Đặt tượng cô Nguyễn Hướng Dương: Tôn vinh giá trị vĩnh hằng của một con người

Như Lịch
Như Lịch
07/05/2023 06:00 GMT+7

Ngày 6.5, trong khuôn viên Thư viện sách nói dành cho người mù (số 18B đường Đinh Tiên Hoàng, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM), Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù đã tổ chức lễ đặt tượng cô Nguyễn Hướng Dương - người sáng lập Thư viện sách nói dành cho người mù.

Bức tượng cô Nguyễn Hướng Dương được hình thành nhờ sự khởi xướng và đóng góp tự nguyện từ nhiều người yêu thương, trân quý công lao to lớn của cô Nguyễn Hướng Dương dành cho cộng đồng người mù trong suốt hơn 20 năm cô tồn tại trên cõi đời.

Ba năm chăm chút cho bức tượng

Điêu khắc gia Lâm Quang Nới, tác giả tạo nên bức tượng cô Nguyễn Hướng Dương, tâm sự: “Tôi có hạn chế là lúc chị Hướng Dương còn sống, tôi không tiếp xúc trực tiếp nên không biết gương mặt của chị thế nào. Tôi chỉ nghiên cứu qua tài liệu, phim ảnh nên phải cầu thị, nghe ngóng, tiếp thu, phân tích, sàng lọc các ý kiến để làm tượng toát lên được thần thái của chị Hướng Dương”.

Đặt tượng cô Nguyễn Hướng Dương, sáng lập Thư viện sách nói dành cho người mù - Ảnh 1.

Bức tượng cô Nguyễn Hướng Dương (người sáng lập Thư viện sách nói dành cho người mù) do điêu khắc gia Lâm Quang Nới tạo nên

NHƯ LỊCH

Ông Nới cho biết ông rất vinh dự khi được Thư viện sách nói dành cho người mù, bạn bè, gia đình cô Hướng Dương tín nhiệm ông thể hiện bức tượng này. “Khi nghe cuộc đời, sự nghiệp của chị Hướng Dương, tôi rất xúc động và muốn đóng góp vào sự tôn vinh công đức của chị”, ông Nới bộc bạch.

Tượng cô Nguyễn Hướng Dương có chiều cao 1m58, bằng tỷ lệ người thật của cô Hướng Dương lúc sinh thời. Tượng nặng khoảng 1 tấn, làm bằng đá trắng được điêu khắc gia Lâm Quang Nới đặt mua tận tỉnh Yên Bái. Theo ông Nới, thông thường ông làm một bức tượng chỉ trong vòng nửa năm là xong. Riêng tượng cô Hướng Dương, cho đến hôm nay hoàn thành thì xấp xỉ 3 năm. Trong 3 năm đó, ông luôn trăn trở, tư duy và làm việc hầu như không ngơi nghỉ. Có hôm 1 giờ khuya, ông lên xưởng bật đèn lên làm việc cho đến khi nghe chim hót réo rắt thì mới biết trời sáng...

Đặt tượng cô Nguyễn Hướng Dương, sáng lập Thư viện sách nói dành cho người mù - Ảnh 2.

Cắt băng khánh thành tượng cô Nguyễn Hướng Dương

NHƯ LỊCH

“Tôi rất trân trọng và quý mến chị Hướng Dương. Tôi muốn dành những tình cảm hết sức đặc biệt và những gì tốt đẹp nhất cho chị Hướng Dương. Cuối cùng, tôi đã tạo được tượng có nét đẹp nhất ở giai đoạn đẹp nhất của con người chị Hướng Dương, nhất là về công đức của chị”, điêu khắc gia Lâm Quang Nới bày tỏ.

Một người tàn tật miệt mài phục vụ người khiếm thị

Cô Nguyễn Hướng Dương sinh năm 1971 tại Sài Gòn. Sau một tai nạn, cô đã từ giã cõi đời vào năm 47 tuổi (năm 2018), để lại nỗi tiếc thương khôn nguôi cho nhiều người yêu mến cô.

Trong lễ đặt tượng cô Nguyễn Hướng Dương, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù, chia sẻ: “Ở tuổi 25, Nguyễn Hướng Dương là người sáng lập Thư viện Sách nói dành cho người mù. Ở tuổi 25, Nguyễn Hướng Dương đang là hướng dẫn viên du lịch của Tổng công ty du lịch Sài Gòn, chẳng may một tai nạn cướp đi đôi chân của cô. Tưởng cô sẽ gục ngã trước số phận, nhưng không, cô mạnh dạn đứng lên sau khi chữa bệnh và đặt chân giả. Cô tìm đến phục vụ cho các em học sinh mù, trước hết là học sinh Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu”.

Ông Ân tiếp tục câu chuyện: “Suốt hơn 20 năm, Hướng Dương là người khởi xướng việc lập Thư viện sách nói cho người mù, tham gia tích cực vào việc vận hành Thư viện sách nói từ lúc thư viện chỉ gồm một máy cassette, cho đến cơ ngơi tại số 18B Đinh Tiên Hoàng ngày hôm nay. Hướng Dương là một người tàn tật phục vụ miệt mài cho người khiếm thị”.

Đặt tượng cô Nguyễn Hướng Dương, sáng lập Thư viện sách nói dành cho người mù - Ảnh 3.

