Thất nghiệp, đổi nghề shipper
10 ngày qua, cứ 7 giờ anh Đoàn Quốc Thái (34 tuổi) lại dắt xe ra bắt đầu công việc giao hàng. Trong túi xách, anh chuẩn bị đầy đủ nước rửa tay, khẩu trang, mắt kính và bao tay.
Xuất phát từ nhà ở Q.1, anh rong ruổi trên những con đường trung tâm TP.HCM tìm đơn hàng. “Đơn nổ”, anh liền quay đầu xe chạy đến tiệm mua cơm rồi đi giao cho khách. Từ sáng đến trưa anh chạy tổng cộng chưa được 150.000 đồng.
“Thu nhập trước kia của tôi mỗi tháng cũng vài chục triệu đồng còn bây giờ kiếm từng đồng lẻ, chắt mót vài chục ngàn đồng để sống qua ngày”, Thái nói trong khi cầm trên tay chiếc điện thoại hàng hiệu để nhận cuốc.
Cũng từng là một huấn luyện viên phòng gym với thu nhập khá ổn nhưng dạo gần đây Tôn Quang Tuyên (27 tuổi, ở H.Nhà Bè) phải thay áo, xách xe đi làm shipper.
Dịch giã khiến Tuyên lao đao vì mất thu nhập. Tiền tiết kiệm được vơi dần theo thời gian giãn cách xã hội. Tuyên nói đây chỉ là giải pháp tạm thời vì không có phương án mưu sinh nào tốt hơn.
“Tôi bắt đầu chạy xe công nghệ hồi đầu tháng 6. Tôi chạy để kiếm tiền tiêu xài, trả tiền phòng trọ với cơm nước hằng ngày, cố gắng cầm cự chờ qua mùa dịch”, cậu huấn luyện viên trẻ cho biết.
|
Sợ nhưng vẫn phải đi...
Trong thời điểm thành phố đang có hơn 1.000 ca dương tính, Tuyên chuyển hẳn qua dịch vụ giao hàng để bớt lo việc không may chở đúng người nhiễm Covid-19.
Tuyên chia sẻ: “Lần đầu đi giao hàng tôi phải giao vào khu vực cách ly. Tôi chạy đến mà lo lắng đến tim đập chân run. Giờ thì quen rồi nhưng vần hồi hộp không biết điểm mình giao hàng có an toàn hay không”. Đặc biệt, khi nghe tin một đồng nghiệp bị dương tính, Tuyên hoang mang tới mức quyết định nghỉ ở nhà, nhưng rồi vài hôm sau lại phải tiếp tục công việc vì áp lực cơm áo.
Có thâm niên hơn 3 năm trong nghề xe ôm công nghệ, Võ Trần Minh Lộc (32 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Quá, Q.12) cho biết đang mùa dịch nhưng vẫn phải ráng chạy để lo cho gia đình. Anh chọn khung giờ làm việc từ chiều đến nửa đêm. Thời điểm này nhiều người đặt hàng nên không sợ thiếu đơn. Anh tiết lộ mặc dù đang dịch nhưng anh vẫn thường chọn những nơi đông đúc, chợ, siêu thị vào đầu giờ chiều vì có nhiều đơn hàng. “Đến nơi đông người tôi cũng lo lắng lắm, nhưng vì cuộc sống thì phải chấp nhận thôi”, Lộc nói.
“Công việc giao hàng mùa dịch gần như khác hoàn toàn bình thường. Lúc này ai nấy đều ngại tiếp xúc. Có những lúc cười ra nước mắt khi giao hàng người nhận không dám ra, tôi phải để hàng cùng tiền thối xuống rồi tránh xa, gọi điện cho khách ra lấy”, Lộc cười méo xẹo.
Lộc chạy xe mùa dịch cũng lo ngại cho bản thân, mỗi lần ra xe là tự dặn mình cẩn thận hơn khi tiếp xúc với người khác, hạn chế giao đến những khu vực phong tỏa hay khu cách ly. Nếu cảm thấy cơ thể không ổn anh sẽ tắt ứng dụng, nghỉ ở nhà một bữa.
Phan Văn Lượm (24 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cũng cho rằng chạy xe mùa này sợ nhất là dính phải dịch bệnh. Mỗi ngày ra xe, cậu đều khai báo y tế, mang theo nước rửa tay và khẩu trang cẩn thận. Cậu sợ nhất là những vị khách thiếu ý thức, không chịu khai báo y tế trước khi lên xe, hay khách không chịu đeo khẩu trang.
Ngồi trên vỉa hè đường Phổ Quang (P.2, Q.Tân Bình) chờ đơn, thỉnh thoảng Lượm lại sốt ruột liếc mắt vào màn hình điện thoại. “Tôi chỉ chạy đủ tiền ăn, đổ xăng, tiền trọ rồi nghỉ. Giao hàng ở điểm phong tỏa hay khu cách ly cũng lo lắm, nhưng vì mưu sinh phải ráng thôi”, Lượm thở dài.
Bình luận (0)