Ở nhiều tỉnh, thành nhu cầu tuyển dụng giáo viên đã chựng lại nhưng các trường ĐH, CĐ sư phạm địa phương và khu vực tiếp tục tuyển sinh với số lượng chỉ tiêu khá lớn khiến sinh viên ngành này ra trường đối diện với nguy cơ không tìm được việc làm đúng với ngành đào tạo.
|
Lãng phí tiền tỉ
Tháng 7 vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên-Huế kiến nghị với UBND các huyện, thị xã và TP.Huế dừng việc tuyển dụng biên chế giáo viên THCS và tiểu học trong năm học 2014 - 2015 và những năm tiếp theo để khắc phục dần tình trạng dư thừa giáo viên.
PGS-TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế cho rằng dư thừa giáo viên quá nhiều như hiện nay bắt nguồn từ việc đào tạo thiếu kiểm soát. PGS Thám cho biết ông đã khảo sát và tính toán trong năm 2013 có 16.000 chỉ tiêu sinh viên sư phạm nhận hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (không phải đóng học phí), được Bộ GD-ĐT phân bổ cho các trường. Thực tế trong năm này, các trường sư phạm trên cả nước tuyển 25.000 chỉ tiêu. Số dôi ra đến 9.000 chỉ tiêu là do các trường địa phương tuyển và không qua ngân sách trung ương hỗ trợ. Ngoài ra, trên 7.000 chỉ tiêu bậc CĐ từ các trường ĐH đa ngành có đào tạo giáo viên. Đó là chưa tính các trường CĐ sư phạm, CĐ cộng đồng cũng có đào tạo sinh viên sư phạm.
“Cứ cho hằng năm mỗi tỉnh, thành phố tuyển 200 - 300 giáo viên thì 63 tỉnh, thành phố tuyển được khoảng hơn 18.000 người. Vậy số sinh viên sư phạm ra trường dư thừa, không được tuyển dụng đến hàng ngàn người. Nhà nước bỏ tiền ra đào tạo nhưng không được sử dụng, sinh viên đi học bằng tiền của gia đình cũng không được làm việc đã lãng phí chất xám và lãng phí hàng trăm tỉ đồng mỗi năm”, ông Thám trăn trở. Theo ông Thám, ngân sách nhà nước cấp bù học phí sư phạm là 20 triệu đồng/sinh viên trong 4 năm.
Theo số liệu của Sở GD-ĐT Nghệ An, năm học 2011 - 2012, bậc tiểu học và THCS còn thừa 2.975 giáo viên. Nguồn kinh phí để chi trả cho gần 3.000 giáo viên dư này (kể cả trong biên chế) là khoảng 80 tỉ đồng mỗi năm. Số tiền này đều phải xén từ nguồn kinh phí hằng năm cấp cho ngành giáo dục. Do vậy, một số khoản chi đầu tư khác cho giáo dục đều phải “hy sinh” để dành cho quỹ lương.
|
Vẫn không giảm chỉ tiêu tuyển sinh
Mặc dù địa phương dư thừa giáo viên nhưng năm 2012 Trường CĐ Sư phạm Nghệ An vẫn được Bộ GD-ĐT cho tuyển 3.240 chỉ tiêu, trong đó có 330 chỉ tiêu bậc CĐ, 1.050 bậc trung cấp. UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt cấp kinh phí đào tạo cho 1.150 chỉ tiêu.
Năm 2013 và 2014, số lượng giáo viên dư thừa vẫn còn rất căng thẳng nhưng Trường CĐ Sư phạm Nghệ An vẫn tiếp tục được cấp chỉ tiêu và kinh phí đào tạo với số lượng tương tự.
Một cán bộ của Sở GD-ĐT Nghệ An cho biết tình trạng dư thừa giáo viên, nhất là ở bậc THCS và tiểu học bắt đầu từ năm 2007. Đây là hậu quả của việc trao quyền tuyển dụng giáo viên cho các huyện dẫn đến giáo viên được tuyển một cách ồ ạt trong khi số lượng học sinh giảm. Ông Chu Văn Long, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết từ nhiều năm nay, bậc THCS và tiểu học không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên. Hiện nay ngoài bậc tiểu học đã cơ bản giải quyết được tình trạng thừa giáo viên do quy định mới của Bộ GD-ĐT tăng tỷ lệ giáo viên thì bậc THCS vẫn còn dư khoảng 1.600 người, chưa kể giáo viên do các trường tự hợp đồng. Mỗi năm tỉnh chỉ có nhu cầu tuyển khoảng 50 giáo viên bậc THPT để thay thế cho những người nghỉ hưu.
Trong khi đó, Trường ĐH Vinh mỗi năm vẫn tuyển và đào tạo trên 1.000 chỉ tiêu sư phạm.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT Nghệ An), nhận định: “Mặc dù nhu cầu tuyển dụng giáo viên bậc THCS nhiều năm nay không có nhưng vẫn phải tuyển mỗi khoa một vài lớp để duy trì chứ nếu bỏ trống thì rất khó cho trường khi có nhu cầu tuyển dụng trở lại”.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, 3 năm qua, ngành giáo dục không tổ chức tuyển dụng giáo viên vì số giáo viên dư thừa ngày càng nhiều. Số liệu của Sở Nội vụ Hà Tĩnh cho biết năm 2012, tỉnh thừa 643 giáo viên, năm 2013 là 1.148 và năm nay 1.209 (trong đó bậc THPT thừa 350 giáo viên biên chế, chưa kể hợp đồng). Do giáo viên dư nên những cử nhân tốt nghiệp ngành sư phạm loại giỏi cũng chỉ tuyển dụng “nhỏ giọt” theo diện thu hút nhân tài.
