Trên tinh thần chủ đề "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác đã trao đổi về nhiều nội dung chiến lược đang đặt ra cho ASEAN và khu vực, nâng tầm hợp tác, chuẩn bị cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn và bứt phá trong tương lai. Sự hiện diện của gần 20 đối tác cùng nhiều đề xuất hợp tác và thiết lập, nâng cấp quan hệ với Nhật Bản, Canada… phản ánh cam kết và sự coi trọng của các đối tác dành cho ASEAN.
Định hình tâm điểm giao thương Đông Á
Tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS - gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, NewZealand, Ấn Độ, Nga, Mỹ và ASEAN) sáng qua, lãnh đạo các nước đánh giá cao vai trò và giá trị chiến lược của EAS với tư cách là diễn đàn của các lãnh đạo đối thoại, định hướng chiến lược vì hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm vóc và giá trị chiến lược của EAS là nơi các lãnh đạo đối thoại, định hướng vì hòa bình, an ninh, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Với quy mô trên 54% dân số thế giới và khoảng 62% GDP toàn cầu, EAS được kỳ vọng là tâm điểm hội tụ niềm tin, lan tỏa lợi ích.
Để tăng cường hợp tác trong tương lai, người đứng đầu Chính phủ VN đề xuất 3 giải pháp trọng tâm. Trong đó, định hình cấu trúc khu vực rộng mở, bao trùm, minh bạch và dựa trên luật pháp quốc tế. ASEAN sẵn sàng tham vấn, đối thoại và hợp tác bình đẳng, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau và trông đợi các đối tác ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN bằng cả lời nói và hành động.
Đặc biệt, đưa EAS trở thành tâm điểm của giao thương, kết nối các chuỗi cung ứng, duy trì hàng hóa và dịch vụ thông suốt. Hướng tới tương lai, cần xác định hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển là mục tiêu; đối thoại, hợp tác là công cụ. Đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành là nền tảng, nguyên tắc quan trọng tạo nên thành công của ASEAN trong 6 thập niên qua.
Thủ tướng cũng bày tỏ hy vọng tinh thần này sẽ lan tỏa tới những khu vực khác, trong đó có châu Âu, nơi xung đột Ukraine đang diễn ra, căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đang tác động sâu rộng. Ông kêu gọi tất cả các nước phải đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân.
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 20 cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định ASEAN là trụ cột trong chính sách hành động hướng đông và là trọng tâm trong Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Hai bên cho rằng cần tận dụng hiệu quả tiềm năng của thị trường 1,5 tỉ dân, tạo thuận lợi hơn nữa cho trao đổi thương mại và đầu tư, củng cố kết nối, tự cường chuỗi cung ứng, triển khai hiệu quả Khu vực Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ (AIFTA). Thủ tướng Ấn Độ công bố thành lập Quỹ ASEAN - Ấn Độ vì tương lai số. Hội nghị đã thông qua các tuyên bố chung về hợp tác biển và tăng cường an ninh lương thực trong thời kỳ khủng hoảng.
Nhấn mạnh kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên dành nguồn lực thích đáng hơn để sớm hoàn tất các dự án đường cao tốc kết nối Ấn Độ với ASEAN, mong muốn mở rộng tới VN và lan tỏa khắp ASEAN, cả về đường bộ, hàng hải và hàng không.
Chuyển mình cho Tầm nhìn ASEAN 2045
Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Úc lần thứ 3, hai bên nhất trí tập trung thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, tiếp cận thị trường, đẩy mạnh liên kết thương mại đa phương. Hướng tới những tầm cao mới trong 50 năm tới và xa hơn nữa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tăng cường gắn kết kinh tế thương mại theo hướng cân bằng, bền vững cần được coi là trọng tâm và động lực phát triển. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là đột phá chiến lược cho quan hệ ASEAN - Úc.
Hội nghị cấp cao ASEAN - LHQ lần thứ 13 chia sẻ tầm nhìn và cam kết đề cao chủ nghĩa đa phương, thượng tôn pháp luật, tăng cường phối hợp ứng phó các thách thức toàn cầu. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh trong bối cảnh đầy khó khăn, thách thức hiện nay, đối tác toàn diện ASEAN - LHQ càng có ý nghĩa quan trọng.
Trả lời báo chí sau hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết ASEAN đã có những bước chuyển trong chiến lược hợp tác, cả nội khối và với các đối tác. Cụ thể, chuyển đổi trong nhận thức, chuyển dịch trong tiếp cận và chuyển hướng trong hành động. Các thỏa thuận, sáng kiến như Xây dựng Hiệp định khung kinh tế số ASEAN, Chiến lược trung hòa carbon, phát triển hệ sinh thái xe điện, Khung kinh tế biển xanh… là những bước đi chủ động, sáng tạo của cả ASEAN và đối tác nhằm định hình và dẫn dắt xu hướng hợp tác mới ở khu vực.
Để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN, hội nghị đã xem xét, ghi nhận Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2045, xác lập khuôn khổ chiến lược của ASEAN trong 20 năm tới. Hướng đến một ASEAN "tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm".
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các bài phát biểu quan trọng tại tất cả các hội nghị, nêu lên nhiều thông điệp, định hướng và sáng kiến thiết thực. Trong đó, nhấn mạnh các nước cần tháo gỡ các điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế. ASEAN cần xác định bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, là trách nhiệm và nỗ lực tự thân. Đồng thời, bám sát tinh thần cốt lõi "lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu, động lực", phát triển đồng đều và bền vững, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, tiểu vùng. Thủ tướng cũng đề nghị tập trung đẩy mạnh giao thương, đầu tư, kết nối doanh nghiệp, ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ tiếp cận thị trường của nhau.
Lào là Chủ tịch ASEAN 2024
Chiều 7.9, Hội nghị cấp cao ASEAN 43 và các hội nghị liên quan đã kết thúc tốt đẹp. Phát biểu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2024, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone chính thức công bố Chủ đề của Năm ASEAN 2024 là "ASEAN: Enhancing Connectivity and Resilience" (ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường). Theo đó, sẽ chia sẻ các trọng tâm, ưu tiên về củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy xây dựng cộng đồng kết nối thông suốt, tự cường, bền vững và thích ứng trước các thách thức, biến chuyển nhanh chóng, phức tạp trong khu vực.
Bình luận (0)