Chọn ngành đi ngược số đông: Địa chất, nghề 'thấy' điều kỳ diệu dưới chân mình

04/08/2022 07:12 GMT+7

Địa chất nghe có vẻ vất vả và khô khan nhưng những người chọn học vẫn tin đây là ngành còn nhiều tiềm năng.

“Ra trường đi đập đá à ?”

Trước các câu hỏi “éo le” như “Con gái mà học địa chất sao?”, “Ra trường rồi làm gì? Đi đập đá thật à?”, N.H, sinh viên ngành địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, vẫn quyết tâm theo ngành vì học hỏi được nhiều điều thú vị.

“Thực ra khi học ngành địa chất, tôi có thể đi đây đó nhiều nơi, biết được lịch sử thành tạo của vùng miền, biết vùng đó có đất đá loại nào để kiến nghị những giải pháp khắc phục vấn đề đất đai giúp người dân”, nữ sinh viên chia sẻ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của N.H là chuyến đi thực địa cùng bạn bè và thầy cô. “Tôi phải trèo đèo lội suối đúng nghĩa, một ngày đi bộ vài ki lô mét là chuyện thường. Dù mệt nhưng rất vui, tôi biết thêm được nhiều kiến thức thực tế hơn”, N.H kể.

Đồng quan điểm trên, anh Phan Văn Hải, sinh viên ngành địa chất khóa 2003, cho biết ngành này thú vị ở chỗ được “đi phượt”, cắm trại đúng nghĩa, bổ sung kiến thức sinh tồn.

Hiện là chuyên gia tư vấn địa chất thăm dò tìm kiếm khoáng sản tại Úc, anh Hải chia sẻ: “Người học ngành địa chất như nói được ngôn ngữ của đá, được xem “hoa đá” cùng những điều kỳ diệu đang diễn ra ngay dưới chân mình, từ đó hiểu và yêu trái đất hơn”. Theo anh Hải, thăm dò hoạt động địa chất ở hiện tại sẽ giúp chúng ta giải đáp được lịch sử hình thành trái đất trong quá khứ và dự đoán được tương lai.

Sinh viên Khoa Địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đi thực địa tại đập Ankroet, Lạc Dương, Lâm Đồng

NVCC

Anh Hải cũng chỉ ra một số khó khăn khiến sinh viên ngại học địa chất như: khối lượng kiến thức khá nặng và hàn lâm, phải đi thực địa, đo vẽ bản đồ, thăm dò và tìm kiếm khoáng sản, địa chất công trình... “Do đó, các bạn trẻ muốn theo nghề đến cùng cần có thể lực tốt và tính nhẫn nại cao. Giá trị của ngành địa chất mang lại chưa thực sự được truyền thông đúng cách nên chưa thực sự thu hút nhân tài”, anh Hải nhận định.

Còn anh Đặng Hồng Thông, kỹ sư cho một tập đoàn dầu khí của Pháp, tốt nghiệp khóa 2000 - 2004 Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ bản thân khá may mắn vì luôn gắn liền với chuyên ngành địa chất kể từ khi tốt nghiệp.

Anh Thông kể: “Năm 2004, tôi bắt đầu công việc kỹ sư dầu khí tại giàn khoan, sau đó may mắn được làm việc tại Malaysia, Peru và hiện tại là CH Gabon. Địa chất gắn liền với cuộc sống, có nhiều thứ để khám phá, nhưng theo tôi cơ hội việc làm trong nước còn hạn chế”.

Cơ hội làm việc đa quốc gia

Trước xu thế giá dầu đang tăng hiện nay, tiến sĩ Bùi Trọng Vinh, Trưởng khoa Địa chất - dầu khí Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, nhận thấy số lượng sinh viên đang được cải thiện.

Trả lời những băn khoăn của sinh viên về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, tiến sĩ Vinh lưu ý: “Địa chất - dầu khí là một trong những ngành cạnh tranh rất khắc nghiệt. Nếu sinh viên thực sự chủ động và giỏi chuyên môn, tiếng Anh thì cơ hội việc làm là không quá khó. Hiện nay, những mỏ dầu mới trên thế giới được mở ra đồng nghĩa cơ hội việc làm cũng rộng mở”.

Bên cạnh việc đi thăm dò, khai thác mỏ dầu, theo ông Vinh, sinh viên kỹ thuật dầu khí còn được đào tạo thêm mảng về trung nguồn như logistics, hạ nguồn như lọc hóa dầu, hầm chứa dầu hoặc đến các công trình năng lượng để làm việc.

Trong khi đó, PGS-TS Phạm Trung Hiếu, Trưởng khoa Địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, chia sẻ: “Những năm 2015 - 2016 trở về trước, mỗi khóa trung bình có 80 - 100 sinh viên, đến năm 2014 đạt gần 200 em. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, số lượng sinh viên giảm xuống còn khoảng 30 - 40 sinh viên/khóa”.

Trước thông tin cho rằng “học địa chất phải đi nhiều, không ổn định”, PGS Hiếu chia sẻ nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đã làm việc đúng chuyên ngành. Chẳng hạn, chuyên viên giám định tại trung tâm hoặc cơ sở giám định đá quý, ngân hàng trong và ngoài nước hoặc vị trí giám sát thi công cho doanh nghiệp xây dựng; quản lý hoặc chuyên viên phòng thí nghiệm…

“Người làm công việc liên quan ngành địa chất không phải lúc nào cũng đi rừng. Chỉ khi điều tra cơ bản về địa chất, khoáng sản, họ mới phải đi xa và không phải lĩnh vực nào trong ngành địa chất cũng vất vả. Thậm chí, dữ liệu thống kê của khoa những năm gần đây cho thấy số lượng sinh viên nữ còn đông hơn nam. Ngoài ra, những cựu sinh viên cũng hỗ trợ rất lớn trong việc giới thiệu cơ hội việc làm các sinh viên mới ra trường”, thầy Hiếu thông tin thêm.

PGS-TS Phạm Trung Hiếu nhận định, nhu cầu nhân lực về lĩnh vực địa chất trong 5 - 7 năm tới vẫn còn rất lớn trong bối cảnh thiếu hụt nguồn năng lượng nhiên liệu và tài nguyên khoáng sản cùng biến đổi khí hậu trên toàn cầu. “Sinh viên với năng lực tiếng Anh tốt, đáp ứng nhu cầu lao động quốc tế hoàn toàn có thể ứng tuyển vào các công ty đa quốc gia, với mức lương kỹ sư địa chất hiện nay là cao nhất, khoảng 95.000 - 100.000 USD/năm”, PGS Hiếu chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.