Tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM ký kết hợp tác toàn diện về lĩnh vực y tế với Giám đốc Sở Y tế 13 tỉnh, thành ĐBSCL nhằm tạo nền tảng cho việc hình thành chuỗi liên kết các hệ thống y tế chất lượng giữa các tỉnh, thành trong khu vực.
Cũng tại hội nghị, các Giám đốc Sở Y tế thảo luận về công tác quản lý nhân sự, tài chính, khám chữa bệnh, dự phòng, cơ sở dữ liệu sức khỏe bệnh nhân, chuyển đổi số. Trong đó, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo trong hoạt động thực tiễn với 30 sản phẩm tiêu biểu, giúp các Sở Y tế có thể định hướng và vận dụng phù hợp với tình hình của ngành y tế từng địa phương.
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chia sẻ thêm chưa bao giờ ngành y tế khó khăn như bây giờ, nhất là đối với vị trí giám đốc bệnh viện. Theo ông, các giám đốc bệnh viện hiện rất lo ngại vấn đề cơ chế chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, khiến công việc bị "tắc" hoặc dù đã có cơ chế chính sách nhưng vẫn lo ngại nguy cơ vi phạm. Trong khi đó, yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM với các bệnh viện là dù khó khăn thế nào cũng phải phát triển bền vững, phát triển chuyên môn kỹ thuật, cải tiến chất lượng và không ngừng đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật.
"Hiện nay giám đốc các bệnh viện có một câu nói khiến tôi rất lo: "Thà bị kiểm điểm còn hơn bị truy tố". Không làm thì chỉ bị kiểm điểm, còn làm đại, làm sai thì bị truy tố. Do đó, cần tạo lưới bọc cho giám đốc các bệnh viện trong đổi mới sáng tạo để không rơi vào vòng lao lý, làm không đúng", PGS-TS Tăng Chí Thượng nói. Ông cho rằng các giám đốc bệnh viện cần phải đọc hiểu báo cáo tài chính, bởi hiện nay có tình trạng giám đốc ký báo cáo nhưng đọc không hiểu, chênh lệch thu chi âm mà không biết. Do đó, cứ mỗi 6 tháng, Sở Y tế TP.HCM tổ chức một lớp riêng cho giám đốc các bệnh viện với giảng viên là cán bộ từ Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước. Tiếp đến, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu biệt phái, luân phiên cán bộ quy hoạch phó giám đốc, giám đốc bệnh viện về Sở công tác ít nhất 6 tháng để làm việc, học tập nhằm để khi cán bộ quay về cơ sở bổ nhiệm thì nắm vững quy định, chính sách.
TP.HCM cần mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng
Ngày 25.3, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngành y tế TP đã đăng ký, xây dựng đề án "Củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn TP.HCM". Theo ông, điều kiện không thể thiếu khi muốn củng cố và phát triển y tế cơ sở là hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Điều này đã được đúc kết qua những tháng ngày chống dịch Covid-19 khốc liệt vừa qua, đó là Tổ Covid cộng đồng. Nếu không có mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng như mô hình Tổ Covid cộng đồng thì các trạm y tế phường, xã khó có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Việc xây dựng mạng lưới và đào tạo các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ sức khỏe cộng đồng, tăng khả năng phát hiện và phòng chống bệnh tật, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống. Các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng có những nhiệm vụ chính như phát hiện, theo dõi và báo cáo các trường hợp bệnh tật; giáo dục và tư vấn sức khỏe; hỗ trợ trong việc quản lý bệnh tật; giúp tạo ra môi trường sống khỏe mạnh.
Cũng theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, dự kiến mỗi khu phố sẽ có 3 cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. TP.HCM có 5.242 khu phố, ấp thì cần khoảng 15.726 người. Kinh phí hỗ trợ sinh hoạt phí cho lực lượng này là 97 tỉ đồng/năm. Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng sẽ do UBND phường, xã quản lý; về chuyên môn sẽ do trạm y tế phường, xã quản lý.
Bình luận (0)