Luôn trong tâm thế chủ động
Đặt mục tiêu đạt 950+/1.200 điểm ở lần thi này, Nguyễn Thái Hưng Thịnh (học sinh lớp 12 Trường THPT Trung Phú, H.Củ Chi, TP.HCM) cho biết hiện tại đang chuẩn bị tâm lý rất tốt cho kỳ thi.
"Gần đến ngày thi, em tập ngủ đúng giờ để buổi sáng có tinh thần tốt nhất, không giải đề thêm mà chỉ ôn tập lý thuyết. Chiến lược của em là mang theo đồng hồ để phân bố thời gian phù hợp cho các phần, đánh trọng tâm các môn lý thuyết rồi tới môn tính toán. 15 phút cuối, em sẽ tô đáp án ở những câu khó", nam sinh chia sẻ.
Để thuận tiện cho quá trình di chuyển đến địa điểm thi tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (Q.12, TP.HCM), Hưng Thịnh và các bạn đã quyết định thuê xe hơi, xuất phát lúc 5 giờ 30 sáng để trừ hao thời gian kẹt xe.
Còn Nguyễn Việt Hương Trà (học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, tỉnh Tây Ninh) cố gắng giữ tâm lý thoải mái trước khi đi thi. "Khi vào phòng thi ,em sẽ cố gắng bình tĩnh, tìm những câu lý thuyết dễ để làm trước, vì như vậy sẽ tiết kiệm thời gian dành cho những câu hỏi khó hơn. Nếu đạt kết quả tốt, em sẽ dùng điểm này xét tuyển vào Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM", Hương Trà chia sẻ.
Nữ sinh cho hay ngoài các vật dụng cần thiết như bút viết, giấy báo dự thi, CCCD… còn chuẩn bị 2 móc khóa có logo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM và hình nhân vật hoạt hình Zoro màu xanh lá như biểu tượng của sự may mắn.
Còn Bùi Thị Như Ý (học sinh lớp 12 trường THPT Vinh Lộc, Thừa Thiên-Huế) lựa chọn kỳ thi kỳ thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH. "Dù chỉ mới ôn tập gần đây nhưng em cảm thấy khá thoải mái", nữ sinh nói.
Công tác tình nguyện được chuẩn bị chu đáo
Để hỗ trợ kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1, ban cán sự Đoàn phối hợp với Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai tình nguyện viên hỗ trợ công tác hậu cần,
Trung tâm quản lý và phát triển khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM phối hợp với lực lượng chức năng phân luồng đường đi, bố trí trạm hỗ trợ của tình nguyện viên nhằm đảm bảo an toàn cho thí sinh.
Tham gia điều phối-phân luồng giao thông tại khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, tình nguyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt (sinh viên năm 2 Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM) cho biết: "Chúng tôi được tập huấn để có thể hỗ trợ phụ huynh và thí sinh đến địa điểm thi nhanh chóng và an toàn. Thí sinh gặp khó khăn có thể liên hệ với các trạm tình nguyện viên để được giúp đỡ".
Chị Võ Phan Thanh Hương, phụ trách chính công tác tình nguyện viên, cho biết: "Nhiệm vụ của tình nguyện viên là hướng dẫn phụ huynh, thí sinh đường đến các điểm thi, giúp đỡ phụ huynh, thí sinh kịp thời khi có trường hợp phát sinh, phối hợp cùng lực lượng chức năng phân luồng phương tiện giao thông, giải đáp các thắc mắc cũng như hỗ trợ phụ huynh trong suốt thời gian tổ chức kỳ thi".
"Chiều 22.3, các tình nguyện viên đã được tổ chức tập huấn: phân chia 8 trạm hỗ trợ chính, thông tin về nhiệm vụ, quyền lợi công việc và tập huấn các kỹ năng, thái độ, cách thức hướng dẫn phụ huynh và thí sinh. Hiện tại, công tác tổ chức, hỗ trợ của tình nguyện viên đã hoàn thành, sẵn sàng để hỗ trợ", chị Hương nói.
Chị Thanh Hương thông tin thêm: "ĐH Quốc gia TP.HCM khuyến khích thí sinh mặc đồng phục học sinh để lực lượng chức năng và tình nguyện viên dễ dàng tiếp cận hỗ trợ. Để thí sinh dễ nhận diện khi cần giúp đỡ, các tình nguyện viên sẽ mặc áo Đoàn thanh niên".
Đạt lần lượt 900 điểm và 1029 điểm trong 2 lần thi đánh giá năng lực năm 2022, Nguyễn Thị Như Quỳnh (sinh viên năm nhất chuyên ngành kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở TP.HCM) nhận định tâm lý thoải mái trước khi vào phòng thi giúp thí sinh giảm căng thẳng rất tốt.
"Hãy kiểm tra thật kỹ các vật dụng quan trọng bắt buộc phải có như căn cước công dân, giấy báo dự thi, bút chì, bút mực, tẩy, máy tính… Thí sinh nên mang theo đồng hồ đúng quy chế để kiểm soát thời gian và một chai nước suối bóc vỏ vì nó sẽ giúp các bạn đỡ căng thẳng hơn trong quá trình thi", Như Quỳnh đưa lời khuyên.
Bên cạnh đó, nữ sinh khuyên thí sinh đừng tạo áp lực quá lớn cho bản thân, cân bằng ôn tập và nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, không nên cố nhồi nhét kiến thức vì có thể gây nhiễu và không đạt hiệu quả.
Bình luận (0)