Sau khi cùng những thanh niên xung kích cứu mạng hàng trăm người thoát khỏi cơn bão dữ, một lương y đã đứng ra vận động thành lập "Đội Cứu hộ trên sông, biển" mà nòng cốt là những người vốn đã “quen” xả thân cứu người khi tính mạng họ treo trên đầu sóng.
|
Đội cứu hộ cảm tử
Tháng 11 hằng năm, người dân thị trấn Sông Đốc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau) đều không quên ký ức đau buồn về cơn bão Linda lịch sử năm 1997, đã cướp đi hàng ngàn thanh niên, trai tráng ở thị trấn có đội tàu hùng hậu bậc nhất vùng vịnh Tây Nam này. Con số nạn nhân có lẽ đã lớn hơn nhiều nếu không có những người xả thân vượt bão tố tìm người bị nạn.
Lương y Lê Minh Hưởng (Tư Hưởng), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Sông Đốc kể lại, trong trận bão ấy, ông đã dẫn 32 thanh niên xung kích đi trên 16 con tàu tủa ra khắp nơi với hy vọng kịp cứu vớt những người bị sóng cuốn trôi. Sau mấy ngày quần thảo khắp nơi, nhóm tàu của ông Hưởng đã vớt được 802 ngư phủ trôi dạt trên biển. Những chuyến tàu vượt sóng dữ chở đầy ắp những người từ cõi chết trở về trong niềm xúc động vỡ òa của người thân đón đợi. Những ân nhân thì không ai chờ để nhận được chí ít một lời cảm ơn, bởi đưa được đợt người này vào bờ thì họ lại lập tức ra khơi để tìm những người khác đang chờ được cứu giúp.
Tại thị trấn Sông Đốc, ghé bất cứ tàu cá nào trong số trên 1.000 chiếc ở đây đều có thể được nghe những mẩu chuyện “huyền thoại” về cứu người trên đầu sóng ngọn gió. Tài công Nguyễn Nhật Hiện bộc bạch: "Dân đi biển xem nghĩa cử cứu giúp người hoạn nạn trên biển là chuyện hiển nhiên, là đạo lý phải làm. Có khi họ chẳng “ưa” gì nhau trên đất liền, ra khơi họ phải tránh nhau để giữ bí mật mẻ cá tìm được, nhưng khi nghe tin một tàu cá gặp nạn thì nhiều tàu không ngần ngại bỏ cả chuyến biển, bỏ cả ngư lưới cụ để tìm cứu người”.
Nhà ông Năm Tốt (68 tuổi), ở khóm 7 chưa từng có được chiếc tàu đủ sức ra khơi đánh bắt. Nhưng những thành viên trong gia đình ông lại thường xuyên có mặt ở những điểm nóng ngoài khơi, những lúc sóng to gió lớn, khi tàu bè gặp chuyện không may. Gia đình ông có 9 người làm nghề lặn thì tất cả đều là “tình nguyện viên” cứu hộ trên sông, biển. Lúc trời yên biển lặng thì họ lặn tìm phế liệu, cạo thôn (làm vệ sinh lườn tàu), gắn chân vịt cho tàu cá... Khi biển khơi “có chuyện” thì họ theo tàu của ngư dân đi trục vớt tàu gặp nạn, tìm kiếm người bị sóng đánh trôi và lặn tìm những người xấu số…
Ông Năm nói gần 40 năm từ khi ông đưa vợ con từ Campuchia về thị trấn cửa biển này sống bằng “nghề bà cậu”, ông không nhớ nổi đã bao nhiêu lần tham gia cứu tàu bè bị nạn trên sông, trên biển. Ở thị trấn mà chẳng bao lâu lại có tin tàu bè gặp nạn, thì những người như ông Năm không phải hiếm. Tuy nhiên, trước kia, việc cứu người chỉ là hành động bộc phát. Cho đến sau trận bão Linda, ông Tư Hưởng đã tìm đến nhà ông Năm Tốt bàn chuyện thành lập đội cứu hộ, cứu nạn trên sông, biển với mục đích là tập hợp những người sẵn sàng ra khơi giúp người bị nạn khi cần. Nghe ông Tư Hưởng nói, ông Năm gật đầu ngay không nghĩ ngợi, cũng không hỏi đến quyền lợi khi gia nhập đội.
