Do gia đình tôi vắng nhà ở miền Tây nhiều năm, nên đã để cho cha mẹ trông nom nhà cửa. Sau đó cha mẹ qua đời, tôi phát hiện đất bị lấn chiếm. Hôm rồi, tôi có về nhờ xã đến đo đạc giúp. Họ dùng máy đo, rồi cung cấp cho tôi bản hiện trạng đất, theo đó, nhà tôi bị 2 nhà hàng xóm lấn chiếm khoảng 40 m2.
Do tôi quá bận rộn công việc và phải lên TP.HCM đi làm nên không có thời gian yêu cầu hàng xóm trả lại phần đất bị lấn chiếm. Vì thế tôi chỉ nói miệng phản ánh tới chính quyền địa phương, nhưng cán bộ địa chính giải thích không chuẩn lý do tôi bị mất đất.
Tôi nhận được bản đồ đo đạc hiện trạng đất mà chưa có ý kiến gì, có đương nhiên là tôi chấp nhận việc mất đất bị lấn chiếm, mất đi quyền khiếu nại, khởi kiện về sau này không? Hôm nhận được bản vẽ, tôi lỡ ký tên vào thì có sao không?
Bạn đọc Thanh Thảo.
Luật sư tư vấn
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, tư vấn: theo điều 12 luật Đất đai thì một trong những hành vi bị nghiêm cấm đó là "lấn, chiếm, hủy hoại đất đai". Đồng thời, tại điều 26 luật Đất đai cũng quy định "Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người sử dụng đất".
Người sử dụng đất đã được Nhà nước công nhận bằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), nếu bị người khác lấn chiếm có quyền yêu cầu người đó trả lại.
Nếu người lấn chiếm không trả lại, thì bạn có quyền gửi đơn tới UBND cấp xã nơi có đất để được xem xét giải quyết theo điều 202 luật Đất đai. Nếu hòa giải không thành, thì người sử dụng đất có quyền khởi kiện người lấn chiếm đất ra tòa án cấp huyện nơi có đất để giải quyết, trừ trường hợp vụ án có yếu tố nước ngoài, hoặc có yêu cầu hủy bỏ sổ đỏ thì khởi kiện ra tòa án cấp tỉnh.
Ngoài ra, theo điều 155 bộ luật Dân sự, thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai. Do đó bạn có thể khởi kiện bất cứ khi nào.
Tuy nhiên, nếu bạn để đất bị lấn chiếm kéo dài, thì càng về sau sự việc càng phức tạp như do biến động về ranh, hoặc người lấn chiếm xây dựng công trình trên đất, hoặc họ bán cho người khác…
Khi giải quyết tranh chấp tòa án sẽ căn cứ vào các tài liệu tạo lập, quá trình sử dụng, tài liệu đăng ký với cơ quan Nhà nước, bản đồ qua các thời kỳ. Do vậy việc bạn có ký hay không ký vào bản vẽ có thể không làm thay đổi bản chất của quá trình tạo lập, sử dụng đất.
Bình luận (0)