TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO GIỐNG NHIỀU NƯỚC, NHƯNG KHÁC MỸ
Hiện nay, ngành y khoa của VN tuyển sinh trực tiếp từ bậc THPT. Theo đó, các trường chủ yếu tuyển sinh dựa vào kết quả 3 môn toán, hóa, sinh từ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đối với các trường ngoài công lập có đào tạo y khoa, bên cạnh dùng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp còn sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH quốc gia, kết quả học bạ THPT kèm theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định để xét tuyển.
Về chương trình đào tạo bác sĩ (BS) y khoa, người học tại VN sẽ trải qua 6 năm tại trường bao gồm cả đào tạo khoa học cơ bản, tiền lâm sàng và đào tạo lâm sàng. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể theo 2 hướng: Học 18 tháng thực hành trong các bệnh viện để có chứng chỉ hành nghề BS đa khoa; học tiếp 3 năm BS nội trú để trở thành BS chuyên khoa.
Trong khi đó, tại Mỹ, một quốc gia có hệ thống giáo dục ảnh hưởng toàn cầu, có cách tuyển sinh và đào tạo BS hoàn toàn khác. GS-TS Thạch Nguyễn, Phó hiệu trưởng, Trưởng Khoa Y Trường ĐH Tân Tạo (người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào Ban Chấp hành Hội Tim mạch Mỹ và Hội Can thiệp tim mạch Mỹ, hiện là Giám đốc nghiên cứu tim mạch Bệnh viện Methodist, Merrillville Indiana, Mỹ), cho biết: "Thời điểm hiện tại, để có được giấy phép hành nghề thì một BS Mỹ phải mất tổng cộng 11 năm chứ không phải 7 năm rưỡi - 9 năm như ở VN".
Bằng bác sĩ y khoa của Việt Nam có thể được thế giới công nhận
Cụ thể, theo GS-TS Thạch Nguyễn, trước khi vào trường y, sinh viên (SV) phải trải qua 4 năm ĐH để lấy được bằng cử nhân (thường được biết đến là học pre-med). Tiếp đến, SV muốn học lấy bằng BS y khoa (MD) sẽ phải tham gia MCAT (Medical College Admission Test), một kỳ thi vào trường y. Điểm cao trong kỳ thi này là điều kiện đầu tiên để được mời phỏng vấn vào trường y. Các ứng viên tiếp tục trải qua 2 cuộc phỏng vấn và một bài luận trình bày vì sao chọn học ngành y. Vào trường y, SV tiếp tục học 4 năm trường y khoa, sau đó tham gia kỳ thi quốc gia (USMLE) để có thể được nhận vào đào tạo 3 năm BS nội trú (residency - BSNT). Lúc này, các BS mới có giấy phép hành nghề.
Tuy nhiên, theo GS-TS Trần Diệp Tuấn, Phó chủ tịch Hội Giáo dục y khoa VN, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, hiện nay chỉ có một số quốc gia như Mỹ và Canada là tuyển sinh và đào tạo ngành y khoa khác biệt so với phần lớn các quốc gia còn lại. Các BS VN và nhiều nước châu Á, châu Âu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Đức... đều đi lên từ bậc THPT và được đào tạo chương trình ĐH 5 - 6 năm.
"Điều đó cho thấy tuyển sinh và đào tạo của chúng ta không khác biệt so với châu Âu và châu Á. Tuy nhiên, để bằng cấp có giá trị quốc tế, thì hầu hết các quốc gia đều hướng đến bộ tiêu chuẩn kiểm định giáo dục y khoa được Liên đoàn Giáo dục y tế thế giới (World Federation for Medical Education - WFME) công nhận", GS-TS Trần Diệp Tuấn nhận định.
GS-TS Trần Diệp Tuấn cho biết thực tế VN đào tạo BS y khoa theo mô hình của Flexner từ năm 1910. Đây là mô hình được biết đến sau khi nhà giáo dục Mỹ Abraham Flexner đứng ra thực hiện cuộc cải cách trong đào tạo y khoa của Mỹ và Canada, có tầm ảnh hưởng lan rộng đến châu Âu và cả thế giới.
Theo GS-TS Tuấn, năm 1910, Flexner tiến hành khảo sát các trường ĐH y của Mỹ và Canada, sau đó có một báo cáo về tình trạng giáo dục y khoa của 2 quốc gia này và đề xuất mô hình giáo dục y khoa dựa trên khoa học. Trong đó, SV cần được trang bị kiến thức khoa học y học cơ bản trước khi thực hành lâm sàng tại bệnh viện.
"Sau báo cáo này, đào tạo y khoa của cả thế giới đã thay đổi, dạy và học theo mô hình Flexner. VN trước đó với ảnh hưởng của nền giáo dục Pháp cũng đào tạo theo mô hình này. Bắt đầu từ năm 1910, VN cũng đào tạo y khoa theo mô hình Flexner. Theo đó, SV y khoa sẽ học khoa học về giải phẫu, sinh lý, vi khuẩn, mô học, sinh lý bệnh... trước, sau đó mới vào bệnh viện thực hành", GS Tuấn cho biết.
