Bà Sáu Trầu tại kỳ họp Quốc hội năm 1985 đã làm điều mà trước đó chưa ai làm được...
Đoàn đại biểu Quốc hội đoàn Cửu Long chụp ảnh chung với Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt - Ảnh tư liệu |
Ông Trịnh Văn Lâu (Tư Cẩn), nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long) thời điểm 1981 - 1987, nhận định: Những điều mà bà Đào Thị Biểu (Sáu Trầu) nói tại kỳhọp Quốc hội năm 1985 không có gì cao xa mà đơn giản là dám nói sự thật về nỗi khổ của dân, dám thẳng thắn chất vấn Quốc hội. Điều mà trước đó chưa ai làm được.
Có mệnh hệ gì nhờ dạy dỗ con cái
Kì họp mà ông Tư Cẩn nhắc chính là kì họp thứ 10 quốc hội khóa VII diễn ra vào tháng 10.1985. Trước kì họp này có hai vấn đề nổi cộm ảnh hưởng tới đời sống của hàng chục triệu dân: đổi tiền và chính sách giá – lương – tiền. Năm nay 79 tuổi, miệng bỏm bẻm nhai trầu, bà Sáu Trầu cho hay trước khóa họp, Đoàn đại biểu Quốc hội Cửu Long tiếp xúc thấy người dân ca thán sau khi đổi tiền, giá cả tăng lên gấp 10-15 lần so với trước. Mệnh giá tiền mới quá cao, không phù hợp với thực tế nên có người dân ăn tô hủ tiếu vài đồng phải cắm CMND lại sau này có tiền mới trả. Ở các bến xe, người dân nằm vạ vật mấy ngày trời vì không có tiền mua vé xe đò. Trong nông nghiệp do Nhà nước không tính đủ giá thành, chí phí nên khi công bố lãi 30% nhưng trên thực tế không phải vậy.
“Tại sao chính sách giá - lương - tiền động đến tâm tư và đời sống của hàng triệu người dân mà Đảng không sâu sát. Chưa kể những chính sách này bị một số tư thương thao túng, lung đoạn làm cho thị trường hỗn loạn, người dân khốn khổ”, bà Sáu Trầu nói.
Tuy nhiên, không khí nghị trường lúc đó trầm lắng, đại biểu đến để vỗ tay, tán thưởng. Bản tham luận ban đầu mà đoàn Cửu Long đăng kí phát biểu khá dễ nghe. Nhưng vô họp, nghe một vị Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chê trách các tỉnh không biết sử dụng ưu thế đổi tiền và chính sách giá - lương - tiền hay nông dân đang làm ăn có lãi 30-40%, các thành viên đoàn Cửu Long họp lại quyết định nói lên sự thật.
Ông Tư Cẩn nhớ lại: “Lúc đó Quốc hội kiểm soát chặt lắm. Đoàn nào muốn phát biểu phải gửi trước bài kiểm duyệt. Người đọc cũng bị kiểm duyệt chứ không phải ai cũng được lên đọc đâu”.
Ban đầu tham luận viết lại được giao ông Liên Tâm (Giám đốc Sở Văn hóa Cửu Long) viết. Tuy nhiên khi hoàn tất, các thành viên trong đoàn thấy tham luận còn “hiền quá, đọc chưa phê, phải viết lại”. Lúc này, trưởng đoàn Tư Cẩn mới là người chấp bút sau khi lấy ý kiến trong đoàn.
Tham luận viết xong, thay vì đưa cho Văn phòng Quốc hội đánh máy như trước đó, đoàn Cửu Long thông qua mối quan hệ thân quen nhờ đánh máy ở văn phòng Trung ương Đoàn. Đánh máy xong, không đem nộp vì sợ lộ. Ông Tư Cẩn cho hay vấn đề gay gắt, phải giọng nữ nói năng mềm mại, từ tốn, gia đình có thành tích kháng chiến, lại phải dũng cảm, có thể hy sinh. Bà Sáu Trầu đã xung phong lãnh trách nhiệm.
