Dòng người xếp hàng mua vé dài dằng dặc làm sống lại ký ức một thời hoàng kim của điện ảnh nước nhà và những rạp phim nhà nước. Chia sẻ với Thanh Niên, một vị có trách nhiệm trong ngành điện ảnh Đà Nẵng không giấu cảm xúc sung sướng khi lần đầu tiên kể từ khi nâng cấp hiện đại năm 2019 đến nay, rạp Lê Độ mới đông khách đến vậy. Nhưng vị này cũng không khỏi lúng túng chưa có giải pháp nào để giải quyết tình trạng phải chờ chực để mua vé phim Đào, phở và piano, trong khi rạp Lê Độ là rạp duy nhất tại TP.Đà Nẵng được Cục Điện ảnh cho phép chiếu bộ phim đang "hot" này.
Kế hoạch chiếu không phải bất ngờ và độ "hot" của phim cũng không còn là chuyện mới, nhưng rõ ràng rạp nhà nước tại TP.Đà Nẵng và một số nơi đã bị "bất ngờ" trong việc đón khách. Thực tế này cho thấy khoảng cách rất lớn giữa thị trường và công tác quản lý, điều hành rạp phim nhà nước.
Chỉ đơn giản như việc mua vé, các rạp tư nhân đã bán vé qua mạng, không cần tự in vé, áp dụng vé điện tử mã QR và thanh toán không tiền mặt từ lâu... thì rạp nhà nước vẫn bán vé trực tiếp. Vì thế mới có chuyện khán giả xếp hàng dài giữa trưa nắng chờ đến lượt mua vé.
Cơn sốt Đào, phở và piano cho thấy phim nhà nước đặt hàng không phải lúc nào cũng kén khách, rạp nhà nước không hề tệ, đề tài lịch sử không phải kém hấp dẫn khi khán giả, bao gồm nhiều người trẻ, vẫn kiên nhẫn chờ 5 - 6 giờ đồng hồ từ sáng sớm đến giữa trưa để mua vé. Nhưng để phim đến được với thị trường thì các khâu cũng cần phải vận hành như thị trường.
Có thể chia sẻ với "cảnh ngộ" của Trung tâm văn hóa - điện ảnh TP.Đà Nẵng (đơn vị quản lý rạp Lê Độ) khi 14 năm qua chưa thể an cư với 5 lần di dời, nhường trụ sở cho các đơn vị khác. Hay chuyện thiếu kinh phí quảng bá, ra rạp cho phim Đào, phở và piano cũng như các phim nhà nước khác. Nhưng không thể để "bài ca" thiếu kinh phí muôn thuở làm hạn chế phim nhà nước và đặc biệt là công tác quản lý nhà nước ngành điện ảnh, văn hóa cần chuyển động mạnh mẽ hơn để sẵn sàng nhập cuộc với thị trường.
Bình luận (0)