Đảo Phan Vinh trước đây có tên gọi là Hòn Sập, nằm ở tọa độ 8 độ 58 phút vĩ Bắc, 113 độ 41 phút kinh Đông, nằm cách bãi Tốc Tan 12 hải lý về phía Tây, cách TP.HCM khoảng 430 hải lý, cách
cảng Cam Ranh 300 hải lý (khoảng gần 600 km) về phía đông.
Đảo nằm trên nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý theo hướng đông bắc. Phía bắc và đông bắc cách đảo khoảng 7 km có bãi san hô, khi thủy triều xuống thấp, san hô nổi lên. Đảo gồm 2 điểm đảo: Phan Vinh A và Phan Vinh B.
Cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh A hoàn thành nhiệm vụ ngoài đảo, lên xuồng chuyển tải để ra tàu, về lại đất liền
|
Đảo Phan Vinh A nằm trên nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý theo hướng đông bắc, còn Phan Vinh B nằm ở phía tây. Là một trong những hòn đảo có vị trí quan trọng trong vành đai thế trận đảo nổi, đảo chìm ở
Trường Sa.
Sau ngày thống nhất đất nước 30.4.1975, Bộ tư lệnh Hải quân đã nhanh chóng triển khai lực lượng ra bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Do còn nhiều khó khăn của thời kỳ mới giải phóng nên đến năm 1978, mới đưa được bộ đội ra đóng giữ đảo Hòn Sập.
Tháng 5.1978, trong 1 lần đi kiểm tra công tác tại đây, đô đốc Giáp Văn Cương, Tư lệnh quân chủng Hải quân, đã đề nghị đổi tên đảo Hòn Sập thành hòn đảo mang tên người thuyền trưởng anh hùng Nguyễn Phan Vinh hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phòng thờ Anh hùng lực lượng vũ trang - liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh trên đảo Phan Vinh A
|
Ngoài làm nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ của đảo đã làm tốt công tác dân vận, hướng dẫn giúp đỡ nhiều lượt tàu thuyền và ngư dân tránh trú bão. Năm 2019 đã cấp cứu cho 7 ngư dân, khám chữa bệnh, cấp thuốc điều trị cho 188 lượt người dân khi làm ăn trên biển bị mắc bệnh, thực hiện 14 ca phẫu thuật.
Bên cạnh đó, đảo còn thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, luật Biển giúp cho ngư dân nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, an ninh, chủ quyền biển đảo, khai thác hợp lý, duy trì và bảo vệ bền vững nguồn lợi thủy sản cho thế hệ mai sau.
Cây xanh được trồng nhiều và chăm sóc rất cẩn thận ở giữa đảo
|
Những khó khăn phải kể đến thời điểm này mà cán bộ chiến sĩ trên đảo gặp phải đó vẫn là vấn đề thiếu nước ngọt và rau xanh. Nước ngọt chỉ được lấy và hứng từ những cơn mưa, sau đó trữ để dùng dần một cách hết sức tiết kiệm. Còn rau xanh thì cán bộ chiến sĩ đã cố gắng trồng và đến nay trên đảo đã xây dựng được khu trồng rau xanh mới đưa vào hoạt động và hy vọng vấn đề rau xanh sẽ được cải thiện đáng kể.
Đến với đảo Phan Vinh, không thể không ghé thăm chùa Vinh Phúc. Nằm giữa biển khơi mênh mông, chùa Vinh Phúc mang một nét đẹp bình dị mà thâm trầm, uy nghiêm. Trước đây, Vinh Phúc tự chỉ là một am nhỏ nơi ngư dân dừng chân để thắp nhang, lễ Phật cầu cho những chuyến đi biển được bình an. Giờ đây, chùa đã được trùng tu, sửa chữa lại khang trang theo lối kiến trúc truyền thống, với số gian lẻ là một gian hai chái, hệ mái cong...
Hòa thượng Thích Thanh Niệm, trụ trì chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh A
|
Một số hình ảnh về đảo Phan Vinh (điểm A) do PV Thanh Niên vừa ghi nhận trong chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa cùng cán bộ chiến sĩ Vùng 4 Hải quân.
Bia chủ quyền trên đảo, phía xa là nhà khách dành cho các đoàn công tác, ngư dân đến nghỉ ngơi
|
Hệ thống điện gió trên đảo
|
Chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh
|
Chiến sĩ đảo Phan Vinh A làm nhiệm vụ canh gác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đảo
|
Mốc tọa độ quốc gia do Bộ Tài nguyên môi trường cắm trên đảo Phan Vinh A
|
Chế biến đậu phụ, phục vụ bữa ăn của bộ đội đảo Phan Vinh A
|
Xe tải do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tặng đảo Phan Vinh A
|
Miếu 3 cô - Nơi thờ phụng một số người dân bị nạn, dạt vào đảo những năm 1980
|
Một cây bàng vuông mới mọc trên nền san hô của đảo Phan Vinh A
|
Phóng viên Thanh Niên (phải) trao tông đơ điện cắt tóc - quà tặng của bạn đọc báo, cho bộ đội đảo Phan Vinh
|
Bình luận