Ông Năm Hấp lấy đất nhà lập chợ, 'mời' bà con hàng rong Sài Gòn vào bán

28/03/2017 13:31 GMT+7

Chứng kiến cảnh bà con buôn bán dọc bờ kè kênh 19 tháng 5 khó khăn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, không cho buôn bán trên vỉa hè, ông Năm Hấp quyết định bỏ vốn sửa sang mảnh đất hương hỏa của gia đình thành khu chợ để bà con bán hàng rong có chỗ buôn bán ổn định.

Hiến đất xây chợ “hàng rong”
Người dân Phường Tây Thạnh, quận Tân Phú TP.HCM thường gọi ông Lý Văn Hấp (70 tuổi) là ông Năm Hấp. Năm 2009, ông Năm Hấp đã bỏ vốn sửa sang mảnh đất hương hỏa gia đình thành khu chợ tạm để những người bán hàng rong không phải đi bán rong nữa. Khu chợ nằm trên đường T1, Phường Tây Thạnh, được người dân nơi đây gọi là chợ “ông Năm Hấp”.
VIDEO: Khu chợ kỳ lạ của những người bán hàng rong do ông Năm Hấp hiến đất lập chợ
"Địa phương cũng nhiều lần dẹp hàng rong nhưng chưa có giải pháp để bà con có chỗ mua bán nên tôi đã đồng ý với phường đưa chợ vào đất của mình", ông Năm cho hay.
Khu chợ kỳ lạ của những người bán hàng rong 1
Khu chợ rộng 800 mét vuông, có hệ thống mái che thuận lợi cho việc buôn bán và đi chợ của người dân
Ông Năm đã chủ động đầu tư làm nền bê tông cùng hệ thống điện nước với chi phí hơn 50 triệu đồng. Vì chưa có kinh nghiệm làm chợ nên ông chọn giải pháp “Làm từ từ, thấy cái nào hợp lí, giúp được bà con thì mình làm trước”.
Thời gian đầu, những người bán hàng rong còn khá lo lắng vì chưa biết hình thức thu phí ở khu chợ ra sao và một phần cũng do quen với lối buôn bán nay đây mai đó. Phường Tây Thạnh đã vận động người dân vào chợ và nêu rõ hình thức thu phí của khu chợ. Năm 2009, ông Năm thu mỗi tiểu thương 10.000 đồng một ngày. Số tiền này được ông sử dụng vào việc nộp tiền điện, nước, thu gom rác thải và một phần hoàn lại chi phí đầu tư. Sau khoảng 10 năm, số tiền được nâng lên, cao nhất là 30.000 đồng một tiểu thương. Khi gặp những tiểu thương thu nhập thấp hơn thì “mình thu thấp hơn, thậm chí là không thu”.
Khu chợ kỳ lạ của những người bán hàng rong 2
Mỗi ngày, vợ chồng ông Năm đều dọn dẹp chợ giúp bà con tiểu thương
Khu chợ kỳ lạ của những người bán hàng rong 3
Chợ bán khá nhiều mặt hàng từ rau, thịt, cá,…
Bí quyết vận động người bán hàng rong vào chợ
Ông Năm nhớ lại, ban đầu lượng người vào chợ chưa đông, nhưng từ lúc có chợ, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cũng phần nào tốt hơn so với việc bán dọc vỉa hè. Thú y quận hằng ngày sẽ tới kiểm tra và cấp phiếu an toàn vệ sinh thực phẩm những mặt hàng đảm bảo chất lượng như thịt heo, gà,... Dần dần, người dân đã tin tưởng hơn và chọn vào chợ thay vì mua hàng rong.
Ông Hoàng Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Thạnh, quận Tân Phú cho biết chính quyền phường rất quan tâm đến chuyện ông Lý Văn Hấp lập chợ và bỏ vốn sửa sang mảnh đất hương hỏa gia đình thành khu chợ tạm. Theo ông Hải, giá cả thuê chỗ ở khu vực này là do ông Năm Hấp thỏa thuận với bà con tiểu thương, đôi bên đồng thuận với nhau. Tuy nhiên, việc làm của ông Năm đã giải quyết được giúp cho địa phương nhiều vấn đề, đặc biệt là tình trạng bán hàng rong.
Ông Năm tâm sự, biết được khó khăn của các tiểu thương khi chợ chưa có mái che, đầu năm 2016, ông đã mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống mái che để bà con an tâm kinh doanh và giúp người dân đi chợ thêm thuận lợi.
Hiện tại chợ “hàng rong” có khoảng 30 tiểu thương bán rau, cá, thịt... hằng ngày. Khu chợ với diện tích khoảng 800 mét vuông nhưng khá đa dạng về mặt hàng kinh doanh. Nhiều năm nay, chợ “ông Năm Hấp” còn có khá nhiều tiểu thương vãng lai, đến kinh doanh các mặt hàng quần áo, mỹ phẩm cuối tuần, đã phần nào giảm bớt tình trạng buôn bán hàng rong lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn. 
Sự gần gũi, nghĩa tình của ông Năm Hấp chính là bí quyết để bà con tiểu thương "chuyển hàng rong vào chợ". Gần như mỗi ngày, vợ chồng ông Năm đều ra chợ để phụ bà con quét dọn cho sạch sẽ. 
Khu chợ kỳ lạ của những người bán hàng rong 4
Hằng ngày ông Năm đều ra chợ hỏi thăm tình hình buôn bán của bà con
Khu chợ kỳ lạ của những người bán hàng rong 5
Từ khi có chợ, cuộc sống của bà Nguyễn Thị Tĩnh đã ổn định hơn
Bà Nguyễn Thị Tĩnh (59 tuổi, tiểu thương tại chợ) từng bán hàng rong ở đường Cầu Kinh, Quận Bình Tân chia sẻ: “Tôi bán ở đây mười mấy năm rồi, lúc trước bị đuổi nhiều quá, rồi vô hẻm bán, ông Năm thấy mình cứ lên xuống hoài như vậy buôn bán không được nên cho vào chợ đặng buôn bán ổn định. Từ đó, thu nhập của tôi cũng ổn định hơn, một bữa cũng được vài trăm nghìn, nhưng đỡ nhất là không phải "chạy" như ngày xưa nữa”.
Giờ đây cuộc sống bán hàng rong bấp bênh như trước kia của các tiểu thương đã phần nào được giải quyết. Song ông Năm Hấp cũng hiểu giải pháp chợ tạm của mình chỉ là biện pháp trước mắt. Ông trăn trở: "Về lâu về dài làm sao để những đơn vị có trách nhiệm đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm quản lý theo mô hình như các hội thương nghiệp, siêu thị sẽ hay hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.