'Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay'

27/07/2024 20:26 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài viết trang trọng và xúc động về di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có uy tín, tầm ảnh hưởng lớn cả trong và ngoài nước.

Trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta bồi hồi nhớ lại và càng trân trọng tấm gương đạo đức sáng ngời, người có nhân cách lớn với tư duy lý luận sắc sảo, để lại những di sản lớn và đóng góp, cống hiến vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

'Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay'- Ảnh 1.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Theo Thủ tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đầu tiên nhận định, được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Từ nghèo đói, Việt Nam vươn lên thành nước thu nhập trung bình

Qua thực tiễn gần 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt và sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, là những minh chứng sống động cho khái quát trên của Tổng Bí thư.

Thứ nhất, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh; chú trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Kết quả đạt được cơ bản như mong muốn của Tổng Bí thư với kết quả năm sau cao hơn năm trước trên tất cả lĩnh vực. Trong đó nền kinh tế đã có những chuyển biến rõ nét với những thành tựu rất đáng tự hào, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhất là trong những năm gần đây, khi chúng ta đối diện với tình hình khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

Thủ tướng cũng nhắc lại các thành tựu sau gần 40 năm đổi mới, từ một nước bị tàn phá sau nhiều cuộc chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, thiếu đói, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD năm 2023, tăng gần 60 lần so với năm 1986.

Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 6,5%/năm, thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế năm 2023 đứng thứ 35 thế giới, tăng hơn 95 lần so với năm 1986. Nền tảng kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

Lạm phát được kiểm soát chỉ còn khoảng 4%/năm từ mức "phi mã" 3 con số của giai đoạn đầu đổi mới. Từ thiếu hụt lương thực trầm trọng, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới; năm 2023 xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu; nông sản Việt Nam đã có mặt tại hơn 160 quốc gia.

'Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay'- Ảnh 2.

Hàng vạn người dân xúc động tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

TUẤN MINH

Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài; năm 2023 thu hút được trên 39,4 tỉ USD, vốn thực hiện đạt 23,2 tỉ USD, lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Lũy kế đến nay có 40.800 dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỉ USD.

Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất, nằm trong chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel, Apple, GE, Foxconn… Khu vực tư nhân được khuyến khích phát triển và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế với khoảng 900.000 doanh nghiệp hoạt động.

Hệ thống kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh, đạt trên 2.000 km đường cao tốc, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 3.000 km; đang triển khai mở rộng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành...

Thứ 2, về công tác đối ngoại, ngoại giao, từ một nước bị bao vây, cấm vận trong 30 năm, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 quốc gia, đặc biệt là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nhiều nước G20.

Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì đón tổng bí thư, chủ tịch nước, tổng thống của 3 cường quốc lớn là Trung Quốc, Mỹ và Nga. Những nỗ lực này đã thúc đẩy mạnh mẽ đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ, hiệu quả trên các lĩnh vực, nhất là về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, lao động, văn hóa, giao lưu nhân dân, giao lưu địa phương…

Thứ 3, với "chính sách quốc phòng bốn không", chúng ta đã kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong bảo vệ Tổ quốc; ưu tiên nguồn lực để củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh được chú trọng và ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, lưỡng dụng, làm chủ công nghệ chế tạo và sản xuất được nhiều loại vũ khí, trang bị, góp phần tích cực vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chính sách đối ngoại quốc phòng theo tư tưởng ngoại giao "Cây tre Việt Nam" là kế sách quan trọng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Thứ 4, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được chú trọng, bảo đảm hài hòa với phát triển kinh tế và đạt được nhiều thành tựu quan trọng đúng như mong muốn và chỉ đạo của Tổng Bí thư.

An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Các chính sách với người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được đặc biệt quan tâm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm còn 2,93% so với hơn 58% năm 1993.

Thứ 5, quán triệt quan điểm xây dựng Đảng là "then chốt", trong đó công tác cán bộ là "then chốt của then chốt" của Tổng Bí thư, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thời gian qua có nhiều chuyển biến rõ nét, hiệu quả.

Tập trung xây dựng Đảng toàn diện cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ với tinh thần "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất", để Đảng ta thực sự "là đạo đức, là văn minh".

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được tiến hành mạnh mẽ, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Thứ 6, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: "Trong bất luận hoàn cảnh nào, phải kiên định lập trường tư tưởng, luôn giữ vững mục tiêu, quan điểm, đường lối của Đảng ta trong xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống luật pháp của nước ta". Trong những năm qua, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đạt nhiều kết quả quan trọng và tiếp tục được hoàn thiện về cơ sở lý luận trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tiễn.

'Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế như ngày nay'- Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi mãi thuộc về Tổ quốc, nhân dân ta

TUẤN MINH


Tổng Bí thư mãi mãi thuộc về Tổ quốc, nhân dân

"Tổng Bí thư đã để lại tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, cống hiến hết sức mình vì sự nghiệp cách mạng của Đảng cho các thế hệ hôm nay và mai sau", Thủ tướng nhấn mạnh.

Minh chứng là hàng vạn người dân Việt Nam, hàng trăm đoàn khách quốc tế đã trực tiếp đến viếng, tiễn đưa; hàng trăm đoàn, hàng nghìn người nước ngoài đã đến viếng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; hàng trăm quốc gia, tổ chức quốc tế đã gửi lời chia buồn.

Hàng triệu người dân Việt Nam từ mọi độ tuổi, giới tính, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nhất là thế hệ trẻ bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Những hình ảnh đó đã thể hiện tình cảm trân trọng, sự gắn bó sâu sắc của đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam ở nước ngoài cũng như bạn bè quốc tế về tầm vóc của một nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Đồng thời cũng thể hiện niềm tin son sắt của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, đất nước Việt Nam văn hiến, văn minh và anh hùng.

"Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, đất nước ta nhất định sẽ phát triển ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, nhân dân ta nhất định sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong đợi và các thế hệ đi trước, trong đó có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tận tâm, tận lực phấn đấu và trọn đời cống hiến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mãi mãi thuộc về Tổ quốc ta, nhân dân ta và sự nghiệp đổi mới của đất nước ta", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.