Đất thuộc sở hữu nhà nước là đất công

23/04/2018 07:33 GMT+7

Ông Nguyễn Quốc Cường, đại diện QCGL đã khẳng định diện tích 32,4 ha (đất da beo) mà Công ty TT chuyển nhượng cho QCGL 100% không phải là đất công.

Đồng thời khẳng định việc chuyển nhượng này cũng không phải thông qua đấu giá. Bởi theo quy định pháp luật các thửa đất này không phải do nhà nước giao đất cho Công ty TT quản lý, không phải đất trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, không phải là đối tượng đất thuộc sở hữu nhà nước giao cho cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý sử dụng áp dụng Quyết định 09/2007/QĐ- TTg của Thủ tướng.
Các thửa đất mà Công ty TT chuyển nhượng cho QCGL là đất nông nghiệp, Công ty TT đã dùng nguồn tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty (kinh doanh bất động sản) để thương lượng đền bù trực tiếp với các người dân. QCGL cũng đã và đang tiếp tục đền bù các thửa đất trong khu đất này. Vì hiện nay TT chỉ mới chuyển nhượng cho QCGL 32,4 ha/50 ha.
Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng theo quy định của luật Quản lý tài sản công năm 2017, tại điều 3 định nghĩa: tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, trong đó có tài sản công tại DN nhà nước. Theo luật Quản lý tài sản công, tài sản thuộc tổ chức Đảng Cộng sản VN là tài sản công.
Tài sản của DNNN thuộc tổ chức Đảng Cộng sản VN cũng là tài sản công. Công ty TT là DN 100% vốn nhà nước, thuộc Thành ủy TP.HCM nên tài sản của Công ty TT cũng là tài sản công. Việc quản lý, sử dụng tài sản công tại DNNN phải thực hiện theo luật Quản lý tài sản công và Nghị định 151/2017/NĐ-CP hướng dẫn luật Quản lý tài sản công.
Theo luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN năm 2014, tại khoản 9 điều 3 quy định: Vốn của DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm vốn chủ sở hữu của DN và vốn do DN huy động. Do đó, khu đất của Công ty TT chuyển nhượng cho Công ty QCGL được hình thành từ nguồn vốn của Công ty TT nên tài sản này được xác định là tài sản công.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng để xảy ra việc chuyển nhượng giá “rẻ bèo” thì cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trực tiếp từ việc thẩm định giá đất, thủ tục chuyển nhượng, ký hồ sơ, phê duyệt chủ trương để có hướng xử lý, quy trách nhiệm.
Đồng thời theo luật sư Hùng, nếu hợp đồng chuyển nhượng bị hủy, có thể hiểu là hậu quả chưa xảy ra, chưa gây thiệt hại cho nhà nước, nhưng hành vi của các đối tượng là hoàn thành, hậu quả chưa xảy ra là vì các cơ quan nhà nước, dư luận đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn để cho hành vi vi phạm không kịp hoàn thành. Vì vậy, vẫn có căn cứ để tiếp tục truy cứu trách nhiệm của tất cả các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.