Hiến đất rồi bị mất đất
Năm 1993, ông Trần Đình Hòa (xóm Tân Yên B, xã Tiến Thành) hiến đất để địa phương mở rộng con đường liên xã chạy qua xóm Tân Yên B. Ông không nhớ diện tích hiến tặng cụ thể bao nhiêu, chỉ nhớ gồm cả một dải đất rất rộng vì ông nghĩ rằng mở rộng đường là việc làm rất cần thiết và nên làm. Sau khi đường làm xong, phần đất ông Hòa hiến còn lại khoảng hơn 70 m2 nằm giáp ranh đường và đất vườn của ông.
tin liên quan
600 hộ dân vui vẻ tự hiến đất giá trăm triệu để làm đườngKhi chủ trương mở rộng đường tỉnh 816 vừa được phổ biến, hơn 600 hộ dân ở H.Bến Lức (Long An) đã vui vẻ ký tên hiến đất, kể cả diện tích đang trồng cây sinh lợi.
Năm 1994, có 2 hộ dân là ông Trần Đình Trấp và một người khác đến dựng nhà trên mảnh đất 70 m2 nói trên để đặt máy xay xát lúa và bán hàng tạp hóa. “Họ đặt máy xay xát lúa, bụi trấu bay mù mịt vào nhà, khiến tôi không chịu nổi phải chuyển nhà ra phía sau. Căn nhà phía trước đành phải bỏ hoang. Tôi lên xã phản ánh nhiều lần, nhưng từ đó đến nay vẫn không có kết quả”, ông Hòa nói.
Năm 2001, khi thấy ông Trần Đình Trấp đào móng xây nhà kiên cố, ông Hòa đã gửi đơn đến UBND xã Mã Thành (lúc đó xã Tiến Thành chưa được chia tách từ xã Mã Thành) và địa phương đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu ông Trấp không được xây dựng trên phần đất này.
Tuy nhiên, ông Trấp vẫn tiếp tục xây dựng, biến cái ki ốt thành căn nhà kiên cố. “Mục đích hiến đất làm đường của tôi là hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích công cộng. Nếu làm đường không hết thì xã phải trả lại cho tôi để tôi sử dụng, chứ không thể để cho người khác làm nơi kinh doanh như vậy.
Nếu đó là đất lưu không, đang chờ để mở đường hoặc làm mương thoát nước như UBND xã nói thì phải để đất không, chứ không thể cho người khác mượn hoặc thuê, bởi như thế là trái với mục đích hiến đất của tôi”, ông Hòa nói.
tin liên quan
Ông Năm Hấp lấy đất nhà lập chợ, 'mời' bà con hàng rong Sài Gòn vào bánChứng kiến cảnh bà con buôn bán dọc bờ kè kênh 19 tháng 5 khó khăn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, không cho buôn bán trên vỉa hè, ông Năm Hấp quyết định bỏ vốn sửa sang mảnh đất hương hỏa của gia đình thành khu chợ để bà con bán hàng rong có chỗ buôn bán ổn định.
Rắc rối chồng lên rắc rối
Ngày 24.8.2016, UBND xã Tiến Thành đã mời ông Hòa đến trụ sở và thông báo: “Hai ki ốt này tạm thời chưa giải tỏa, khi xã cần làm mương kẹp đường thì sẽ làm việc với 2 hộ dân để giải tỏa”. Tiếp đó, ngày 13.2.2017, Phó chủ tịch UBND H.Yên Thành Nguyễn Thanh Hà ký văn bản trả lời kiến nghị của ông Hòa, yêu cầu UBND xã Tiến Thành quản lý chặt chẽ, giữ nguyên hiện trạng 2 công trình trên, không cho người dân tự ý cơi nới, xây dựng công trình kiên cố trên đất đường bộ; khi có nhu cầu mở rộng tuyến đường, sẽ tiến hành vận động giải tỏa.
Văn bản này cũng nêu: Hai ki ốt này được UBND xã Mã Thành trước đây xác nhận xây dựng để kinh doanh trước tháng 1.1993 (thời điểm chưa có luật Đất đai 1993); tại vị trí này nền đường đã đủ rộng nên chưa tiến hành giải tỏa 2 ki ốt. Tuy nhiên, theo ông Hòa thì cuối năm 1993 ông mới hiến đất. Cho nên việc UBND H.Yên Thành cho rằng 2 ki ốt được xây dựng từ trước thời điểm tháng 1.1993 là không chính xác. Vì vậy, ông Hòa tiếp tục làm đơn gửi các cơ quan chức năng để khiếu nại.
Trả lời Thanh Niên, ông Đặng Xuân Ty, Phó chủ tịch UBND xã Tiến Thành, xác nhận chuyện ông Hòa hiến đất để chính quyền địa phương mở rộng đường vào cuối năm 1993 là đúng. Và theo quy hoạch, con đường liên xã chạy qua thôn Tân Yên B (trước nhà ông Hòa) rộng 21 m, mặt đường bê tông 5 m. Sau khi nhận đơn, UBND xã đã mời ông Hòa đến làm việc và quyết định chưa giải tỏa 2 ki ốt vì hiện tại đoạn đường này đã thông thoáng, nhưng ông Hòa vẫn không đồng ý.
Ông Ty cũng cho rằng việc cho 2 hộ dân mượn đất được thực hiện từ lâu, được UBND xã Mã Thành (khi chưa chia tách xã) đồng ý và “không thấy 2 hộ này đóng phí thuê đất cho xã”. Tuy nhiên, ông Ty cũng thừa nhận việc cho mượn đất lưu không để kinh doanh là “không nên”. “Theo tôi thì đất này nên để trống. Khi ông Hòa khiếu nại, chúng tôi đến kiểm tra thấy máy xay xát để sát nhà ông Hòa gây bụi, nên đã yêu cầu chủ ki ốt phải dừng xay xát. Chúng tôi đã tính đến phương án giải tỏa, nhưng thấy chưa thực sự cần đất mà cưỡng chế thì cũng thấy tội nên chưa làm”, ông Ty lý giải.
Cách giải thích của chính quyền huyện và xã cho thấy vụ việc rồi sẽ kéo dài, trong khi người hiến đất là ông Trần Đình Hòa thì vẫn ôm trong lòng nỗi bức xúc hơn 20 năm vẫn chưa được giải quyết!
Bình luận (0)