Đất đai được sử dụng ra sao trong 25 năm qua?

Lê Hiệp
Lê Hiệp
06/05/2022 13:40 GMT+7

Trong 25 năm qua, phần lớn diện tích đất chưa sử dụng đã được khai thác sử dụng, song đất trồng lúa, đặc biệt là đất trồng lúa nước đã mất 1/4. Nhiều mục tiêu sử dụng đất đai quốc gia không đạt như kỳ vọng.

Bức tranh đất đai năm 2020 từ 25 năm trước

Ngày 21.4.1997, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa IX, cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn - khi đó là Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, trình bày trước Quốc hội về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai cả nước đến 2010.

Sau 25 năm, diện tích đất đưa vào sử dụng đã đạt 96%, đất chưa sử dụng còn rất ít

ngọc dương

Tờ trình thực hiện theo quy định của luật Đất đai năm 1993 của Chính phủ do ông Nguyễn Công Tạn trình bày lần đầu tiên vẽ ra bức tranh khá đầy đủ về hiện trạng sử dụng đất đai của cả nước vào thời điểm đó.

Theo đó, vào năm 1995, tổng diện tích đất được đưa vào sử dụng khoảng 20,6 triệu ha, chiếm khoảng 62,2% tổng diện tích tự nhiên. Khoảng 12,6 triệu ha chưa được sử dụng (37,8%), trong đó hơn 8,7 triệu ha là đất đồi núi.

Diện tích đất nông nghiệp (không tính đất rừng) là gần 8 triệu ha, chiếm 24,2% diện tích tự nhiên. Trong đó, đất trồng lúa là hơn 4,3 triệu ha, riêng lúa nước là hơn 4,1 triệu ha.

Theo tờ trình của Chính phủ khi đó, diện tích đất nông nghiệp năm 1995 tăng được 1 triệu ha, trong đó diện tích đất trồng lúa tăng được 219.233 ha, riêng đất trồng lúa nước tăng 147.200 ha so với năm 1990.

Về diện tích rừng, năm 1995, cả nước có gần 10,8 triệu ha rừng, gồm gần 9,5 triệu ha rừng tự nhiên và hơn 1,3 triệu ha rừng trồng, chiếm 32,61% diện tích tự nhiên của cả nước.

Tờ trình do ông Nguyễn Công Tạn trình bày cũng hình dung bức tranh toàn cảnh về sử dụng đất đai cả nước sau 25 năm, vào năm 2020, “khi nước ta đã thực sự trở thành một nước công nghiệp” với hơn một nửa lãnh thổ (18 triệu ha) được che phủ bằng cây rừng; 10 triệu ha đất nông nghiệp (với 4,1 - 4,2 triệu ha đất trồng lúa và 3 triệu ha đất trồng cây công nghiệp lâu năm).

Chính phủ khi đó cũng hình dung, tới năm 2020, cả nước chỉ còn lại 1,7 triệu ha đất chưa sử dụng, chủ yếu là sông, suối, núi đá trọc và các khu bảo tồn.

Bên cạnh đó, khoảng 3 triệu ha được sử dụng vào các mục đích chuyên dùng thỏa mãn các nhu cầu về công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng; 1,1 triệu ha dùng để xây dựng khu dân cư, trong đó 0,7 - 0,8 triệu ha là khu dân cư đô thị.

Sau 25 năm, trong Nghị quyết 39 ngày 13.11.2021 về quy hoạch đất đai 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, kế hoạch sử dụng đất đai 2021 - 2025 của Quốc hội khóa XV, cho thấy tổng diện tích đất đai đang được sử dụng trên cả nước vào năm 2020 là hơn 31,9 triệu ha.

Cả nước chỉ còn lại hơn 1,2 triệu ha đất chưa được sử dụng. Và theo quy hoạch, đến năm 2025, diện tích đất chưa sử dụng chỉ còn lại 862.400 ha, đến năm 2030 sẽ chỉ còn 505.600 ha.

Như vậy, sau 25 năm, đúng như hình dung, gần như tất cả diện tích đất đai có thể sử dụng được đã đưa vào sử dụng để tạo nguồn lực cho phát triển xã hội.

Tuy nhiên, lo lắng về “tình trạng lãng phí, sử dụng đất sai mục đích” được nêu ra tại tờ trình của Chính phủ năm 1995 tiếp tục là vấn đề được nhắc đến trong các nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai nhiều nhiệm kỳ sau đó.

