Tại Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam tổ chức hồi tháng 5.2024, ACCESSTRADE VN báo cáo rằng trung bình có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng trực tiếp/tháng với sự tham gia của hơn 50.000 nhà bán hàng. Con số này phần nào cho thấy được thị phần của lĩnh vực này trong thương mại.
Tò mò về công việc của người lao động làm trong lĩnh vực này, hồi tháng 8, PV Thanh Niên đã thực hiện loạt phóng sự dài kỳ, phỏng vấn một số KOC (Key Opinion Consumer, người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lĩnh vực liên quan) trong ngành.
Qua đó, PV nhận thấy ngoài công việc host (dẫn dắt) chính buổi livestream, ngành này còn tạo ra rất nhiều vị trí công việc như trợ live, diễn viên, kỹ thuật viên, quay phim, chụp hình, make-up, tiếp thị liên kết… Người làm livestream có độ tuổi đa dạng và nó đang là xu hướng làm việc thịnh hành của giới trẻ.
Dù đang tạo ra một ngành mới trong thị trường lao động, nhưng cho tới nay, không có mấy trường lớp chính quy đào tạo livestream. Đa số "streamer" đều là tay ngang, làm việc nhờ "tay quen" và tự tích lũy các kiến thức, kỹ năng. Đa số công ty chuyên liên kết KOC livestream với nhãn hàng hiện nay đều tuyển dụng nhân sự dựa trên… linh cảm và kinh nghiệm của ứng viên.
Nhưng có phải nghề này chỉ cần kinh nghiệm thực chiến? Câu trả lời là chưa đủ.
Livestream là một xu hướng và nó đang dừng ở mức độ làm theo chứ chưa được đào tạo bài bản. Người hành nghề này còn phải học thêm nhiều thứ, từ pháp luật về thuế, kinh doanh trên mạng cho tới văn hóa ứng xử với công chúng… Các nhân vật streamer mà PV phỏng vấn đều mong mỏi một ngày mà họ có thể cầm trên tay một tấm bằng chuyên nghiệp, thay vì chạy theo các khóa học "lùa gà" tràn lan trên mạng.
Biết là thị trường có cầu thì sẽ có cung, nhưng nhà nước cần chủ động đón đầu, đào tạo nhân lực cho ngành này.
Bình luận (0)