Đau có làm tăng huyết áp không?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
03/12/2021 00:08 GMT+7

Những cơn đau cấp tính, tức những cơn đau xảy ra trong thời gian ngắn, có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Trong khi đó, những cơn đau mạn tính có thể khiến huyết áp tăng thường xuyên và dẫn đến cao huyết áp.

Đau cấp tính chỉ tăng huyết áp tạm thời

Đau cấp tính là những cơn đau xảy ra trong khoảng thời gian ngắn. Đó là những cơn đau do chấn thương, đau bụng, đau họng, đau mỏi vai gáy…

Đau mạn tính có thể làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp

SHUTTERSTOCK

Những cơn đau cấp tính có thể khiến huyết áo tăng cao, ngay cả với người khỏe mạnh. Điều này thường không đáng lo ngại do huyết áp chỉ tăng trong khoảng thời gian ngắn, Newsbreak dẫn lời bác sĩ Keith Roach, chuyên gia tại Trường cao đẳng Y tế Weill Cornell (Mỹ).

Khi bị đau, hệ thần kinh giao cảm sẽ hoạt động mạnh, giải phóng các hoóc môn khiến tim đập nhanh và động mạch co lại. Tất cả những hiện tượng này đều khiến huyết áp tăng đột ngột.

Tuy nhiên, cơn đau cấp tính không gây tăng huyết áp lâu dài. Sau khi cơn đau biến mất, huyết áp sẽ trở lại bình thường. Thậm chí, nếu đau cấp tính kéo dài vài ngày hay nhiều tuần thì não cũng sẽ tự điều chỉnh bằng cách tiết ra chất giảm đau opioid nội sinh. Đây là chất giảm đau tự nhiên của cơ thể, giúp giảm độ nhạy cảm với cơn đau và giảm huyết áp.

Đau mạn tính có thể làm tăng huyết áp lâu dài

Trong khi đó, đau mạn tính là những cơn đau kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Nguyên nhân thường gặp của loại đau này là viêm khớp, đau do tổn thương dây thần kinh, ung thư.

Mối liên hệ giữa đau mạn tính và bệnh cao huyết áp không rõ ràng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy đau mạn tính về lâu dài có thể làm tăng nguy cơ bị cao huyết áp.

Các nghiên cứu cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do sự suy yếu của các thụ thể opioid nội sinh. Khi cơ thể phát sinh cơn đau, các thụ thể sẽ tiết opioid nội sinh. Nhưng nếu cơn đau kéo dài quá lâu thành mạn tính, các thụ thể này hoạt động quá mức sẽ bị suy yếu và không tiết ra opioid nữa. Điều này qua thời gian sẽ làm tăng độ nhạy cảm của cơn đau và khiến huyết áp tăng thường xuyên.

Cao huyết áp khi không được điều trị có thể dẫn đến đau tim, đột quỵ. Tuy nhiên, căn bệnh này thường không có triệu chứng rõ ràng nên nhiều người không biết mình đang mắc bệnh.

Để phát hiện bệnh, các chuyên gia khuyến cáo những người trên 18 tuổi nên đi kiểm tra huyết áp ít nhất 2 năm/lần. Những người trên 40 tuổi thì kiểm tra huyết áp 1 năm/lần, theo trang University Health News.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.