Như Thanh Niên đã thông tin, khuya 11.10 (theo giờ Việt Nam), Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền (HĐNQ) LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025 tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77 tại New York (Mỹ). Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào HĐNQ LHQ. Lần đầu tiên là vào năm 2013.
Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc |
Khẳng định vị thế
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá diễn biến trên mang tính biểu tượng thể hiện sự vươn lên của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, TS Nagao chỉ ra rằng thời gian qua, các nước phương Tây và Trung Quốc cũng như Nga có một số bất đồng về vấn đề nhân quyền. Thực tế này đặt ra nhiều khó khăn cho hoạt động của HĐNQ LHQ.
“Trong bối cảnh như vậy, cần có bên trung gian để duy trì hiệu quả vai trò của LHQ.Việt Nam ngày càng có quan hệ tốt với cả phương Tây lẫn Nga và Trung Quốc. Việt Nam cũng hợp tác tốt với nhiều thành viên LHQ. Vì thế, vai trò của Việt Nam sẽ rất quan trọng trong trường hợp vừa nêu”, TS Nagao nhận xét.
Đoàn VN tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên HĐNQ LHQ |
TTXVN |
Cũng trả lời Thanh Niên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: Việc được bầu vào HĐNQ LHQ là cơ hội để Việt Nam nêu bật cam kết cải thiện quyền con người của người dân thông qua các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Diễn biến này cũng chứng minh việc Việt Nam không ngừng nâng cao các điều kiện nhân quyền, đồng thời chỉ ra cách tiếp cận để nâng cao nhân quyền cho một số quốc gia có điều kiện tương đồng”.
Bên cạnh đó, ông Carl O.Schuster (đang giảng dạy ở Đại học Hawaii - Thái Bình Dương về quan hệ quốc tế, lịch sử) cũng nhấn mạnh việc tham gia HĐNQ LHQ đã đánh dấu tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trong các vấn đề ở châu Á.
Sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế
Trong cuộc trả lời báo chí chiều 12.10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định vấn đề thúc đẩy và bảo đảm quyền con người là một trong 3 trụ cột của LHQ và HĐNQ là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ. Chính vì thế, việc Việt Nam trúng cử HĐNQ LHQ có ý nghĩa rất quan trọng trên nhiều phương diện.
Thứ nhất, tiếp tục góp phần quan trọng khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn và nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về đặc biệt coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, cũng khẳng định những thành tựu to lớn chúng ta đã đạt được trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và pháp luật.
Thứ hai, góp phần triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, trong đó tiếp tục nâng tầm đối ngoại đa phương, chủ động tham gia và phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương quan trọng có tầm chiến lược.
“Việc trúng cử HĐNQ không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người, mà còn khẳng định sự ủng hộ, tín nhiệm cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp quan trọng và có trách nhiệm của VN vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới”, ông Sơn nhấn mạnh. Đồng thời, sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2022 là kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ và đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.
Thứ ba, việc tham gia và đóng góp tích cực trong HĐNQ LHQ sẽ truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đề cao các giá trị nhân văn và nhân đạo. Bên cạnh đó,Việt Nam có thể tranh thủ sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của LHQ và các đối tác quốc tế để thực hiện ngày càng tốt quyền con người, quyền công dân và quyền làm chủ của nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn,Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên, đóng góp thực chất vào công việc chung của HĐNQ, thúc đẩy đối thoại và quyền con người trên tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, đáp ứng điều kiện, nhu cầu và lợi ích chính đáng của các quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển.
Trong nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam sẽ thực hiện các nghĩa vụ báo cáo theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV cùng các Công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền dân sự - chính trị, chống phân biệt đối xử, quyền phụ nữ, quyền của người khuyết tật…
Theo khoản 7, Nghị quyết 60/251 của Đại hội đồng LHQ, HĐNQ bao gồm 47 quốc gia thành viên, được đa số thành viên của Đại hội đồng bầu trực tiếp và riêng lẻ bằng cách bỏ phiếu kín. Trong nhiệm kỳ 2023 - 2025 bắt đầu từ tháng 1.2023, 14 thành viên mới được bầu của HĐNQ LHQ gồm: Algeria, Bangladesh, Bỉ, Chile, Costa Rica, Georgia, Đức, Kyrgyzstan, Maldives, Morocco, Romania, Nam Phi, Sudan và Việt Nam.
Ở lần đầu tiên tham gia HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016, Việt Nam đã thúc đẩy các sáng kiến thể hiện dấu ấn, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như tham gia Nhóm Nòng cốt tại HĐNQ về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được HĐNQ thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).
Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của HĐNQ trong giai đoạn trên, tập trung vào các lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.
TTXVN
Bình luận (0)