Lương y Lê Minh Hưởng nói, đội được thành lập với 22 thành viên, trong đó có 6 thợ lặn giỏi nhất Sông Đốc. Khi có danh sách những người tham gia đội, ông đã rước cán bộ y tế ở tỉnh, huyện về tập huấn cho các thành viên kỹ năng sơ, cấp cứu người bị nạn. Xong đợt tập huấn thì đội… giải tán để các thành viên về lo sinh kế. Thế nhưng chẳng bao lâu thì ông Hưởng lại “triệu tập” vài thành viên ra khơi khi có tin tàu chìm trên biển. Ông Năm Tốt kể, nhiều bận ông đang ở… dưới đáy sông tìm phế liệu thì con ông lại giật ống hơi bảo lên gấp. Không nói ông cũng biết là ngoài khơi có tàu ghe bị chìm. Thế là xếp lại chuyện cơm áo gạo tiền, các thành viên của ông lại vác máy, ống hơi theo tàu cứu hộ ra khơi. Cứ như thế đã 15 năm nay, từ lúc ông còn sung sức đến khi “về hưu”, lớp con, em, cháu, rể… của ông lên làm tiếp việc ông từng làm. Ông Năm nói ông chưa từng dạy con cháu ông đạo lý phải cứu giúp người, nhưng tất cả đều cứ thấy những gì ông làm mà làm theo.
Xả thân
Lương y Lê Minh Hưởng nói rằng, đã 15 năm từ khi đội cứu hộ, cứu nạn ông thành lập đến nay, ông đã không thống kê được đã bao nhiêu lần cứu tàu chìm, vớt người bị nạn, đưa người xấu số từ đáy biển trở về đất liền. Những khi tàu ghe gặp sự cố trên biển, chẳng đợi đến điều động của ông, các thành viên trong đội cũng sốt sắng ra khơi cứu hộ. Dù cho vị trí tàu gặp sự cố ở xa đất liền cho mấy thì họ cũng tới.
Thợ lặn Nguyễn Văn Bằng nói nhiều phen nghe tin tàu gặp nạn giữa lúc sóng to gió lớn, do nôn nóng cứu người mà anh “quên” tính mạng của mình cũng bị đe dọa. Có lần nghe có tàu chìm ở vùng biển gần “nhà tình nghĩa” (nhà giàn DK1/10), anh theo tàu ra tới nơi thì gặp sóng cấp 8, cấp 9. Lần đó anh cứ nghĩ là mình không về được đất liền.
Nhắc đến hiểm nguy mà những thành viên trong đội “cảm tử” phải đối diện, ông Tư Hưởng bỗng chùng giọng. Ngày trước, trong đội của ông có một thanh niên tên Lỳ (Nguyễn Văn Lỳ). Ông Tư nói Lỳ rất gan dạ, nhiệt huyết và lặn rất giỏi. Trong lần lặn vớt chiếc tàu lưới đèn của một ngư dân mới lập nghiệp ở thị trấn, lúc anh đang ở dưới đáy biển thì máy tiếp hơi bị sự cố kỹ thuật. Do có mang bình khí dự trữ nên Lỳ đã không hay sự cố. Đến khi hay được thì quá muộn. Ở độ sâu 30 sải nước, anh nổi lên đột ngột nên bị vỡ mạch máu. Do ở xa đất liền nên khi chở được tới bệnh viện thì Lỳ đã tắt thở. Cái chết của Lỳ làm nhiều thành viên trong đội đau buồn, nhưng không ai lấy đó mà chùng lòng ra khơi.
Mới nhất, anh Nguyễn Bá Sến (con thứ hai của ông Năm Tốt) trong một lần lặn cứu ghe lưới, do lặn ở độ sâu quá mức, trong khi thiếu trang thiết bị bảo hộ đã bị tai biến. Ông Năm nói gia đình phải đi vay mượn khắp nơi để trị cho anh Sến, nhưng cũng chỉ giữ được tính mạng của anh. Anh Sến bây giờ phải sống trong trạng thái thực vật. Nén nỗi buồn của con, ông Năm bảo mình đi giúp người, nếu có gặp rủi ro thì cũng đã giúp được nhiều người rồi, tính ra cũng có gì phải hối tiếc.
Ông Năm nói cứu người tính mạng mình còn không màng, thì tham chi vật chất. Trong những lần lặn cứu hộ như thế, không ít lần ông đem lên tài sản quý đưa lại cho gia đình bị nạn. Có lần, một gia đình ở Sông Đốc bị chìm 3 chiếc tàu. Lặn mãi mà không trục tàu lên được, ông đã tìm đến tận ca bin con tàu chìm mang lên két tiền 500 triệu. Đó là số tiền trước khi chìm, tàu này đã bán hải sản có được. “Nếu người ta tham ém luôn số tiền đó thì chẳng ai biết”, nhưng ông đã đưa cho gia chủ trong sự ngạc nhiên của người nhận vì người ở nhà không hề biết có số tiền đó. Sau đó những gì ông nhận được là một lời cảm ơn “và sự thanh thản trong tâm hồn” vì đã giúp gia đình người bị nạn gầy dựng lại sau mất mát lớn.
Tiến Trình
Bình luận (0)