|
Ngày 4.6, GS.TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) đã có mặt tại tổ 11, P.Khương Mai (Q.Thanh Xuân), nơi trước đó có thông báo của người dân phát hiện bọ xít hút máu người. Anh Quang, một người dân ở đây cho hay, chiều 3.6, khi đi làm về anh phát hiện một con bọ xít ở chân cầu thang dẫn lên tầng 2. “Cũng may là ngày hôm đó tôi có đọc báo Thanh Niên nói về bọ xít ở Hà Nội nên đã bắt bỏ vào lọ”. Theo anh Quang, khu phố nơi anh ở chủ yếu là của cán bộ trong ngành quân đội, mặt trước tương đối sạch sẽ, sự xuất hiện của bọ xít khiến gia đình vô cùng lo lắng. Sau khi kiểm tra, TS Trương Xuân Lam khẳng định con bọ xít anh Quang bắt được chính xác là bọ xít hút máu người.
Các nhà khoa học cũng xác nhận, mẫu bọ xít tại nhà chị Hương ở ngõ 354 Trường Chinh (P.Khương Thượng, Q.Đống Đa) là bọ xít cái đã trưởng thành. TS Lam phán đoán có thể xuất hiện ổ dịch khoảng dưới 100 cá thể, phát tán từ dãy nhà trọ sinh viên. “Những ngày qua, điện thoại của cán bộ phòng Côn trùng liên tục nhận được cuộc gọi của người dân phản ánh phát hiện thấy bọ xít, có ngày lên tới hàng chục cuộc. Nếu trước đây, bọ xít chỉ xuất hiện ở khu vực ngoại thành, hoặc ở trong nội thành nơi ẩm thấp, thì bây giờ đã xuất hiện khắp nơi trong thành phố. Ngay chung cư cao cấp cũng phát hiện có bọ xít hút máu người ở tầng 7”, TS Lam nói.
Là người nghiên cứu bọ xít hút máu người trong nhiều năm, TS Lam cho hay, mặc dù Việt Nam chưa có một nghiên cứu về việc bọ xít hút máu người có lây nhiễm và truyền bệnh cho con người, nhưng rất nhiều gia đình vô cùng hoang mang, mệt mỏi, thậm chí đảo lộn cả sinh hoạt vì bị bọ xít “tấn công”. “Các nhà khoa học của Viện đã từng nhận được lời cầu cứu của một gia đình ở khu vực Gia Lâm (Q.Long Biên). Khi sang đến nơi, sau khi lật các kho đồ cũ ở gầm cầu thang, chúng tôi phải rùng mình vì trong căn nhà 3 tầng có số cá thể bọ xít lên tới… 8.000 con. Điều đáng nói, có người dân bị đốt bị ròng rã 3 tháng, vết đốt đầy cả lưng mà không hay biết. Thậm chí, có người phải nhập viện mà không hay biết bị bệnh gì. Có gia đình vì quá sợ mà phải đi thuê nhà nghỉ ở tạm.”, TS Lam thông tin.
Anh Quang, nhà ở tổ 11, phố Khương Mai vừa phát hiện ra bọ xít trong nhà, lo lắng: “Tôi không biết còn con nào hay không. Nếu bạn bè, họ hàng mà biết nhà tôi có bọ xít, chắc chẳng ai dám đến đây chơi”
Ông Lam cho hay, bọ xít hút máu có khả năng phát tán từ 1-2 km. Khi bay vào nhà theo ánh đèn, chúng sẽ nằm trong nhà, chờ đến 1-3 giờ sáng, khi con người ngủ say, sẽ bò ra đốt. “Nguy hiểm nhất là những con cái, sau khi hút máu, chỉ 2-3 ngày sau là đẻ trứng. Mỗi cá thể đẻ khoảng 200 trứng. Kích thước chỉ bé bằng 1/3 hạt gạo màu trắng, tròn như bi phát tán khắp nơi. Khoảng nửa tháng sau sẽ nở ra bọ xít. Ngay khi đẻ ra, lập tức những cá thể bọ xít này tìm người hút máu ngay”, ông Lam nói.
Đáng lo ngại, theo ông Lam, loại bọ xít hút màu hiện chưa có thuốc diệt đặc trị. “Hiện chúng tôi đã phát hiện bọ xít hút máu bị nhiễm ký sinh trùng. Việc bọ xít đốt người có truyền bệnh hay không, đây là vấn đề các nhà khoa học Việt Nam vẫn đang nghiên cứu, có thể sau 3 năm nữa mới có kết quả”, ông Lam thông tin.
Khi phát hiện bọ xít, người dân có thể thông báo cho các nhà khoa học Viện CN-TNSV theo số điện thoại: 0912201588. |
Thu Hằng
>> Bọ xít hút máu người 'tấn công' nội thành Hà Nội
>> Lại phát hiện bọ xít hút máu người
>> Bọ xít hút máu người xuất hiện tại Quảng Bình
>> Sẽ lập đường ống vận chuyển bô-xít từ Lào về Việt Nam
Bình luận (0)