Hồ Hải Quang sinh năm 1944 tại Nam kỳ. Đến Pháp năm 1952, ông hấp thụ văn hóa Pháp trong khi vẫn giữ nguyên văn hóa gốc của mình, rồi nhập quốc tịch Pháp sau khi lấy vợ người Pháp năm 1978. Trở thành một nhà giáo - nhà nghiên cứu, ông định cư ở Réunion năm 1990 cùng cả gia đình. Trong cuốn tiểu sử tự thuật vừa ra mắt năm nay, ông giải thích rằng mình không gặp khó khăn khi hòa nhập xã hội Pháp, đồng thời cũng ghi nhận rằng so với một số sắc dân khác, người Việt được hưởng lợi thế về mặt định kiến xã hội: “Hòa nhập là một quá trình hai chiều. Nó phải là điều người nhập cư mong muốn, nhưng cũng phải được đất nước đó đón nhận”. Một khi đã tới sinh sống ở hòn đảo giữa Ấn Độ Dương, vấn đề hòa nhập không còn thật sự đặt ra nữa: “Tôi được đồng nhất với những người “Trung Hoa” định cư ở đây từ thế kỷ 19. Tới Réunion khi còn rất bé, hai đứa con tôi mang hai dòng máu và nói tiếng créole rất thạo. Hai đứa cháu nội của tôi sinh ra ở đây và có mẹ là người Réunion. Tôi có đầy đủ lý do tin rằng gia đình mình là một tế bào thật sự của hòn đảo này”.
Ông Hồ Hải Quang, nguyên phó giáo sư kinh tế Đại học Réunion, ở nhà riêng |
Louis Raymond |
Diệp Tường Vi Saulnier là chủ, đồng thời là người quản lý một khách sạn ở Saint-Gilles-les-Bains. Tới Pháp năm 1982 ở tuổi 18 với tư cách người tị nạn, bà theo học Đại học Mỹ thuật Rennes, đồng thời cố sức hòa nhập vì lúc đó còn nói tiếng Pháp chưa tốt. “Sau khi tốt nghiệp, tôi bỗng nhớ da diết khí hậu Việt Nam và những hương vị miền nhiệt đới. Một ngày nọ lúc đi tàu, tôi thấy tấm áp phích có hình ảnh bãi biển Boucan-Canot với một cây dừa. Tôi tự nhủ, đây chính là cái tôi muốn có, một nước Pháp với những cây dừa. May mắn tôi được một công ty kiến trúc ở Réunion nhận vào làm, và khi tới nơi, tôi bất ngờ thấy phong cảnh giống y hệt Việt Nam, nhất là dọc bờ đông hòn đảo. Vậy là đã 31 năm tôi ở đây và tôi cảm thấy mình vừa là người Việt, người Pháp, người créole và người Réunion; hòn đảo đa văn hóa này trở thành quê hương tôi”.
Dù khó biết chính xác có bao nhiêu người gốc Việt ở Réunion, đời sống hội đoàn ở đây khá sôi động. Chẳng hạn Hội Trung Hoa - Việt Nam Réunion thường tổ chức các lớp khí công và thái cực ở Saint-Denis. Cũng chính ở thành phố này, Claude Vĩnh San, một trong những người con trai của vua Duy Tân, đã sáng lập Hội Hữu nghị Việt Nam - Réunion, chuyên về các hoạt động nhân đạo. Mùa Trung thu năm nay, Hội Những người gốc Việt và những người bạn của Việt Nam đã tổ chức một buổi dạ tiệc ở thị trấn Saint-Marie, phía bắc đảo. Thực vậy, hơn cả việc chia sẻ một nguồn cội chung, có lẽ ẩm thực còn là ngôn ngữ phổ quát cho phép bảo tồn tốt nhất mối liên hệ.
Ở Saint-Denis, trong khu phố Gilbert des Molières, chỉ vài bước chân cách cầu Vĩnh San và đài tưởng niệm hai vị hoàng đế lưu vong, vẫn còn dấu vết mặt tiền một nhà hàng cũ. Tấm biển dù đã ám màu thời gian vẫn còn đọc được dòng chữ: “Saigon”. Phải chăng đây là một trong những nơi mà Honoré Sandjivy thường đưa cả nhà tới ăn tối? Giống như mọi nơi trên thế giới, những người tị nạn thường vô vọng khi tìm kiếm công việc phù hợp với bằng cấp nghề nghiệp của mình, và họ sẽ mở nhà hàng. Mọi chuyện càng dễ dàng khi ở đảo người ta có thể tìm thấy hầu hết các loại rau quả như ở Việt Nam, từ trái su su đến chôm chôm, mà ở Réunion được gọi là “vải Madagascar.” Thông qua nghệ thuật ẩm thực, cả một nền văn hóa được trao truyền và sống mãi. Nhưng bà Vi Saulnier, dù là người không thấy vấn đề gì với việc thường bị coi là người Trung Quốc, vẫn nhấn mạnh: “Phải phân biệt ẩm thực Việt với ẩm thực Trung Hoa, và tôi hài lòng là ở đây người ta bắt đầu biết phân biệt chuyện đó!”. Quả thực, nếu có thứ gì thiêng liêng, thì chính là đồ ăn!
Bà Vi Saulnier, trước khách sạn ở Saint-Gilles les Bains |
Vi Saulnier |
Đó cũng là điều mà nhà sử học David Gagneur, một công chức cấp tỉnh, kể lại trong một bài viết năm 2013 về gia đình “créole - Việt” của mình. Ông nội của David Gagneur là một người créole đi lính pháo binh sang Đông Dương từ những năm 1930. Ở đó, ông quen và lấy bà Hà Thị Tuyết Mỹ. Trở về Réunion năm 1947, gia đình này đã gìn giữ một điều gì đó thông qua những món ăn thường ngày hay trên mâm cỗ cúng. Trong đoạn kết cuộc tìm kiếm về di sản dòng tộc mình, ông viết: “Tiếp cận ẩm thực Việt ở Réunion như một nền văn hóa thiểu số mới cho phép ta nắm bắt tính phức tạp của xã hội Réunion trong sự đa dạng sinh động của nó. Thông qua ẩm thực, truyền thống, phong tục, tôn giáo và tín ngưỡng, trật tự thứ bậc của quan hệ gia đình và cách sống giúp vẽ nên một Réunion với muôn nghìn gương mặt”. Cuối cùng, ông trích dẫn một câu ngạn ngữ Việt Nam: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Trong những năm 1990, một số người đàn ông gốc Hoa ở Saint-Pierre, phía nam đảo, sang Việt Nam tìm ý trung nhân. Họ trở về Réunion với những người vợ phần lớn không biết tiếng Pháp, tạo thành một cộng đồng nhỏ sống khép kín cùng ngôn ngữ và văn hóa, hơi giống như quận 13 ở Paris hay thành phố Lognes, thuộc tỉnh Seine-et-Marne. Tuy nhiên, chắc chắn là con cái của họ sẽ cảm thấy mình là người créole, và giống như tất cả những người Việt đến đây vì những lý do khác nhau, rồi họ sẽ tìm được chỗ đứng của mình trên hòn đảo rất giỏi gắn kết các nền văn hóa này.
Dấu ấn người Việt ở đảo Réunion
Bình luận (0)