ĐỔI MỚI DỰA TRÊN CHUẨN NĂNG LỰC
Cũng theo GS-TS Trần Diệp Tuấn, trong 100 năm qua, thế giới đã có thêm 2 lần cải tiến mô hình giáo dục y khoa, một lần vào những năm 1970 và một lần mới đây vào đầu thế kỷ 21. "Chương trình giáo dục y khoa ngày nay được xây dựng trên chuẩn năng lực và người tốt nghiệp phải đảm bảo đạt được các chuẩn năng lực này", ông chia sẻ.
Được biết, VN hiện chỉ có các trường ĐH Y Dược TP.HCM, Y Dược Huế, Y Dược Thái Bình, Y Dược Thái Nguyên và Y Dược Hải Phòng đang đào tạo theo chương trình dựa trên chuẩn năng lực. Một số trường khác cũng đang triển khai thực hiện. Trong đó, khóa đầu tiên của Trường ĐH Y Dược TP.HCM đã tốt nghiệp năm 2022, các trường còn lại năm nay cũng sẽ có khóa tốt nghiệp đầu tiên.
"Theo các nghiên cứu về giáo dục y khoa, kết quả các kỳ thi quốc gia sau khi tốt nghiệp của SV theo chương trình cũ và chương trình dựa trên chuẩn năng lực là không khác nhau. Tuy nhiên, những BS tốt nghiệp theo chương trình dựa trên chuẩn năng lực thì sự phát triển nghề nghiệp sau 5 - 10 năm tốt hơn hẳn những BS tốt nghiệp từ chương trình cũ", GS-TS Trần Diệp Tuấn cho biết.
VN VỪA CÓ CHƯƠNG TRÌNH BÁC SĨ NỘI TRÚ ĐƯỢC MỸ KIỂM ĐỊNH
Vào tháng 3.2024, Hội đồng kiểm định chất lượng quốc tế các chương trình giáo dục y khoa sau ĐH Mỹ (ACGME-I) đã công bố về việc 3 chương trình BSNT nội khoa, nhi khoa và ngoại khoa của VinUni chính thức đạt kiểm định. Người đã tốt nghiệp ngành y khoa bậc ĐH (6 năm) có thể ứng tuyển vào chương trình này.
Tốt nghiệp các chương trình BSNT được kiểm định trên của VinUni, các BS chỉ cần hoàn thiện kỳ thi USMLE để lấy chứng chỉ hành nghề ECFMG làm việc tại Mỹ, hoặc được nhận vào các chương trình đào tạo chuyên khoa sâu ở các nước có chương trình theo cùng hệ thống kiểm định.
Trong khi đó, để giúp SV y khoa có thể tới những quốc gia phát triển học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp, Trường ĐH Tân Tạo cũng mới đưa vào chương trình đào tạo nội dung về kỳ thi USMLE.
"Học nội dung này, SV sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng thiết yếu, không chỉ để vượt qua các kỳ thi khắt khe như USMLE mà còn được tiếp cận nhiều tình huống thực tế để phát triển năng lực bản thân", GS-TS Thạch Nguyễn chia sẻ.
Tiêu chuẩn để được nộp đơn vào bác sĩ nội trú của Mỹ
Liên đoàn Giáo dục y tế thế giới (World Federation for Medical Education - WFME) và Quỹ vì sự tiến bộ của nghiên cứu và giáo dục y tế quốc tế (Foundation for Advancement of International Medical Education and Research - FAIMER) đã lập danh sách trường y toàn cầu và cung cấp thông tin về các cơ sở đào tạo y khoa ở các quốc gia.
Theo danh sách này trước đây thì người tốt nghiệp y khoa của 12 trường VN được phép thi chuyển đổi bằng và tham gia hành nghề tại Mỹ, Canada và Úc.
Đó là các trường ĐH: Y Dược TP.HCM, Y Hà Nội, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y Dược Cần Thơ, Y Dược Hải Phòng, Y Dược Huế, Tân Tạo, Tây Nguyên, Y Dược Thái Bình, Y Dược Thái Nguyên, Học viện Quân y VN và VinUni.
Theo đó, BS tốt nghiệp từ các trường ĐH trên của VN sẽ được thi USMLE để tham gia chương trình BSNT của Mỹ và lấy chứng chỉ ECFMG để được hành nghề BSNT tại quốc gia này.
Thời gian qua, một số BS VN (tốt nghiệp các trường như Y Dược TP.HCM, Y Hà Nội, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Tân Tạo...) đã thi USMLE và đạt điểm để được tham gia chương trình đào tạo BSNT của Mỹ, sau đó có chứng chỉ hành nghề tại Mỹ.
Tuy nhiên, ECFMG có thông báo bắt đầu từ năm 2024, SV tốt nghiệp y khoa ngoài nước Mỹ muốn thi USMLE để học nội trú và lấy chứng chỉ ECFMG hành nghề BSNT của Mỹ thì phải tốt nghiệp từ một trường ĐH sử dụng các tiêu chuẩn được chấp nhận toàn cầu của WFME hoặc từ chương trình đào tạo BSNT đạt kiểm định ACGME-I). Như vậy, chiếu theo quy định này, hiện nay mới có 3 chương trình của VinUni đáp ứng yêu cầu.
Bình luận (0)