn “án binh bất động”, “kiên cường” cố thủ với đủ thứ lý do vòng vo. Có thể gọi thẳng tên, lợi nhuận từ chênh lệch giá xăng dầu, xét về mặt đạo đức là bất chính, xét về mặt kinh tế là không sòng phẳng.
Đích thân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đi thực tế và kêu gọi tẩy chay các hãng xe không chịu giảm giá. Bến xe Miền Đông (TP.HCM) còn nêu đích danh 57/211 doanh nghiệp vận tải nhất định “lên chứ không xuống”.
Thực tế cho thấy giữa người mua và người bán chưa có quan hệ “Bình đẳng. Tôn trọng lẫn nhau. Đôi bên cùng có lợi”. Bên bán đang ép bên mua, vì sự độc quyền nên không thể có sự lựa chọn nào khác; hoặc có thì thiếu những quy định chuẩn và sự chế tài, nên mạnh ai nấy cố thủ, nhằm gia tăng lợi nhuận. Một vòng luẩn quẩn, tự chèn ép làm khổ lẫn nhau vì người bán mặt hàng này cũng là người mua mặt hàng khác. “Dùi đánh đục” thì “đục đánh săng”. Qua đây mới thấy lỗ hổng trong quản lý giá cả là hết sức nguy hiểm. Thiếu từ khung giá chuẩn đến sự minh bạch và cả những biện pháp chế tài nên cứ mạnh ai nấy làm, lãnh đạo cũng không thể can thiệp.
Nếu cứ quản lý và chỉ đạo như hiện nay, thì những bất cập ngày càng trầm trọng và phổ biến. Nếu không kịp thời bịt kín lỗ hổng mà chỉ dặm vá tạm thời và đối phó thì con thuyền kinh tế VN cứ quanh quẩn ao nhà, không thể ra biển lớn. VN đang tự đánh mất nhiều lợi thế trên sân nhà trước các đối thủ nước ngoài bởi những lợi ích cục bộ.
Bình luận (0)