Đặt cược đua chó, đua ngựa còn vướng mắc gì ?

25/06/2020 14:59 GMT+7

Nếu như đặt cược bóng đá quốc tế chưa thể triển khai tại Việt Nam vì đang vướng vấn đề pháp lý, đặt cược đua chó, đua ngựa ở nước ta cũng đang bị đình trệ vì một số lý do khác mà các bộ, ngành đang nỗ lực gỡ bỏ nút thắt.

Cần phối hợp đồng bộ

Đối với đặt cược bóng đá quốc tế, Nghị định số 06/2017/NĐ-CP (Nghị định 06) ngày 24.1.2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế chỉ cho phép một doanh nghiệp được tổ chức thí điểm trong 5 năm, nhưng đối với đặt cược đua chó, đua ngựa lại cho phép nhiều doanh nghiệp cùng tham gia kinh doanh. Theo quy định của luật Đầu tư năm 2014 và Nghị định số 06, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó được thực hiện qua 2 bước: Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) chủ trì thẩm định hồ sơ dự án đầu tư trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án kinh doanh đặt cược là có vốn đầu tư tối thiểu 1.000 tỉ đồng (đối với đặt cược đua ngựa) và 300 tỉ đồng (đua chó); có phương án đầu tư, phương án kinh doanh đặt cược khả thi và cam kết về việc hỗ trợ cộng đồng.
Theo nội dung công văn trình Thủ tướng của Bộ Tài chính (TC), một trong những cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp thực hiện Nghị định 06, trong thời gian qua, Bộ TC có tham gia với 7 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Phú Yên, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Hà Tĩnh) về chủ trương đầu tư đối với các dự án xây dựng trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó. Tuy nhiên, Bộ TC vẫn muốn có ý kiến chính thức từ Bộ KH-ĐT bởi bộ này đã được Thủ tướng yêu cầu xây dựng quy hoạch chung cả nước về lĩnh vực kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và giao chủ trì thực hiện; báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Đua ngựa

Dũng Văn

Bộ TC cho biết: “Bộ TC có ý kiến đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến với Bộ KH-ĐT về nội dung này theo chỉ đạo của Thủ tướng để đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định số 06. Tuy nhiên, đến nay Bộ KH-ĐT chưa báo cáo Thủ tướng về quy hoạch chung cả nước đối với lĩnh vực đặt cược đua ngựa, đua chó”. Việc các bộ ngành có liên quan chưa có sự phối hợp đồng bộ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện Nghị định 06.

Chưa có nhiều trường đua đạt chuẩn đặt cược đua ngựa, đua chó

Thêm một yếu tố nữa khiến hoạt động đặt cược đua chó, đua ngựa vẫn chưa thể được triển khai là tại Việt Nam chưa có những trường đua đạt chuẩn có thể đáp ứng về yêu cầu đặt cược đua chó, đua ngựa. Trong công văn trình Thủ tướng, Bộ TC nêu rõ: “Đến nay, hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa tại H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng trường đua này lại chưa thực hiện đầu tư hệ thống công nghệ, thiết bị kỹ thuật đặt cược nên chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược. Đối với các dự án còn lại đang trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư do Bộ KH-ĐT chủ trì, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt”.
“Nhà đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó theo quy định của pháp luật”, ông Ðỗ Văn Sử nói. Đối với những vướng mắc về thủ tục đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước đang chuẩn bị báo cáo Thủ tướng sửa đổi tháo gỡ, đồng thời đưa ra những biện pháp kiểm soát phù hợp với điều kiện mới.
Ông Ðỗ Văn Sử, Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài (thuộc Cục Ðầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT), cho biết hiện một số địa phương như Hà Nội, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Ðà Nẵng, Lâm Ðồng… đang đề xuất các dự án xây dựng trường đua, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 1 doanh nghiệp thí điểm kinh doanh đặt cược đua chó được cấp phép theo quy định của pháp luật đầu tư trước đây với quy mô và phạm vi hẹp tại Sân vận động Lam Sơn (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Ngoài ra, tỉnh Phú Yên cũng được Thủ tướng chấp thuận cho bổ sung dự án trường đua ngựa Phú Yên có hoạt động cá cược đua ngựa, đua chó tại xã An Mỹ, H.Tuy An vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.