Đào Nhật Tân đón xuân trên cao nguyên

02/02/2018 04:59 GMT+7

Những ngày cận tết, các vườn đào Nhật Tân ở TP.Đà Lạt và TT.Nam Ban, H.Lâm Hà (Lâm Đồng) nhộn nhịp kẻ mua người bán.

Ông Bùi Văn Sang, chủ vườn hoa đào Mười Lời (Đà Lạt), cho biết năm nay ông chuẩn bị 500 gốc và cành đào Nhật Tân ghép với bích đào Đà Lạt để phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất. Với đào cắt cành có giá từ 200.000 -500.000 đồng/cành; riêng đào thế đã đưa vào chậu cho thuê có hai loại, loại nhỏ từ 1,5 - 5 triệu đồng/gốc, loại lớn từ trên 5 - 10 triệu đồng/gốc.
Trước tết 2 tuần, vườn đào Nhật Tân của gia đình ông Chu Văn Lợi (TT.Nam Ban, Lâm Hà) đã có người mua và thuê gần hết. Nhờ có 18 năm kinh nghiệm trồng đào Nhật Tân ở Nam Ban nên dù năm nhuận nhưng vườn đào của ông vẫn nở rộ đúng dịp tết; đặc biệt vườn đào còn đạt 3 “tiêu chí” vừa có quả, có hoa lại có lá (lộc). Vườn ông Lợi có 50 gốc đào thế và hơn 400 đào cắt cành; đào thế được bán từ 15 - 50 triệu đồng/gốc, nếu thuê có giá từ 1,5 - 15 triệu đồng/gốc; gốc đào đẹp nhất vườn đã được một ngân hàng ở Đà Lạt thuê với giá 15 triệu đồng. Theo ông Lợi, với cây đào này ở Hà Nội ông có thể bán giá 300 triệu đồng, hoặc cho thuê không dưới 50 triệu đồng. Riêng 400 cành đào cắt cành ông đã bán 200.000 đồng/cành cho những người buôn sỉ. Tết này gia đình ông thu về vài trăm triệu đồng.
Cách nhà ông Lợi không xa là vườn đào của vợ chồng thầy cô giáo Nguyễn Quang Lâm và Kiều Thị Nga. Ông Lâm cho biết từ năm 1996, ông bắt đầu mang giống đào Nhật Tân vào trồng. Năm nay vườn đào 300 gốc nở sớm khoảng 20%, hai tuần trước tết khách hàng đã đặt mua khoảng 100 gốc. Giá bán trung bình từ 1 - 1,5 triệu đồng/gốc, những gốc đào thế có giá bán
7 - 10 triệu đồng/gốc. Cạnh nhà ông Lâm, vườn đào Nhật Tân của gia đình ông bà Chu Văn Toán cũng nhộn nhịp kẻ mua người bán; năm nay bà Toán chuẩn bị khoảng 300 cành và gốc.
Ông Lợi cho biết cách đây 18 năm, ông đưa vợ con từ P.Nhật Tân, Q.Tây Hồ (Hà Nội) vào Nam Ban lập nghiệp. Là người có kinh nghiệm trồng đào hàng chục năm ở Nhật Tân, ông Lợi quyết phát triển kinh tế từ cây trồng truyền thống của quê hương; thay vì trồng cà phê như nhiều người. Hai năm đầu cây tốt um nhưng không chịu ra hoa, hoặc có ra hoa cũng không đúng vào dịp tết. Sang năm thứ 3, ông Lợi thay đổi kỹ thuật, khống chế đào phát triển để phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây. Từ đó, mỗi dịp tết, vườn đào Nhật Tân của gia đình ông được nhiều người ở Đà Lạt, các tỉnh thành lân cận như Ninh Thuận, Khánh Hòa... tìm đến đặt mua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.