Vào thời điểm các nước láng giềng bắt đầu đón tết của riêng họ vào cuối tháng 1 hoặc qua tháng 2, thì người Nhật Bản đã kết thúc kỳ nghỉ lễ năm mới từ lâu. Người Nhật đón năm mới vào ngày 1.1 dương lịch và gọi đây là Ngày đầu năm mới (Ganjitsu). Các gia đình được nghỉ và tất bật dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị những món ăn đặc biệt, tổ chức tiệc tùng, ra ngoài mua sắm... để đón chào năm mới.
Lịch âm của người Trung Quốc đã được sử dụng ở Nhật Bản vào thế kỷ 6 sau Công nguyên, cho đến năm 1873. Trong suốt nhiều thế kỷ, Nhật Bản ăn Tết Nguyên đán cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam... Vậy điều gì đã khiến Nhật Bản thay đổi?
Năm 1873, như một phần của cuộc Duy Tân Minh Trị, Nhật Bản đã áp dụng lịch Gregorian (lịch dương) với mong muốn tiến kịp phương Tây. Vào thời điểm đó, thái độ phổ biến của các tầng lớp tinh hoa Nhật Bản là xem những tập quán của châu Á kém hơn phương Tây và kìm hãm sự phát triển của đất nước trong đó có ngày tết âm lịch. Họ cho rằng bỏ ngày này sẽ giảm bớt ngày nghỉ, tập trung làm việc, tăng sản lượng quốc gia, phát triển kinh tế...
Nhật Bản quyết định áp dụng lịch Gregorian chỉ đơn giản là chồng các sự kiện theo lịch âm lên lịch dương. Do đó, Ganjitsu - ngày đầu của năm âm lịch rơi vào ngày 1.1 là ngày đầu của năm dương lịch. Vì thế đã khiến ngày đón năm mới của Nhật Bản sớm hơn trên dưới 1 tháng so với các nước láng giềng.
Trong khi đó, năm 1912, Trung Quốc áp dụng chính sách kép, lịch dương được sử dụng cho mọi thứ ngoại trừ các ngày lễ truyền thống (tính theo lịch âm). Nhiều nước trong khu vực áp dụng cách tính tương tự như Trung Quốc.
Ban đầu, nhiều người dân Nhật Bản kịch liệt phản đối việc bãi bỏ tết theo lịch âm và vẫn tiếp tục ăn Tết Nguyên đán cho đến những năm 1900, đặc biệt là ở vùng nông thôn Nhật Bản. Nhiều người cho rằng, Tết Nguyên đán thực sự rơi vào đầu mùa xuân ở Nhật, khi thời tiết ấm áp còn Tết Dương lịch lại có khí trời lạnh lẽo, không phù hợp để đón năm mới. Tuy nhiên, cuối cùng, lịch âm đã biến mất hoàn toàn khỏi cuộc sống hàng ngày ở Nhật Bản.
Thế nhưng, vẫn còn những dấu tích của lễ đón năm mới theo Tết Nguyên đán ở Nhật, nếu du khách muốn tìm hiểu. Ví dụ, lễ hội mùa xuân dài 15 ngày ở Yokohama, nơi người dân địa phương tổ chức múa sư tử, xem diễu hành kỷ niệm và ngắm những chiếc đèn lồng vào ngày cuối cùng của lễ hội.
Người Nhật Bản có tín ngưỡng thờ thần, nên trang trí nhiều đồ vật để chào đón thần linh vào nhà nhân dịp năm mới để cầu mong một năm thuận hòa, an lành. Mặc dù là dịp lễ lớn trong năm, nhưng ngày tết Nhật Bản, người dân được nghỉ làm chỉ 4 ngày, từ 31.12 đến 3.1. Vào ngày 4.1, công sở, văn phòng trở lại hoạt động bình thường.
Chị Lan Anh, sinh sống nhiều năm ở Tokyo, cho biết trang trí năm mới của người Nhật thường có tre xanh với ý nghĩa sống lâu sống khỏe như cây tre; cành thông xanh là thọ như thông và những tờ giấy ghi câu ước năm mới, kiểu câu đối và bánh mochi (bột nếp giã nhuyễn) và quýt vàng. Ngày nay, việc trang trí nhà cửa ăn tết cầu kỳ hơn khi thêm nhiều loại hoa, cây lá đặc trưng của nước Nhật, bên cạnh tre và thông chủ đạo |
N.t.tâm |
"Du khách nước ngoài đến Nhật những ngày tết nhớ ăn thử món mochi mặn, giống bánh giày Việt Nam, nhưng bỏ vào nước súp hoặc quét nước tương lên nướng. Ban đầu thấy lạ nhưng ăn quen ngon lắm", chị Lan Anh chia sẻ |
N.t.tâm |
Năm nay, nước Nhật nghỉ tết từ 31.12 đến 3.1. Học sinh được nghỉ dài ngày hơn. Chị Lan Anh cho biết, vào những ngày này, người Nhật sẽ cùng gia đình đi du lịch. Vì thế, giá cả phòng khách sạn hay vé tàu xe đi lại sẽ rất đắt. Trong ảnh là những thùng rượu sake được trang trí để trưng bày |
N.t.tâm |
Một Kadomatsu làm từ rơm, tre và thông dựng trước cổng nhà |
N.t.tâm |
Người Nhật đặt Kadomatsu ở trước cổng nhà để mời thần năm mới vào nhà, gồm cây thông và cành tre kết lại đẹp mắt. Trên cành thông có vòng tròn kết bằng những cây lúa để xua đuổi tà ma |
N.t.tâm |
Bánh Kagamimochi (bánh gạo, bánh mochi) được trang trí đẹp mắt, là lễ vật của người Nhật dâng tặng thần linh vào đầu năm mới |
N.t.tâm |
Vào ngày tết, người Nhật đổ ra đường vui chơi, ăn uống, hoặc thăm đền chùa |
N.t.tâm |
Đền Asakusa đông đúc vào ngày nghỉ tết. Người Nhật hiện đại nhưng vẫn giữ nếp truyền thống xưa cũ |
N.t.tâm |
Như đi chùa rút thăm may mắn, coi bói... |
N.t.tâm |
Việt Nam là 1 trong những quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á ăn Tết Nguyên đán, cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Đài Loan, Singapore, Malaysia... Ở những nước trong khu vực, mặc dù Tết Nguyên đán không phải là ngày lễ truyền thống chính thức nhưng được tổ chức tiệc tùng trên khắp đất nước, như Thái Lan.
Bình luận (0)