5 giờ sáng 22.12, PV Thanh Niên chứng kiến đoàn xe đạp chạy vào làn ô tô trên đường Phạm Văn Đồng, hướng từ cầu Bình Lợi về ngã tư Linh Xuân (TP.Thủ Đức). Hai phút sau, khoảng 10 xe đạp khác chạy vào làn hỗn hợp xe máy và ô tô. Ba phút sau, lại thêm 6 xe đạp chạy trong làn ô tô, bất chấp ô tô, xe đầu kéo đang lưu thông. Tình trạng này diễn ra liên tục đến gần 6 giờ.
Cũng trên đường này, lúc 5 giờ 30 cùng ngày, đoàn 7 xe đạp chạy khá nhanh, dàn hàng 4 lấn hết làn hỗn hợp. Bốn phút sau, khoảng 10 xe đạp dàn hàng 5 lấn gần hết làn trong cùng đoạn qua P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức. Nhiều người đi xe máy bóp còi, tìm cách né tránh đoàn xe đạp. Ngoài ra, còn có cảnh xe đạp vượt đèn đỏ ở đoạn giao với đường số 9.
Trên đường Nguyễn Văn Linh, khoảng 4 giờ 30 ngày 21.12, có 5 xe đạp lấn làn, dàn hàng 3 trong làn hỗn hợp đoạn qua cầu Cần Giuộc, hướng ra QL1. Ở đoạn giao với đường Trịnh Quang Nghị (H.Bình Chánh), một số xe đạp chạy ngược chiều để băng qua giao lộ với QL50. Tương tự, trên đường Võ Văn Kiệt, rạng sáng cùng ngày, nhóm người đàn ông chạy xe đạp trong làn ô tô, đến giao lộ với đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân) thì vượt đèn đỏ bất chấp ô tô bấm còi cảnh báo.
Trước thực trạng trên, Phòng CSGT (PC08) Công an TP.HCM đã chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm xe đạp vi phạm, vì đã có không ít trường hợp xe đạp chạy vào đường ô tô, gây tai nạn giao thông. PC08 yêu cầu người chạy xe đạp phải đi đúng phần đường, làn đường; nơi có phần đường dành cho xe thô sơ thì phải đi đúng phần đường quy định; trên đường có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng; chỉ được cho xe đi hàng một, không điều khiển xe dàn hàng ngang; chấp hành tín hiệu đèn giao thông...
Làn riêng cho xe đạp ở Việt Nam: Vì sao khó nhân rộng?
Sao cứ đạp xe vào làn ô tô ?
Theo bạn đọc (BĐ) Thanh Niên, việc đạp xe để tập thể thao, rèn luyện sức khỏe được khuyến khích, nhưng phải tuân thủ luật giao thông, đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. BĐ Trịnh Cường cho biết: "Tôi đạp xe gần như hằng ngày, nhưng không tham gia tốp, đội nào. Ai cũng vậy, đã tham gia giao thông thì phải chấp hành quy định, phải giữ an toàn cho mình và mọi người".
BĐ thông tin thêm ngoài hiện trạng ở các đại lộ như PV ghi nhận cảnh người chạy xe đạp phạm luật còn xảy ra trên một số đường lớn khác. "Thêm đường Điện Biên Phủ, đoạn từ Hàng Xanh đến cầu Điện Biên Phủ và ngược lại nữa, cũng xảy ra cảnh này", BĐ Tran Cuong John cho hay.
BĐ Luong Xuan băn khoăn: "Làn đường cho xe thô sơ chạy chung với xe máy trên mấy con đường lớn này cũng rộng, không hiểu vì sao họ lại cứ đi vô làn ô tô. Chạy cho sướng hay cho nhanh hơn, mà kiểu gì thì xe đạp đâu thể chạy nhanh như xe máy được".
"Xe đạp, xe thô sơ có làn đường trong cùng bên phải hỗn hợp với xe máy. Các điều luật giao thông đường bộ dành cho xe đạp cũng đã có từ lâu, chẳng qua nhiều người "chầy bửa" không tuân thủ thôi. Đạp xe ra làn ô tô, đi hàng hai, hàng ba, vượt đèn đỏ…, thì còn gì mà biện minh?", BĐ Lâm Trần bức xúc.
Tập thể thao đi cùng tuân thủ luật
BĐ bình luận đạp xe để mạnh khỏe nhưng vi phạm luật giao thông thì lại có nguy cơ lớn hao tổn sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng cho mình và người khác. "Tôi cũng đạp xe tập thể dục thể thao để rèn sức khỏe. Ra đường thấy nhiều người chạy xe đạp xịn, trang bị như dân chuyên nghiệp mà vượt đèn đỏ thấy ngán, trong đó có cả người đứng tuổi. Cái lợi cho sức khỏe, để tăng cường tuổi thọ đâu không thấy, chỉ thấy cái chết chực chờ", BĐ Đoàn Minh Phương bày tỏ.
BĐ Trang Thanh Bình cho rằng những người đạp xe tập thể dục buổi sáng "dư sức biết mình đi sai luật" nhưng vẫn làm: "Những người này chủ động chạy qua làn xe ô tô là đã như tự đưa mình vào chỗ nguy hiểm. Chắc họ nghĩ xe đạp thường được du di nên không sợ bị xử lý".
Do đó, theo BĐ, rất cần lực lượng chức năng tăng cường xử lý nghiêm. "Những người cố tình vi phạm thì họ đã không tự tôn trọng mình rồi nên phạt tiền chưa phải là biện pháp hiệu quả. Nêu tên, đưa hình ảnh họ lên nơi công cộng, cho vài người đi quét đường phố thì chắc họ sẽ ngừng vi phạm thôi. Vấn đề là phải quyết liệt xử lý", BĐ Quan Phan Hong đề xuất.
"Chỉ có biện pháp mạnh từ lực lượng CSGT mới có thể chuyển biến những người đi xe đạp này từ vô ý thức thành ý thức. Trong đó, ngoài việc phạt tiền, cần tạm giữ hoặc tịch thu phương tiện nếu tái phạm nhiều lần. Mạnh tay hơn có thể áp dụng tội gây rối trật tự công cộng và cản trở giao thông cho hành vi dàn hàng ngang, lấn làn đường, vượt đèn đỏ", BĐ Q.V nhấn mạnh.
Tôi mách cho "phương thuốc thần kỳ" nhé: Phạt hành chính, tịch thu tiêu hủy xe, bổ sung lao động công ích (quét đường) một tuần lễ. Xong, "cạch" ngay!
ngocquynh…@gmail.com
Ai vi phạm thì cứ đưa thẳng hồ sơ về cơ quan, khu phố nơi sinh sống, công khai phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng là họ tự biết xấu mặt mà "tém" lại thôi.
Vinh Tran
Bình luận (0)