Chiếc thiệp mời đám cưới vào ngày 24.12.1972 của chị Ngô Thị Ngọc Tường và anh Đỗ Doãn Hải có màu hồng nhạt. Tuy nhiên, chị Tường không được mặc áo dài trắng như những cô dâu cùng thời vẫn vậy. Trên thiệp cưới có thêm dòng chữ viết tay báo tin buồn: “Tuyết Nga ơi, Ngọc Tường bị bom sáng 19.12 ở Lương Yên và mất hồi 20 giờ ngày 20 tại Bệnh viện Việt Đức. 14 giờ 30 chiều nay sẽ đưa đám. Nga báo cho các bạn bè biết. Thật là đau đớn và căm giận giặc Mỹ”. Đây là một trong những hiện vật trong triển lãm Máu và hoa - Hà Nội 12 ngày đêm. Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Cục Lưu trữ Văn phòng T.Ư Đảng tổ chức từ ngày 16.12 đến tháng 4.2023 tại 25 Tông Đản (P.Tràng Tiền, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Phố Khâm Thiên tan hoang |
Nhiều hiện vật gợi lại những ngày B-52 đánh phá Hà Nội như thế trong triển lãm. Những ngày ấy, người Hà Nội phần đi sơ tán, phần ở lại chiến đấu và lao động. Chiếc xích lô 541 màu xanh lá đậm của ông Nguyễn Gia Côn ở khu Hai Bà Trưng đã phải làm thêm nhiều nhiệm vụ khác thường. “Trong 12 ngày đêm bom Mỹ đánh phá ác liệt vào Hà Nội, người và xe xích lô không chỉ chở gạo từ nơi trọng điểm ra nơi an toàn, chở tiền của ngân hàng đến nơi phát lương cho công nhân, chở người, tài liệu của các cơ quan sơ tán khỏi Hà Nội, chở người bị thương đi cấp cứu, mà còn chở áo quan đến nơi khâm liệm, có khi xe còn trở thành nhà hộ sinh bất đắc dĩ…”, TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết.
Sự khốc liệt của cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 cũng được thể hiện qua một loạt hiện vật khác. Đó là chiếc mâm bị bom chịu nhiệt xoắn lại như bị vò nát; tượng Phật bị cắt văng làm hai mảnh. Những đồ dùng này đều của người dân Hà Nội bị máy bay B-52 phá hủy, được cán bộ Bảo tàng Cách mạng VN, nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia sưu tầm ngay sau khi sự kiện “12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” kết thúc.
Chiếc xe xích lô |
BTC cung cấp |
Niềm tin và hy vọng
Về nhóm hình ảnh, tài liệu, câu chuyện về sự tàn phá khốc liệt của B-52 tại Hà Nội, theo giới thiệu của ban tổ chức, đó là hiện trường sau khi bị đánh bom tại Đài tiếng nói Việt Nam, khu dân cư Khâm Thiên, An Dương, Bệnh viện Bạch Mai, Ga Hàng Cỏ, trường học, nhà thờ, chùa chiền, cầu Long Biên, Tổng kho Đức Giang... Nhóm hình ảnh, hiện vật về những chiến thắng, chiến công có thể kể đến như: bắn rơi máy bay B-52, mảnh xác máy bay B-52, các địa điểm, địa danh, di tích lịch sử…
Những bức ảnh cho thấy, dù khó khăn, người Hà Nội khi đó vẫn tìm mọi cách để sống tốt hơn, cứu người và chiến đấu hiệu quả hơn. Những người mẹ vẫn đạp xe đưa con nhỏ ngồi ghế mây đi sơ tán. Trên cuốn sổ nhỏ là những vần thơ lạc quan của cô gái Đặng Thị Hà. Cô viết: “Ta mến yêu cuộc sống. Với tiếng hát yêu đời”…
Thiệp đám cưới thành giấy báo ngày giờ tang lễ |
Nhiều bức thư của bạn bè quốc tế gửi về cũng được trưng bày. Trong thư, bằng nhiều thứ tiếng, các bạn chia sẻ mất mát và thể hiện sự ủng hộ VN. Ông Takemura Tomiya, Chủ tịch Công đoàn phát thanh Nhật Bản, viết: “Chúng tôi chúc các bạn dành được độc lập và hòa bình chân chính. Và chúng tôi chúc các bạn thành công trong sự nghiệp khôi phục đất nước. Chúng tôi quyết tiếp tục đẩy mạnh ủng hộ các bạn, đồng thời cố quyết tâm đấu tranh hết sức để triệt phá các căn cứ quân sự Mỹ ở Nhật Bản, hủy bỏ Hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ nhằm xây dựng đất nước hòa bình, độc lập và trung lập”.
Triển lãm cũng có góc trưng bày cho Hoa chiến thắng. Ở đó có những hình ảnh về chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không; Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN được ký kết; nhân dân Hà Nội chuẩn bị đón Tết Quý Sửu trong niềm vui chiến thắng, gia đình sum họp. Những niềm vui đó được thể hiện trên các phướn cổ động hay trên chiếc tem thư đếm số máy bay rơi. Ngoài ra, triển lãm cũng có bản thảo bài hát đánh B-52 của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Bình luận (0)