Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cho là sẽ “kích hoạt” thị trường bất động sản khi nhu cầu thuê nhà xưởng, văn phòng, mặt bằng bán lẻ, căn hộ dịch vụ, nhà ở... được hưởng lợi lớn từ hiệp định này.
Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Ảnh: Hoàng Tuấn |
Nhà máy, kho xưởng hưởng lợi
Theo Công ty CBRE VN, sau hiệp định này các công ty Mỹ sẽ tăng hoạt động sản xuất tại VN và tái nhập khẩu các sản phẩm của VN nhờ vào việc miễn thuế của nước này trên các sản phẩm chính như may mặc. Các công ty Mỹ có khả năng sẽ nhắm đến những khu đất công nghiệp tại các tỉnh phía nam, nơi mà một số nhà máy dệt may hiện hữu đang tọa lạc. Không những vậy, các nhà sản xuất từ các nước khác chắc chắn sẽ xem xét việc chuyển nhà máy, nguồn vốn từ các nước ngoài Hiệp định TPP như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ sang VN để hưởng mức thuế cực thấp. Điều này sẽ gia tăng thêm nhu cầu cho đất công nghiệp, kho bãi và nhà máy. Ngoài ra, nguồn vốn từ các nền kinh tế không có trong hiệp định như Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan, những nước vốn luôn muốn chạy trước hiệp định cũng sẽ “chảy” mạnh vào VN. Trong bối cảnh này, chủ đầu tư khu công nghiệp và các công ty xây dựng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung còn hạn chế sẽ khiến giá đất công nghiệp có thể tăng, đặc biệt là ở những khu vực được săn tìm nhiều nhất như Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Việc tăng cường đầu tư nước ngoài và nhu cầu phát triển của các công ty nước ngoài thành lập tại VN sẽ gia tăng nhu cầu về mặt bằng văn phòng tiêu chuẩn quốc tế. Nhu cầu đối với căn hộ dịch vụ, căn hộ cho thuê và thậm chí căn hộ để bán cũng sẽ tăng cao hơn. “Luật Nhà ở mới cho phép người nước ngoài mua nhà ở VN kể từ ngày 1.7.2015 nên nhiều khách hàng nước ngoài sẽ sở hữu một căn hộ tại VN thay vì đi thuê. Tóm lại, Hiệp định TPP chắc chắn sẽ là một cú hích quý giá cho nền kinh tế xuất khẩu tập trung của VN nói chung và thị trường bất động sản (BĐS) nói riêng”, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE VN phân tích.
Đồng tình với quan điểm trên, lãnh đạo Công ty nghiên cứu thị trường Savills VN, cũng cho rằng TPP sẽ giúp một số phân khúc BĐS như: hậu cần (nhà xưởng, kho bãi), văn phòng, mặt bằng bán lẻ và căn hộ dịch vụ cho thuê đón nhận nhiều chuyển biến khả quan. Trước mắt nhu cầu tìm mặt bằng sản xuất, đặt trụ sở, bán buôn của các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường sẽ tăng lên. Kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài, của người dân cũng sẽ tăng mạnh.
Cạnh tranh khốc liệt
Các chuyên gia khuyến cáo, TPP chắc chắn cũng tác động đến hầu hết các phân khúc của thị trường BĐS từ phân khúc nhà ở, BĐS khu công nghiệp, bán lẻ, văn phòng... Các nhà đầu tư sẽ tích cực tìm kiếm quỹ đất, cơ hội đầu tư trong thời gian tới. Nhất là phân khúc mặt bằng bán lẻ khi một số mặt hàng bán lẻ, đặc biệt là những loại được nhập khẩu, nhờ TPP sẽ được miễn hoặc giảm thuế nên có giá rẻ hơn, kích thích sức mua tăng lên. Nhu cầu mua sắm và các hạng mục liên quan khác mà người lao động nước ngoài và người dân trong nước với thu nhập tăng lên, đòi hỏi một thị trường bán lẻ ở trình độ cao hơn. Do đó, ông Jonathan Tizzard cảnh báo, TPP cũng đặt ra cho các nhà bán lẻ trong nước một thách thức “tồn tại hay là chết”. Các nhà bán lẻ trong nước không có sự lựa chọn nào khác hơn là phải nỗ lực lớn mạnh để cạnh tranh với các nhà bán lẻ nước ngoài từ lâu đã xem VN là một thị trường hấp dẫn, với hơn 90 triệu khách hàng tiềm năng.
Theo các chuyên gia BĐS, điều tuyệt vời khi Hiệp định TPP mang lại là sẽ giúp tăng uy tín của VN. Đồng thời xuất hiện một nhu cầu lớn hơn cho việc phát triển các khu công nghiệp, các trung tâm thương mại, nhà ở, cũng như cơ sở hạ tầng trên toàn quốc. Hệ thống đường sá, cảng và các dịch vụ cũng sẽ được đầu tư xây dựng để giúp kết nối các phân khúc, lĩnh vực trong thị trường BĐS được tốt hơn. “Sẽ có rất nhiều cơ hội dành cho chủ đầu tư địa ốc trong mọi mảng thị trường, và họ cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực lao động, công tác chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, nâng cao năng suất cũng như tuân thủ luật pháp để đón đầu các cơ hội vàng này”, ông Marc Townsend cho hay.
Các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp VN cần phải chuyên nghiệp hơn trong việc phát triển dự án, bán sản phẩm để có thể đón nhận các dòng vốn ngoại. Thậm chí, những doanh nghiệp có các lợi thế khác nhau về vốn, quỹ đất, bán hàng... có thể bắt tay, liên kết lại để “đương đầu” với các nhà đầu tư ngoại vốn “mạnh về gạo, bạo về tiền” và có nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các phân khúc của thị trường BĐS.
Thị trường tiềm năng
Trong lần công bố đầu tư 200 triệu USD vào Công ty An Gia mới đây, ông Toshihiki Muneyoshi, Chủ tịch Creed Group của Nhật Bản nhận định thị trường BĐS VN hiện nay giống như thị trường Hàn Quốc hay Nhật Bản thời kỳ đầu. Trong khi đó, VN với hơn 90 triệu dân, là nước đang phát triển nên nhu cầu về hạ tầng, nhà ở rất lớn. Ông Toshihiki Muneyoshi cho rằng đây là thời điểm “vàng” để đầu tư vào thị trường BĐS VN. Mới đây tại lễ công bố dự án Diamond Lotus (Q.Tân Phú) của Công ty Phúc Khang, diễn giả hàng đầu thế giới cũng là tỉ phú của Singapore, ông Adam Khoo, đã mua sỉ một lúc 100 căn hộ tại dự án này để ở và phát triển căn hộ dịch vụ, khách sạn cho thuê. Lý do khiến ông này mua một lúc cả 100 căn hộ bởi nhận thấy thị trường BĐS VN tiềm năng lớn, nhất là những công trình xanh.
|
Bình luận (0)