Đào tạo, nghiên cứu Hàn Quốc học cần thích ứng với thế hệ Gen Z

11/08/2022 17:38 GMT+7

Các chuyên gia cho rằng việc đào tạo, nghiên cứu Hàn Quốc học cần thích ứng với nhu cầu của thế hệ Gen Z (sinh từ cuối những năm 1990 đến năm 2010).

Trong Hội nghị quốc tế Hàn Quốc học tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM diễn ra ngày 11.8, các nhà nghiên cứu thảo luận về mối quan hệ song phương Việt - Hàn và triển vọng phát triển ngành Hàn Quốc học tại Việt Nam.

Đông đảo các bạn sinh viên, học viên cao học, giảng viên các trường đại học tham dự chương trình

Phúc Kha

Tại hội nghị, tiến sĩ Lưu Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam, cho biết: “Thời gian qua, ngành đào tạo về tiếng Hàn và Hàn Quốc học đã cung cấp nguồn nhân lực cho nhiều doanh nghiệp của hai nước, cơ quan giao lưu văn hóa, xuất khẩu lao động, chuyển giao công nghệ, góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước".

Tiến sĩ Lưu Tuấn Anh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam trình bày tham luận tại hội nghị

Phúc Kha

Theo tiến sĩ Tuấn Anh hiện Việt Nam có nhiều loại hình đào tạo liên quan đến Hàn Quốc như: chính khóa, ngoại khóa, bằng kép, ngoại ngữ 2 đào tạo ở các bậc học phổ thông, đại học.

“Đơn vị đào tạo cũng đa dạng với quy mô khác nhau. Theo thống kê, tính đến tháng 12.2021, con số đơn vị đào tạo liên quan đến Hàn Quốc trên toàn quốc là 49 trường”, ông Tuấn Anh nói.

Cũng theo ông Tuấn Anh việc đào tạo ngành Hàn Quốc học vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế là do các trường chưa tự bồi dưỡng năng lực giảng viên. Vì thế, tiến sĩ đề xuất: “Các trường ĐH, CĐ cần đề xuất với phía Hàn Quốc, Viện giáo dục Hàn Quốc tăng cường mở những khóa bồi dưỡng giảng viên; đẩy mạnh hoạt động trao đổi, giao lưu học thuật quy mô vừa và nhỏ cho giảng viên trẻ”.

Còn tiến sĩ Đặng Thiếu Ngân, Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam cho biết: “Với thế hệ Gen Z, giáo dục và đào tạo Hàn Quốc học cần được hiểu rộng ra, không chỉ giúp họ tiếp thu kiến thức, mà còn mở rộng lựa chọn nghề nghiệp, tự khám phá giá trị, đam mê của bản thân và hướng đến ý nghĩa lớn hơn trong cuộc sống trong thời đại toàn cầu hóa".

Đại biểu nghiên cứu tài liệu của hội nghị

Phúc Kha

Tham dự hội nghị, Võ Đại Tướng, sinh viên ngành Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, chia sẻ: “Tham gia chương trình, tôi có thêm kiến thức về mối quan hệ của Việt Nam và Hàn Quốc, kiến thức chuyên ngành về lịch sử phát triển của ngành Hàn Quốc học ở Việt Nam và hiểu thêm văn hóa của Hàn Quốc".

Đây là hội nghị do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp cùng Hội Nghiên cứu khoa học về Hàn Quốc của Việt Nam tổ chức và đơn vị tài trợ là Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM cùng Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết: “Hội nghị khoa học lần này là nơi để các chuyên gia trong nước và quốc tế tổng kết những nghiên cứu về đào tạo tiếng Hàn, về văn hóa, quan hệ kinh tế, ngoại giao của Hàn Quốc và Việt Nam”.

Đồng thời, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM nhấn mạnh hội nghị là nền tảng quan trọng bồi đắp cho việc bồi đắp tình hữu nghị giữa Việt Nam và Hàn Quốc, thể hiện tầm quan trọng của việc dạy, học Hàn Quốc học tại Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.