Hàng ngàn ha đất nông nghiệp được cải tạo sản xuất luân canh 3 vụ, hàng trăm mô hình nuôi trồng hiệu quả đang làm “thay da đổi thịt” các huyện miền núi tỉnh Đồng Nai - nơi cách đây không lâu phần lớn đất nông nghiệp bị bỏ hoang vào mùa khô vì thiếu nước.
Cải tạo đất hoang vươn lên làm giàu
Đến thăm HTX rau sạch Trường An (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc, Đồng Nai), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là không khí sản xuất, thu hoạch tại đây. Những chiếc béc cứ tự động phun nước để tưới những thảm rau xanh mướt bên con đường bê tông thẳng tắp dẫn vào xã. Tận mắt nhìn những hình ảnh này, ít ai có thể hình dung được khoảng một chục năm trước, nơi đây gần như không có nhà cửa, đất đai khô khốc, hoang hóa vì thiếu nước.
Giờ đây, khi lưới điện quốc gia phủ khắp, điện kéo về tận cánh đồng, người dân đã có thể trồng rau, màu. Mừng hơn là mỗi ha rau sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại thu nhập cho người dân từ 600 - 800 triệu đồng/năm. Ông Vũ Văn Rựa, xã viên HTX rau sạch Trường An, phấn khởi nói: “Hồi chưa có điện, vào mùa khô, máy dầu không thể bơm nước từ giếng sâu được nên đất phải bỏ hoang. Còn bây giờ chúng tôi chỉ cần đóng, dập cầu dao là hệ thống béc phun hoạt động, vừa tiết kiệm điện, vừa hiệu quả và đỡ vất vả”. Kinh tế dần cải thiện, nhà cửa trong xã Xuân Phú ngày càng đông đúc, khang trang, còn đường đất về xã được trải nhựa và những vùng đất bỏ hoang trước kia giờ trở nên có giá.
Đặc biệt, từ khi lưới điện được kéo về thì việc chuyển đổi cây trồng, đầu tư kỹ thuật vào sản xuất của người dân ngày càng thuận lợi. Những mô hình kinh tế mới như trang trại, câu lạc bộ (CLB) năng suất cao… lần lượt ra đời. Đến nay, toàn H.Xuân Lộc có khoảng 13.000 ha đất canh tác cây ngắn ngày, 26.000 ha cây lâu năm với 282 CLB, 15 liên hiệp CLB năng suất cao theo từng loại cây trồng, hình thành hàng loạt cánh đồng mẫu như bắp, lúa, tiêu, điều, xoài... cho thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
|
Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Ông Vương Đoàn Ngoãn, Chủ nhiệm CLB trồng tiêu xã Xuân Bắc (H.Xuân Lộc) vẫn nhớ rõ những ngày đầu lập nghiệp ở vùng đất khô cằn này. Giếng nước phải đào sâu từ 30 - 40 m mà quanh năm vẫn thiếu nước tưới. Người dân chỉ dám trồng điều, chôm chôm, hiệu quả kinh tế rất thấp. Đến năm 2006, điện được kéo về đã góp phần làm thay đổi diện mạo xã nghèo. Ông Ngoãn kể lại: “Khi vừa có điện, chủ động được nước tưới, chúng tôi liền chuyển sang trồng tiêu, rồi đầu tư hệ thống tưới nước và tưới phân nhỏ giọt. Nhờ vậy mà bây giờ mỗi ha đất trồng tiêu mang lại thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm”. Bước chuyển đổi ấy đã giúp hàng trăm hộ dân trồng tiêu ở xã Xuân Bắc thoát nghèo và vươn lên làm giàu, trong đó có 40 hộ trong CLB trồng tiêu của xã.
Có điện, nhiều hộ dân ở H.Xuân Lộc cũng mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại vào những mô hình chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Điển hình như trại gà Thanh Đức đầu tư dây chuyền, hệ thống quản lý tự động từ độ ẩm không khí, nhiệt độ, khâu cho ăn, uống đến thu hoạch trứng, có thể nuôi được 40.000 con, nhiều gấp 4 lần trại truyền thống, giúp giảm giá thành 200 đồng/trứng, tiết kiệm hơn 50% chi phí sử dụng điện. Một mô hình kinh tế hiệu quả khác là cơ sở nuôi cá chình của ông Nguyễn Ngọc Thành (ấp Hiệp Đồng, thị trấn Định Quán, H.Định Quán). Ông Thành cho biết: “Khi có điện, tôi đã tìm hiểu và nuôi thử cá chình bằng cách tận dụng nguồn nước giếng, đầu tư hệ thống sục khí hoạt động liên tục để đảm bảo ô xy trong ao. Đến nay, tôi đã có 3 ao cá, tổng diện tích khoảng 5.000 m2. Với 3 ao cá này, mỗi năm gia đình tôi thu về từ 240 - 400 triệu đồng”.
Có thể thấy, những mô hình sản xuất, trang trại chăn nuôi hiệu quả như trên đang ngày càng được nhân rộng chính là thành công của chương trình điện khí hóa nông thôn ở tỉnh Đồng Nai.
Đình Tuyển - Đình Hoàng
Bình luận (0)