Bị điếc không là vấn đề
Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vừa qua, Trần Thị Ngọc Linh (học sinh lớp 12 C Trường TH, THCS, THPT-ĐH Hà Tĩnh) đạt được điểm ở các môn khá cao, xếp thứ 3 trong tổng số 27 học sinh trong lớp. Trong đó, tổ hợp các môn xét tuyển ĐH khối C00 của nữ sinh khiếm thính này cũng rất ấn tượng, 26 điểm (ngữ văn 8,5; địa lý và lịch sử đều 8,75).
Dù không nằm trong tốp thí sinh đạt điểm thi tốt nghiệp cao nhất nhưng với số điểm hiện tại, Linh cho biết bản thân rất hài lòng vì đạt được điểm số mà bản thân đã đề ra trước đó.
Sinh ra và lớn lên tại TP.Hà Tĩnh, trong gia đình có mẹ là giáo viên tiểu học, bố là quân nhân chuyên nghiệp, Linh chịu thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa từ bé. Khi lên 5 tuổi, Linh được phát hiện bị điếc cả hai tai không rõ nguyên nhân. Khi đến bệnh viện kiểm tra, các bác sĩ cho biết Linh bị điếc dốc, không còn nghe được. Dù đeo máy trợ thính nhưng khả năng để lắng nghe các âm thanh của cuộc sống vẫn rất hạn chế đối với cô bé mới tuổi mầm non.
Linh cứ thế lớn lên, vẫn đến trường đi học như các bạn cùng trang lứa. Nhưng vì bị điếc hai tai, máy trợ thính cũng bất lực nên việc học của Linh suốt 12 năm rất khác thường.
"Từ nhỏ, em đã tập cách lắng nghe bằng cách nhìn miệng của người khác nói. Nhìn khẩu hình nên em không thể bắt kịp được toàn bộ lời nói để hiểu hết được. Vì thế khi đi học, em cố gắng tập trung nhìn miệng của thầy cô giảng bài để nắm được những kiến thức chính và khi về nhà thì dành nhiều thời gian để ôn tập lại. Bằng cách này, sự học có hơi vất vả một chút nhưng em đã cố gắng để vượt qua được. Em nghĩ bị điếc không là vấn đề", Linh tâm sự.
Bằng cách tự học là chính nhưng suốt trong 12 năm cắp sách đến trường, Linh vẫn luôn đạt danh hiệu từ học sinh tiên tiến đến học sinh giỏi. Nữ sinh này có ước mơ trở thành người hoạch định chiến lược, kế hoạch truyền thông nên đã nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành quan hệ công chúng của Học viện thanh thiếu niên Việt Nam.
"Với 26 điểm khối C00, em nghĩ bản thân đủ điểm đậu vào Học viện thanh thiếu niên Việt Nam. Bố mẹ có hơi lo lắng về ngành mà em muốn học nhưng em tự tin bản thân có thể thành công, như cách mà em đã vượt qua trong chặng đường đi học. Hiện tại, em vừa trải qua ca phẫu thuật gắn ốc tai điện tử và bác sĩ cho biết dấu hiệu rất lạc quan, chỉ thời gian ngắn nữa là sẽ nghe được. Nếu được như thế thì em càng tự tin hơn", Linh nói.
Cô gái đa tài
Qua trò chuyện với Linh mới thấy cô gái này bản lĩnh và năng động, không e dè khi gặp người lạ. Các câu hỏi mà chúng tôi phỏng vấn Linh đều được mẹ em là cô Bùi Thị Mai Thương (giáo viên Trường tiểu học Thạch Quý, TP.Hà Tĩnh) tóm gọn và nói lại cho cô con gái để trả lời.
Cô Thương cho biết dù con gái chịu nhiều thiệt thòi nhưng chưa khi nào để bố mẹ phải bận lòng. Ngoài chăm chỉ học văn hóa, Linh còn đam mê học võ karate và nhảy múa.
"Cả học võ và nhảy múa Linh cũng đều có khả năng và đạt được nhiều thành tích", cô Thương tự hào.
Về việc học võ, Linh nói rằng vì muốn tự tin hơn và trang bị khả năng tự vệ nên vào năm học lớp 8, em đã xin bố mẹ cho đi học võ karate.
"Tại kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn tỉnh Hà Tĩnh lần thứ IX năm 2022, em đã xin thầy cho đăng ký dự thi quyền biểu diễn và đối kháng karate. Dù lần đầu thi tham dự một giải đấu lớn cấp tỉnh nhưng may mắn em đã giành được 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc cho cá nhân", Linh vui mừng.
Cô Phạm Thị Thanh Huyền, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 C Trường TH, THCS, THPT - ĐH Hà Tĩnh, cho hay nghị lực vươn lên học tập của em Linh khiến cô và các bạn học sinh trong lớp phải khâm phục.
"Linh là một người rất sáng dạ, chỉ nghe bằng cách nhìn khẩu hình mà vẫn có thể tiếp thu được kiến thức. Em còn có khả năng đặc biệt là làm biên đạo múa, nhảy. Dù không nghe được nhạc nhưng em ấy vẫn có thể học được thành thục các động tác và làm biên đạo tập văn nghệ cho lớp. Từ năm lớp 10 cho đến 12, cứ mỗi lần trường tổ chức thi văn nghệ là em Linh lại đứng ra tập cho các bạn. Nhờ được Linh biên đạo nên các tiết mục văn nghệ của lớp đều đạt giải, trong đó có 1 giải khuyến khích và 2 giải nhất", cô Huyền chia sẻ.
Bình luận (0)