Đặt hàng 95.000 đồng, nhận được hàng 895.000 đồng, chủ shop xin lại nhưng khách không trả

05/07/2021 11:14 GMT+7

Clip ghi lại cuộc hội thoại giữa chủ shop với một nữ khách đặt hàng đã thu hút sự quan tâm của dân mạng suốt hai ngày qua.

Theo chia sẻ của chủ shop, nữ khách đặt hàng chiếc áo khoác 95.000 đồng. Thế nhưng trong quá trình dán hàng cho khách, shipper đã nhầm lẫn gói hàng giá 95.000 đồng này với một gói hàng khác trị giá 895.000 đồng gồm 8 món đồ của một người khác.

"Lỗi là do bên shop thì ráng chịu đi"

Khi phát hiện nhầm lẫn, chủ shop đã gọi 11 cuộc điện thoại và nhắn tin thông báo cho người nữ khách đặt hàng nhưng người này không trả lời. Vì thế, chủ shop đã đến tận nhà nữ khách đặt hàng để năn nỉ xin lại.
Tuy nhiên, nữ khách đặt hàng kiên quyết không trả lại gói hàng nhận nhầm, đồng thời cho biết: "Bây giờ lỗi là do bên shop thì ráng chịu đi, chứ bây giờ đòi lại tôi cũng không có đâu. Bây giờ còn có 1 cái nè còn lại tặng cho các chị dâu hết trơn rồi".

Nữ khách hàng nhất quyết không trả món đồ mà shipper giao nhầm

Chụp lại màn hình

Khi chủ shop hỏi vì sao khi kiểm tra hàng không phải hàng của mình mà vẫn nhận, nữ khách đặt hàng trả lời dứt khoát: "Người ta đặt mà giao người ta vẫn nhận. Khi nào mà người ta không nhận thì nói còn này người ta nhận thì ráng chịu đi. Người ta có boom hàng đâu, ráng chịu đi, không có nói gì hết trơn nữa".
Chủ shop tiếp tục nài nỉ xin lại số đồ đã giao nhầm, nữ khách đặt hàng nói đã cho người khác, đồng thời yêu cầu chủ shop sang nhà đòi. Tuy nhiên, khi chủ shop sang nhà trình bày với những người được nữ khách hàng cho đồ thì cũng nhận được những câu trả lời tương tự.
Cố gắng nài nỉ thêm, chủ shop cũng được nhận lại được 4 món đồ nhưng đã bị xé mác và sử dụng. Lúc này chủ shop bật khóc và cầm 4 món đồ này ra về trong tức tưởi.

Bài học kinh nghiệm

Theo chị Hồ Lê Thảo Tâm, chủ shop thời trang Hoa Tâm (đường Lê Thiệt, Q.Bình Tân), sự việc này là bài học kinh nghiệm của những ai buôn bán hàng trực tuyến. Khi chuẩn bị đồ giao cho khách đặt hàng, cần tra soát kỹ lưỡng, tự in hẳn thông tin khách hàng lên món đồ cần giao. Qua đó, tránh được trường hợp shipper dán hàng nhầm.

Sau đó đã trả lại 4 món đồ đã xé mác và qua sử dụng

Còn theo shipper Nguyễn Đỗ Lợi (27 tuổi, ở Q.12, TP.HCM), khi giao hàng, shipper cần cẩn trọng coi lại kỹ lưỡng món đồ phải giao có chính xác hay không. "Khi khách nhận hàng phải hỏi khách có đúng món đồ đã đặt hay không. Nếu có sai sót phải báo về chủ shop ngay, bởi lẽ nếu giao nhầm hàng, sẽ phải bù tiền, đôi khi số tiền bằng cả vài ngày công. Đừng để nhầm lẫn khiến mất tiền oan", anh Lợi nói.
Cũng từ sự việc này, nhiều người chỉ trích nữ khách đặt hàng trong clip quá tham lam khi dù biết món hàng không phải của mình đặt mà vẫn lấy và ngang nhiên sử dụng.
"Người phụ nữ đó tham quá. Nếu khi nhận ra món đồ không đúng, thì phải báo shipper hoặc chủ shop để đổi trả lại. Đằng này lại tự ý xé mác, tặng người khác... Shipper đôi khi có sai sót, nên hãy thông cảm cho họ và đừng nên tham lam", shipper Đỗ Đức Mạnh (22 tuổi, ở Q.6), nói.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Trung Tín (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trong trường hợp này, người chủ shop hoàn toàn có quyền làm đơn gửi cơ quan chức năng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho mình.
"Cụ thể, chủ shop có thể làm đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân cấp quận (huyện), nơi người đặt hàng đang cư trú, để đòi lại tiền. Vì việc mua bán giữa hai bên xuất phát từ quan hệ hợp đồng, giao dịch dân sự với nhau. Tuy nhiên, trường hợp này khởi kiện ra tòa án cũng khó khăn, do giá trị số tiền tranh chấp nhỏ, chỉ 800.000 đồng. Trong khi đó, quá trình thụ lý, giải quyết vụ án tại tòa án thường kéo dài, gây mất thời gian cho người đi khởi kiện", luật sư Tín cho biết.
Cũng theo luật sư Tín, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, quy định rõ người nào chiếm giữ trái phép tài sản của người khác mà cố tình không trả lại thì có thể bị xử phạt lên đến 5 năm tù. Tuy nhiên, tài sản chiếm giữ theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự phải từ 10 triệu đồng trở lên; hoặc có thể dưới 10 triệu đồng đối với di vật, cổ vật có giá trị.
"Đối chiếu với trường hợp đặt hàng này, có thể thấy số tiền mà người mua chiếm giữ là 800.000 đồng thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác", luật sư Tín nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.