Dùng cào để cào ngói rơi xuống khi trùng tu… cho nhanh, quăng thẳng các cấu kiện chạm trổ đẹp đẽ đi để thay mới, sơn lại mảng chạm bằng sơn công nghiệp đỏ chót…, có quá nhiều di tích bị trùng tu như phá. Ông đánh giá nguyên nhân chính của hiện trạng đó là gì?
Cụ thể từng vụ việc sẽ có những nguyên nhân và trách nhiệm khác nhau. Có trường hợp do bên thiết kế xem nhẹ từng hạng mục. Chẳng hạn, khi tu bổ đình làng, họ có thể làm lại bên tả vu, hữu vu theo mẫu mới, bất chấp đặc điểm cũ ra sao. Có trường hợp đơn vị trùng tu bỏ qua các công đoạn mà luật yêu cầu, họ thậm chí còn hạ giải mà không dựng nhà bao che. Có khi đơn vị trùng tu lại không có chức năng thiết kế trùng tu di tích. Cũng có khi do công trình quá lớn, lại được giao cho nhiều đơn vị thi công thực hiện các hạng mục khác nhau. Bản thân việc giám sát khối lượng khổng lồ đó rất khó. Nó khiến cho công trình sau khi hoàn thiện không còn giống ban đầu nữa.
Nhưng hầu hết đều có liên quan đến bên quản lý di tích ở địa phương. Họ mặc kệ việc trùng tu, lỏng lẻo trong quản lý trùng tu, hoặc có khi còn bao che cho việc trùng tu sai.
Trong khi đó, việc thực hiện giám sát của đơn vị giám sát cũng lỏng lẻo.
Ông nghĩ sao về tay nghề của thợ trùng tu hiện nay?
Đấy cũng là vấn đề. Chẳng hạn, các đội thợ Bắc vào không hẳn đã hiểu được cấu trúc nhà ở miền Trung. Cấu trúc miền Trung khác nhà Bắc bộ và khi thợ làm theo thói quen, dẫn đến cùng vị trí đặc điểm cấu trúc, họ có thể đưa vào những thành phần bản gốc không có. Thế là lại lẫn thành phần kiến trúc kiểu Bắc bộ vào đó. Một chuyên gia Nhật Bản đã nói về thước 60 độ được sử dụng xây dựng công trình kiến trúc ở miền Trung là ông không thấy ở đâu trên thế giới thước như vậy cả. Nó cho độ chính xác cao khi tổ chức các cấu kiện mái và cũng thích hợp với cách làm mái ở đây.
Còn về chứng chỉ hành nghề thì sao, thưa ông? Các quy định hiện nay có đảm bảo người có chứng chỉ sẽ hành nghề được tốt không?
Về chứng chỉ hành nghề cũng chưa ổn. Những người học ngành khác không phải kiến trúc, như ngành xây dựng chẳng hạn, chỉ cần qua một lớp đào tạo vài tháng, có chứng chỉ là có thể tham gia trùng tu. Cũng có thêm một vài điều kiện khác nữa nhưng về năng lực kiến thức chuyên môn thì còn đang quá ít. So với thiết kế kiến trúc thông thường, thiết kế trùng tu di tích còn khó hơn nhiều. Nó không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn cần kiến thức khác nữa. Trong thời gian đào tạo ngắn như thế, một kỹ sư xây dựng có thể được cấp chứng chỉ hành nghề, chủ trì công tác tu bổ di tích, thiết kế giám sát tu bổ di tích.
Ở chùa Linh Đường (Hà Nội), trùng tu hầu như phá bỏ nhiều, xây thành ngôi chùa 2 tầng. Thế không phải là trùng tu, chủ trì thiết kế đó lại là một kỹ sư xây dựng. Chùa đó thời Nguyễn, có những đặc điểm rất thú vị.
Và cuối cùng thì di tích bị trùng tu như phá, cũng chẳng ai bị làm sao?
Việc trùng tu sẽ liên quan nhiều đến quản lý, từ thiết kế, giám sát, thi công… Phải đặt trách nhiệm cá nhân của các bộ phận cụ thể, rõ ràng. Khi đó, nếu xảy ra sai phạm, phải có biện pháp, phải chịu trách nhiệm chứ không thể để hòa cả làng được.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)