Cơn đau ngày càng tăng khiến chị T. cảm thấy lo lắng nên đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An để kiểm tra
Tại khoa Ngoại tổng quát, các bác sĩ sau khi thăm khám nhận định vấn đề nằm ở bệnh lý gan mật tụy. Vì vậy người bệnh được chỉ định thực hiện các xét nghiệm cần thiết kèm theo chụp MSCT (chụp cắt lớp vi tính đa lát cắt) ổ bụng.
Ngày 19.12, bác sĩ chuyên khoa 1 Trương Minh Hiếu, Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An, cho biết trên hình ảnh chụp MSCT thấy có dấu hiệu giãn nhẹ ống gan trái và ống mật chủ, vùng đáy túi mật có nhiều sỏi nhỏ và cặn bùn tụ thành đám kích thước 30mm, ống túi mật có nhiều sỏi nhỏ kích thước 9mm, lòng túi mật có vài bọt khí kèm rối loạn tưới máu nhẹ nhu mô gan vùng giường túi mật, tụ dịch quanh vùng cổ túi mật.
Kết quả chẩn đoán người bệnh bị sỏi túi mật có viêm túi mật cấp, sỏi ống mật chủ. Sau khi hội chẩn thống nhất cùng các chuyên khoa liên quan, các bác sĩ quyết định thực hiện 2 lần phẫu thuật trong cùng một cuộc mổ. Đầu tiên ê kíp tiến hành nội soi mật tụy ngược dòng để lấy sỏi, tiếp đó phẫu thuật nội soi cắt túi mật.
Sau phẫu thuật, người bệnh tỉnh táo, không đau bụng, các dấu hiệu đều bình thường và được chuyển lên khoa Ngoại tổng quát để tiếp tục theo dõi, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi ống mật chủ là sốc nhiễm trùng đường mật
Bác sĩ Hiếu cho biết, bệnh lý viêm túi mật cấp do sỏi túi mật thường xảy ra khi sỏi kẹt cổ ống túi mật hoặc sỏi lớn gây tắc nghẽn sự lưu thông của mật, dẫn đến viêm nhiễm, biến chứng nguy hiểm của bệnh sỏi ống mật chủ là sốc nhiễm trùng đường mật, nếu điều trị không kịp thời có thể dẫn đến suy đa cơ quan.
Trước đây, người bệnh mắc bệnh lý sỏi mật thường phải trải qua hai lần phẫu thuật. Lần đầu tiên, bác sĩ tiến hành nội soi mật tuỵ ngược dòng để lấy sỏi ở ống mật chủ. Sau 3-5 ngày, bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật tiếp theo bằng cách nội soi cắt túi mật. Hiện nay, với sự hỗ trợ của các thiết bị y khoa hiện đại và đội ngũ bác sĩ tay nghề cao, hai phẫu thuật trên có thể được thực hiện trong cùng một cuộc mổ duy nhất. Điều này không chỉ giúp người bệnh rút ngắn thời gian phục hồi, mà còn giảm thiểu các rủi ro từ việc phẫu thuật nhiều lần và tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Hiếu khuyến cáo mọi người nên cảnh giác các dấu hiệu đau quặn ở vùng bụng trên hay hạ sườn phải, vàng da, tiêu chảy, sốt cao... Khi thấy các triệu chứng này, nên đến cơ sở y tế thăm khám để được chẩn đoán và có hướng điều trị kịp thời.
Các biện pháp ngăn ngừa sỏi mật
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Vũ An, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Long An, khuyến cáo một số biện pháp giúp ngăn ngừa sỏi mật như:
- Bổ sung nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả và ngũ cốc nguyên cám...
- Hạn chế dầu mỡ: Vì cholesterol là thành phần cấu tạo của sỏi đường mật vì vậy nên hạn chế các món chiên xào hoặc các loại thức ăn nhanh. Thêm vào đó, có thể sử dụng các loại bơ, dầu thực vật và dầu cá.
- Duy trì cân nặng thích hợp: Béo phì là một yếu tố làm tăng nguy cơ tạo sỏi mật. Do đó, cần kết hợp chế độ ăn lành mạnh và vận động hằng ngày để duy trì vóc dáng và cân nặng phù hợp.
- Tránh ăn kiêng quá mức: Việc bỏ bữa thường xuyên để giảm cân là biện pháp sai lầm, làm ảnh hưởng sự bài tiết mật. Điều này khiến mật sinh ra không được bài tiết mà ứ lại, dẫn đến sự hình thành sỏi mật. Tẩy giun sán định kỳ.
"Ngoài ra, vì sỏi mật hình thành âm thầm, không có triệu chứng nên để phòng ngừa và phát hiện sớm, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật và phát hiện sỏi mật", bác sĩ An khuyến cáo.
Bình luận (0)