Ông Phan Đình Lai, Trưởng phòng Đào tạo (Sở GD-ĐT Hà Tĩnh) dự báo những năm tiếp theo, giáo viên THPT sẽ tiếp tục dư thừa, đến năm 2019 mới có thể tuyển giáo viên cho bậc học này. Còn ông Bùi Khắc Phước, Trưởng phòng Công chức viên chức (Sở Nội vụ Hà Tĩnh) cho biết, tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, các cử tri có đề cập đến việc sinh viên ngành sư phạm ra trường không có việc làm. Cử tri muốn hỏi đến lúc nào thì tỉnh sẽ có kế hoạch tổ chức tuyển dụng giáo viên trở lại. “Với tình hình hiện nay thì rất khó để trả lời câu hỏi lúc nào tỉnh sẽ tiếp tục tuyển dụng giáo viên”, ông Phước nói.
Quy hoạch lại mạng lưới trường sư phạm
Năm 2012 Trường ĐH Sư phạm Huế thực hiện cuộc khảo sát đánh giá đầu ra sinh viên. Kết quả cho thấy có 58% sinh viên ra trường tìm được việc làm, 7% học tiếp cao học. “Đây là con số khả quan, nhưng vẫn có đến 35% sinh viên ra trường không được tuyển dụng”, ông Thám băn khoăn.
Trước thực trạng “cung” vượt “cầu” như hiện nay, Trường ĐH Sư phạm Huế những năm gần đây bắt đầu giảm chỉ tiêu đầu vào. Lãnh đạo nhà trường cho biết trường cho phép được tuyển sinh 2.350 chỉ tiêu nhưng các năm gần đây trường đã giảm từ 1.900 chỉ tiêu xuống còn 1.800, 1.750 và kỳ tuyển sinh vừa qua là 1.690 nhưng vẫn còn lo ngại nhiều sinh viên ra trường không được tuyển dụng.
Nhà giáo Ưu tú Hoàng Ngọc Quý, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Thừa Thiên-Huế, cho rằng tình trạng thừa giáo viên hiện nay là hệ lụy từ một thời “trăm hoa đua nở”. Kiểu như tỉnh nào cũng xin có nhà máy đường, nhà máy xi măng, rồi cảng biển, nhà máy thuốc lá, nhà máy bia, xi măng lò đứng… “Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT đã không kiểm soát được thực trạng này. Trên bình diện tổng thể, tôi cho rằng cần gấp rút quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Điều này rất khó, vì sinh ra nó rồi thì khó bỏ. Nhưng khó cũng phải làm, có như thế mới cải thiện được tình trạng dư thừa giáo viên hiện nay”.
Cùng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Thám cho rằng Bộ cũng như các địa phương phải có cuộc khảo sát đồng bộ, đánh giá được thực trạng đầu vào lẫn đầu ra của sinh viên sư phạm, đồng thời dự báo cho được từng bậc học, từng cấp học và nhu cầu tuyển dụng. “Dự báo ít nhất là đến 2020, nếu dài hơn càng tốt. Phải quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo giáo viên, phải xác định các trường sư phạm trọng điểm. Điều này rất khó, nhưng buộc phải làm quyết liệt chứ như hiện nay thì cung vượt cầu đã quá căng lắm rồi”.
Ông Thám đề nghị: “Bộ phải có chủ trương giảm mạnh chỉ tiêu đầu vào sư phạm, thậm chí giảm 50% chỉ tiêu, các trường sư phạm trọng điểm cũng phải giảm mạnh, xác định nhiệm vụ đào tạo lại và đào tạo thay thế. Cùng với đó, để giảm tình trạng dư thừa giáo viên, cần giảm số học sinh/lớp để tăng số lớp, qua đó tăng thêm số giáo viên đứng lớp”.
Quảng Nam, Đà Nẵng: Nhu cầu tuyển giáo viên rất ít Mỗi năm học, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đào tạo hơn 7.000 sinh viên các khóa học. Riêng khóa 2010 - 2014, trường này trao bằng tốt nghiệp cho 1.615 tân cử nhân sư phạm các ngành. Kỳ tuyển sinh năm 2014, chỉ tiêu của trường này là 1.930. Bên cạnh đó, Đà Nẵng còn có Trường ĐH Ngoại ngữ cũng đào tạo giáo viên ngoại ngữ tiếng Anh, Pháp, Trung bình quân khoảng 150 người. Trường ĐH Quảng Nam năm 2014 tuyển hơn 350 chỉ tiêu ngành sư phạm bậc ĐH, CĐ và gần 450 chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông cũng ngành sư phạm... Bình quân mỗi năm gần 2.000 sinh viên sư phạm ở 2 tỉnh này ra trường trong khi đó số lượng giáo viên tuyển dụng lại rất ít. Năm học 2014 - 2015, Sở GD-ĐT Đà Nẵng chỉ tuyển dụng 11 viên chức ngạch giáo viên trung học; các quận trung tâm của Đà Nẵng là Hải Châu cũng chỉ có nhu cầu tuyển dụng thêm 17 giáo viên hợp đồng để giảng dạy tại một số trường có số lượng học sinh tăng đột biến. Diệu Hiền |
Đình Toàn - Khánh Hoan - Nguyễn Dũng
>> Để không còn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp
>> Hơn 162.000 lao động có trình độ đại học thất nghiệp
>> Trợ cấp thất nghiệp 'kiểu' hành dân
>> Học sư phạm có thất nghiệp ?
Bình luận (0)