Các em học sinh mù tại TP.HCM biểu diễn văn nghệ trong lễ đặt tượng

NHƯ LỊCH

Đặt tượng cô Nguyễn Hướng Dương, sáng lập Thư viện sách nói dành cho người mù - Ảnh 4.

Các em học sinh mù tại TP.HCM biểu diễn văn nghệ trong lễ đặt tượng

NHƯ LỊCH


Theo ông Ân, trong những năm gần đây, Thư viện sách nói đã phát triển Trung tâm công nghệ dành cho người mù. Trung tâm này giúp cho hàng ngàn học sinh, sinh viên và những người mù trên cả nước học cách sử dụng máy vi tính, điện thoại thông minh. Với những phương tiện này, họ đã tìm đến ánh sáng của kiến thức một cách trực tiếp, không cần phải thông qua các chương trình sách nói. Đây là đóng góp rất lớn mà cô Hướng Dương người khởi xướng...

“Những tưởng Hướng Dương sẽ phát triển thư viện này trong nhiều năm nữa, nhưng không ngờ năm 2018, một tai nạn đã đưa Hướng Dương đi xa”, ông Lê Quốc Ân ngậm ngùi.

Hướng Dương đã đóng góp tích cực vào việc giúp đỡ các em học sinh mù được nghe sách giáo khoa để học giỏi hơn; tích cực vận động trao học bổng và giúp đỡ các em học sinh mù có nguyện vọng học đại học. Và chúng ta lấy làm tự hào, đến ngày hôm nay đã có trên 300 sinh viên mù tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp cao học và một số em đang làm nghiên cứu sinh.

Ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù

"Sự giàu có vĩnh hằng của Hướng Dương"

Nhân lễ đặt tượng và kỷ niệm 5 năm ngày cô Nguyễn Hướng Dương từ trần, gia đình cô đã ra mắt tập sách “Hướng Dương về với mặt trời” của nhiều tác giả viết về Hướng Dương sau khi cô qua đời.

Chia sẻ thêm về những giá trị mà cô Nguyễn Hướng Dương để lại cõi đời thông qua những cuốn sách, nhà báo Dương Thành Truyền (thành viên Hội đồng quản lý Quỹ từ thiện sách nói dành cho người mù) xúc động nói: “Chị Hướng Dương đã để lại cho đời tự truyện Đứng dậy và bước đi, kể cho chúng ta nghe về hạnh phúc thực sự của một người khi mình có thể mang lại hạnh phúc cho người khác. Tôi nghĩ chị cũng có một tài sản nội tâm lớn lao. Hôm nay, chúng ta nhận được một cuốn sách khác có tựa Hướng Dương về với mặt trời, do cha và mẹ Hướng Dương thực hiện. Tôi tin là với cuốn sách này, chúng ta sẽ thấy sự giàu có thực sự, sự giàu có vĩnh hằng của Hướng Dương ngay cả khi Hướng Dương đã qua đời”.

Đặt tượng cô Nguyễn Hướng Dương, sáng lập Thư viện sách nói dành cho người mù - Ảnh 6.

Phòng thu sách nói do cô Nguyễn Hướng Dương dày công gầy dựng và để lại cho đời

NHƯ LỊCH

Nhà báo Dương Thành Truyền cho rằng tài sản ngoại thân (như tiền của, địa vị...) sẽ mất sau khi chúng ta mất đi, tài sản nội tâm sẽ đi cùng chúng ta về cõi khác. Nhưng ngay cả khi chúng ta qua đời, mỗi người đều có thể để lại một thứ, đó là giá trị vĩnh hằng, nó được đo bằng những gì mà người khác nhận được, nhiều người cảm được, những người khác tìm ra từ chính chúng ta.

Đặt tượng cô Nguyễn Hướng Dương: Tôn vinh giá trị vĩnh hằng của một con người - Ảnh 7.

Tự truyện Đứng dậy và bước đi và cuốn sách Hướng Dương về với mặt trời

NHƯ LỊCH

“60 tác giả góp mặt trong cuốn sách Hướng Dương về với mặt trời đã thay mặt cho rất nhiều người từng làm việc, từng cộng tác với Hướng Dương, đã từng nhận ra những giá trị mà Hướng Dương mang lại cho cuộc đời này, đã từng cùng Hướng Dương để góp thêm trách nhiệm cho cuộc sống... Và tất cả những gì chị ấy để lại cho đời xứng đáng để chúng ta trân trọng, xứng đáng để hôm nay chúng ta dựng tượng đài”, nhà báo Dương Thành Truyền khẳng định.

Đến nay, Thư viện sách nói dành cho người mù đã thực hiện hàng ngàn đầu sách gửi đến các cơ sở mù trên toàn quốc, giúp các học sinh mù có tài liệu học tập. Trong thời đại công nghệ, sách nói hiện diện trên trang web sachnoionline.com. Và tất cả người mù có thể truy cập vào trang web này để nghe những đầu sách mà thư viện sách nói đã thu với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên.

Với những đóng góp to lớn cho xã hội, cô Nguyễn Hướng Dương đã được tặng các giải thưởng: Huân chương Lao động hạng II do Chủ tịch nước trao tặng; Huy chương "Vì hạnh phúc người mù" do Hội người mù Việt Nam trao tặng; Danh hiệu "Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới 1986 - 2016" do Hội đồng Quốc gia bình chọn năm 2017...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.