Nhiều mục tiêu không như kỳ vọng

Theo Nghị quyết 39, vào năm 2020, diện tích đất trồng lúa của cả nước chỉ còn 3,9 triệu ha, giảm 410.850 ha so với năm 1995. Trong đó, riêng diện tích trồng lúa nước của cả nước đã giảm chỉ còn hơn 3,1 triệu ha (giảm gần 1 triệu ha so với năm 1995).

Theo quy hoạch, đất lúa sẽ tiếp tục giảm thêm 184.210 ha vào năm 2025, trong đó đất lúa nước giảm 90.250 ha so với năm 2020. Tới năm 2030, diện tích đất lúa sẽ chỉ còn hơn 3,5 triệu ha (giảm 348.770 ha so với năm 2020), trong đó đất lúa nước chỉ còn 3 triệu ha (giảm 174.770 ha so với năm 2020).

Bức tranh về diện tích rừng (sau này được tính chung vào đất nông nghiệp - PV) cũng không đạt được như kỳ vọng mà Chính phủ 25 năm trước hình dung.

Theo thống kê, tới năm 2020, cả nước có 14,6 triệu ha rừng, trong đó khoảng 10,3 triệu ha rừng tự nhiên và 4,3 rừng trồng. Diện tích che phủ rừng chỉ đạt 42%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực dù cao hơn mức trung bình thế giới (khoảng 29%).

Trong khi đó, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đất chuyên dùng (hay đất phi nông nghiệp) tăng nhanh hơn so với hình dung 25 năm trước.

Từ năm 2020, diện tích đất phi nông nghiệp đã đạt hơn 4 triệu ha, tới năm 2020 là khoảng hơn 3,9 triệu ha.

Theo quy hoạch, tới năm 2025, diện tích đất phi nông nghiệp dự kiến sẽ tăng lên hơn 4,4 triệu ha và năm 2030 là 4,8 triệu ha.

Đất phi nông nghiệp theo quy định là đất sử dụng làm khu công nghiệp, đất quốc phòng, an ninh, đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia (giao thông, cơ sở văn hóa, y tế, giáo dục, đào tạo, thể dục thể thao, công trình năng lượng, bưu chính viễn thông, kho dự trữ quốc gia, di tích lịch sử, văn hóa, bãi thải, xử lý chất thải…).

Trong đó, đất khu công nghiệp vào năm 1995 mới có khoảng 8.000 ha thì đến năm 2020 đã tăng lên hơn 10 lần, đạt 90.830 ha. Theo quy hoạch, tới năm 2025, diện tích đất dành cho khu công nghiệp sẽ tăng lên 152.840 ha và đến 2030 sẽ đạt 210.930 ha. Phần lớn đất khu công nghiệp được chuyển đổi từ đất lúa.

Đất dành cho giao thông cũng tăng rất đáng kể khi vào năm 1995, diện tích đất dành cho lĩnh vực này là 230.100 ha thì đến năm 2020 diện tích đất cho xây dựng hạ tầng giao thông đã tăng lên 722.330 ha.

Theo quy hoạch, tới năm 2025, diện tích đất giao thông sẽ tăng lên 832.040 ha và tới năm 2030 là 921.880 ha.

Sự gia tăng đất đô thị cũng cho thấy tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam. Vào năm 1995, diện tích đất đô thị chỉ khoảng 836.117 ha thì tới 2020 đất đô thị của cả nước đã lên tới hơn 2 triệu ha. Theo quy hoạch, tới năm 2025, diện tích đất đô thị cả nước sẽ lên tới 2,56 triệu ha và tới năm 2030 là 2,95 triệu ha.

Đất dành cho quốc phòng, an ninh (gồm cả đất kết hợp nhiệm vụ quốc phòng an ninh với kinh tế) cũng có xu hướng tăng lên khi năm 1995, thống kê ở 5 quân khu thì diện tích này chỉ khoảng 143.959 ha. Đến năm 2020, diện tích đất cho quốc phòng là 243.160 ha, an ninh là 52.710 ha.

Theo quy hoạch, diện tích đất quốc phòng, an ninh sẽ tiếp tục tăng. Tới năm 2025, đất cho quốc phòng là 257.320 ha, còn đất cho an ninh là 70.800 ha. Tới năm 2030, đất cho quốc phòng là 289.070 ha, đất cho an ninh là 72.330 ha.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.