Đầu vào quá cao
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, "giá cước vận tải phụ thuộc đầu vào, trong khi đó, đầu vào của Việt Nam đôi khi vượt quá xa so với các nước trong khu vực". Ông nêu ra ví dụ một ô tô chạy taxi, chi phí mua xe đã gấp 2 - 3 lần so với các nước trong khu vực vì phải chịu quá nhiều thuế, phí. Giá tài sản cố định gấp 2 - 3 lần, khấu hao tài sản cố định chiếm trên dưới 20% tổng chi phí giá thành cước cùng với nhiều yếu tố khác khiến giá cước vận tải cao. “Sắp tới còn phí bảo trì đường bộ sẽ đưa vào giá cước, cũng sẽ làm giá cước vận tải tăng thêm nữa”, ông Hùng nhận định.
|
Giải thích về việc giá cước xe khách trong nước cao hơn các nước xung quanh như Thái Lan, Campuchia…, ông Phạm Minh Sương, Trưởng ban Phát triển kinh doanh Tập đoàn Mai Linh, đưa ra hàng loạt nguyên nhân: xe ở Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu trong khi Thái Lan, Campuchia thì không, vỏ xe cũng phải nhập khẩu toàn bộ (doanh nghiệp trong nước chỉ có Casumina sản xuất được vỏ xe nhưng chỉ có vỏ xe nhỏ, taxi), nhiều loại phụ tùng khác cũng phải nhập khẩu và chịu thuế suất cao.
|
Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, "các yếu tố đầu vào như xăng dầu đã chiếm đến 45% giá cước, phí cầu đường chiếm 10 - 20%, vỏ xe 10%… mà giá đầu vào liên tục tăng trong những năm gần đây". Ông Chung bức xúc: “Chỉ mặt hàng vỏ xe, 4 năm qua mặt hàng này đã tăng giá 300%, nhưng nghịch lý là giá mủ cao su thì liên tục xuống thấp”.
Hạ tầng yếu kém cũng phải nộp phí
Ông Lê Trường Sang, Trưởng phòng Điều độ - kinh doanh của Công ty CP vận tải và du lịch Phương Trang, cho rằng, ngoài nhiều nguyên nhân làm cho giá cước vận tải nói chung tăng, như giá xăng dầu cao, lãi vay ngân hàng đầu tư phương tiện cao… thì rõ nhất là tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông quá yếu kém, khiến hiệu quả lưu thông thấp, mất nhiều thời gian, hao phí nhiên liệu, xe xuống cấp nhanh, khấu hao cao. Điều đáng nói là hạ tầng giao thông yếu kém nhưng cũng phải nộp phí giao thông rất nhiều và sắp tới là phí bảo trì đường bộ.
Nhiều tài xế xe khách ở Bến xe Miền Đông cho biết họ "ngán" nhất là đi qua các đoạn đường cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM. Ngoài khu vực cầu Bình Triệu, đoạn quốc lộ 1 từ cầu vượt Gò Dưa đến cầu vượt Sóng Thần cũng là đoạn đường có mật độ xe lưu thông rất đông. Một bác tài xe khách chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu, cho biết từ Bến xe Miền Đông ra đến Vũng Tàu khoảng hơn 120 km, xe chạy bình quân khoảng 2 tiếng 45 phút, nhưng phải mất cả tiếng đồng hồ mới đi qua cung đường chưa đầy 30 km ra/vào thành phố. Còn trên trục xa lộ Hà Nội, từ cầu Sài Gòn ra đến Biên Hòa có nhiều ngã ba, ngã tư thường xuyên bị ùn xe mà điểm "nóng" nhất là ngã tư Thủ Đức. Xe tải nặng từ Biên Hòa vào cảng Cát Lái ngán nhất là đi qua đoạn đường từ Khu công nghệ cao đến ngã tư Thủ Đức, vì hầu như lúc nào cũng dày đặc xe nối đuôi nhau "bò" trên đường.
Hạ tầng giao thông yếu kém, nhưng phí giao thông thì vẫn phải nộp. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Công ty CP vận tải số 2 (TP.HCM), tính toán: “Vận chuyển hàng hóa trên tuyến TP.HCM - Hà Nội, đối với mặt hàng vận chuyển bằng container lạnh, giá cước hiện nay dao động từ 50-70 triệu đồng/container 40 feet tùy theo từng mùa. Theo đó, vào mùa thấp điểm, giá cước được chúng tôi ký với chủ hàng là 50 triệu đồng/tấn, vào mùa cao điểm giá cước lên đến 70 triệu đồng/tấn”. Còn đối với loại hàng rời, theo ông Tuấn, hiện nay giá vận chuyển trung bình 2,4 triệu đồng/tấn. Trong đó, riêng chi phí cho các loại phí cầu đường bình quân 1,8 triệu đồng/xe trọng tải 13 tấn trở lên, chiếm 6 - 8% giá cước vận tải.
Bên cạnh đó, giám đốc một doanh nghiệp vận tải hàng hóa ở TP.HCM còn cho biết các loại phí không chính thức dọc đường của một chuyến hàng container chặng TP.HCM - Hà Nội lên đến khoảng 4.000.000 đồng, mà chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ.
Vé máy bay ra nước ngoài quá cao Không chỉ giá vé nội địa cao, ngay cả giá vé bay từ Việt Nam ra nước ngoài của Vietnam Airlines (VNA) cũng cao hơn nhiều hãng nước ngoài có cùng đường bay. Chúng tôi gọi điện thoại đến bộ phận bán vé quốc tế của đại lý Én Việt (TP.HCM) hỏi mua vé hạng phổ thông từ TP.HCM - Singapore vào ngày 16.11 tới. Cô nhân viên của đại lý này cho biết có chuyến bay lúc 12 giờ 15 của Singapore Airlines, giá vé 160 USD/lượt. Một chuyến bay sớm hơn lúc 9 giờ 15 của VNA có giá vé là 240 USD/lượt. Mức giá trên của hai hãng đã bao gồm thuế và phí, cô nhân viên cho biết thêm. Tìm trên website của VNA, chúng tôi thấy chuyến bay từ TP.HCM - Singapore ngày 16.11 của hãng này có 2 loại vé với mức giá: 9.726.000 đồng (hạng thương gia linh hoạt) và 5.135.000 đồng (hạng phổ thông linh hoạt). Trong khi đó, trên website của Singapore Airlines, cũng chuyến bay từ TP.HCM - Singapore vào ngày này có 3 mức giá là 147 USD (khoảng 3.100.000 đồng); 175 USD (khoảng 3.600.000 đồng) và 205 USD (khoảng 4.300.000 đồng). Đó là so với hãng hàng không đẳng cấp đứng đầu thế giới như Singapore Airlines, còn với những hãng hàng không nhỏ như Lào Airlines, giá vé của VNA cũng không rẻ hơn. Như trên đường bay TP.HCM - Vientiane, cũng vào ngày 16.11, giá vé trên website của hãng hàng không Lào là 213 USD (khoảng 4.400.000 đồng), còn của VNA có ba mức giá là 8.452.000 đồng (hạng thương gia linh hoạt), 5.531.000 đồng (hạng phổ thông linh hoạt) và 5.114.000 đồng (hạng tiết kiệm linh hoạt). |
Mai Vọng - Mai Hà - Đình Mười
Bình luận (0)