“Thấy tôi xung phong đọc, anh Liên Tâm ngồi bên hỏi nửa đùa nửa thật rằng trước khi đọc chị có trăng trối gì không. Tôi trả lời ngay: gia đình tôi có sáu người thân đi kháng chiến chết năm chỉ mình tôi trở về. Tôi chỉ gửi gắm là nếu có mệnh hệ gì thì nhờ anh em chăm sóc, dạy dỗ con cái”, bà Sàu Trầu cười nhớ lại.
Bà Sáu Trầu - Ảnh: Trung Hiếu
|
Góp phần đổi mới
Tham luận của Đoàn Cửu Long được đọc cuối cùng trong ngày họp kết thúc kì Quốc hội. Bài tham luận dài 6 trang được bà Sáu Trầu bỏ trong túi áo. Khi nghe kêu tên Đoàn quốc hội Cửu Long, bà Sáu Trầu bước lên bục. Ở dưới biển người im phăng phắc nhìn về người phụ nữ nhỏ bé. Bà bình tĩnh rút bản tham luận trong túi áo rồi đọc thật to, thật rõ, thật nhanh như sợ hết giờ với bao nhiêu bức xức chất chứa dồn nén trong lòng:
“Chúng tôi đã chứng kiến biết bao cảnh cửa hàng ách tắc, bao nhiêu cuộc cãi vã, xô xát, bao nhiêu tiêu cực. Các tỉnh phía Nam liên tiếp bị cơn sốt tiền lẻ... Vì sao bí thư, chủ tịch tỉnh chưa biết thì thương buôn đã biết rất lâu lảu về ngày đổi tiền? Riêng vụ án ở Cửu Long đã chứng minh kẻ biết trước và chủ tâm trong đổi bạc là hệ ngân hàng. Ban giám đốc ngân hàng đầu tư xây dựng và gần hết nhân viên đã cấu kế với thương buôn Lã Thị Tú Vân thu hết 10 đồng trở xuống trước ngày đổi bạc và luồn lách đổi hàng triệu bạc sau ngày đăng kí. Chúng tôi đề nghị làm rõ trách nhiệm hình sự này”.
Nghe bà phát biểu, dưới hội trường tiếng vỗ tay rần rần. Bà Sáu Trầu đọc tiếp: “Ai đã tạo ra sơ hở ấy để cho cán bộ lợi dụng, nhất là cán bộ ngân hàng phụ trách bàn đổi. Cần phải xử lý ai là người tạo ra chủ trương sơ hở chứ không chỉ xử lý kẻ vi phạm… Trung ương nói không biết phát huy ưu thế nhưng xin hỏi có ưu thế gì mà phát huy...".
Cứ đọc xong từng đoạn, dưới hội trường tiếng vỗ tay như sóng dội. Nỗi niềm của dân Cửu Long mà bà Sáu Trầu là người đại diện chính là nỗi lòng hàng triệu người dân cả nước. Bà Sáu Trầu cho hay khi đọc cũng thấy lo sợ nhưng cái sợ lớn nhất là không hoàn thành nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với dân, với Đảng. Nói cho Đảng biết sự thật để sửa đổi thì dẫu ở tù bà cũng chịu.
Rời bục phát biểu, đi về chỗ ngồi mà trên đường ai cũng giành bắt tay bà. Một đại biểu là nhà văn quân đội ghé tai bà nói nhỏ: “Bình thường em bình dị nhưng sao hôm nay quyết liệt, dữ dội vậy Biểu ơi”. Sau này nhà thơ Nguyễn Hải Trừng tặng bà tập thơ, ngoài bìa đề mấy câu: “Tặng người em gái quê hương, người mở ra kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên nói thẳng-nói thật”. Trưa hôm đó về phòng, đại biểu các đoàn lần lượt đến thăm và tặng quá trời trầu cau để bà ăn trong những ngày ở Hà Nội.
Nhớ lại những ngày ấy, ông Tư Cẩn cho hay sau kì họp đó, ông Nguyễn Văn Linh gặp ông hỏi ai là người viết bài tham luận đó. Ông Tư Cần trả lời đó là ý kiến chung của anh em trong đoàn. Nghe xong, ông Linh nói: "Làm như vậy là tốt. Quốc hội phải nói hết, nói thẳng sự thật". Bài phát biểu của Đoàn quốc hội Cửu Long đã làm được điều đó và góp phần tác động đến chính sách đổi mới sau này.
Bình luận (0)