Đau đớn tột cùng của người mẹ ‘không trả con’ vụ nhầm con Hà Nội

Thúy Hằng
Thúy Hằng
14/07/2018 19:09 GMT+7

Hai đứa trẻ được Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội trao nhầm cho hai gia đình 6 năm trước, một kịch bản nhầm con như phim Trái tim mùa thu làm nhói đau cho nhiều người làm cha mẹ.

Tôi thấy miệng đắng ngắt, tâm trí thất thần, không muốn ăn dù đã đến giờ cơm trưa. Cuộc trò chuyện điện thoại với chị Vũ Thị Hương, người mẹ trong câu chuyện nhầm con năm 2012 ở Hà Nội, người vẫn kiên quyết không trả con dù biết bị trao nhầm đã dội vào tâm trí quá nhiều câu hỏi tại sao.
Câu chuyện xảy ra vào ngày 1.11.2012, hai bà mẹ sinh gần giờ nhau, trong một buồng sinh ở Bệnh viện đa khoa H.Ba Vì. Khi được trao con, anh Phùng Giang Sơn, một người cha phát hiện tã lót không giống của gia đình có thắc mắc với y tá thì được khẳng định “chỉ nhầm tã lót, không nhầm con”. 6 năm qua, bé trai đó lớn lên trong sự hoài nghi của cả cha và mẹ khi cháu không giống bất cứ ai trong nhà.
Một ngày, cháu được đưa đi xét nghiệm ADN, gia đình đau đớn khi nhận kết quả, cháu không cùng huyết thống. Anh Sơn khiếu nại đến Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì. Bệnh viện lục soát lại hồ sơ, và may mắn, họ tìm được cả bà mẹ và em bé có nguy cơ bị trao nhầm ngày 1.11 của 6 năm về trước. Kết quả xét nghiệm ADN của hai đứa trẻ cho thấy, chúng chính xác đã bị trao nhầm cho hai gia đình.
Nếu chỉ là một đồ vật bị đưa nhầm cho hai người, bây giờ chúng ta trao trả lại vị trí mà đúng ra nó phải tồn tại. Nhưng ở đây, không phải là đồ vật, mà là hai em bé, hai con người với hai cuộc đời, gắn liền với những người cha người mẹ. Sự xáo trộn vị trí của hai em bé, có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của chúng và những nỗi đau không thể nào bù đắp của những bậc sinh thành.
Bệnh viện xác nhận hai đứa trẻ bị trao nhầm vào tháng 5.2018, từ đó đến nay anh Phùng Giang Sơn nôn nóng khi chưa được đón con đẻ thật sự về nhà. Ở phía gia đình bên kia, chị Vũ Thị Hương sốc nặng, chị chưa thể trả con. Người mẹ sinh năm 1989 vẫn chưa thể tin đó là sự thật.
Những bi kịch của người mẹ
Trưa 13.7, nói với chúng tôi chị Hương nghẹn ngào: “Đến giờ phút này em vẫn chưa được cầm trong tay tờ giấy kết quả ADN của bé Minh em đang nuôi dưỡng và bé Hiếu, con nhà anh Sơn. Lớn hơn nữa, lý do mà em chưa thể trả con là tình mẫu tử mẹ con trong 6 năm qua. Minh lớn lên trong vòng tay em, nghe em ầu ơ hát ru, bú dòng sữa của em từ lúc chào đời, nhìn con mỗi ngày mỗi lớn khôn, làm sao ngay lập tức em có thể giao Minh cho nhà người khác”.
“Điều em buồn hơn nữa, đó là những ngày qua, khi em chưa đưa con sang nhà anh Sơn, em nhận được không biết bao nhiêu tin nhắn chửi bới thậm tệ của người thân gia đình bên đó”.
Đón Minh ở bệnh viện về ngày 1.11.2012, từ đó cho tới năm 2015, sóng gió trong gia đình chị Hương liên tiếp xảy ra. Trong khi vợ chồng chị Hương đều gầy, đen, bé Minh càng lớn càng bụ bẫm và trắng trẻo. Chồng chị Hương luôn cho rằng chị Hương phản bội mình và có con với người khác. Chị Hương làm cô giáo mầm non, nhiều lần mở lớp mầm non tư thục, chồng chị nhiều lần đến lớp chửi mắng chị, làm nhục chị trước phụ huynh và học sinh. Năm 2015, họ ly hôn.
Một mình chị Hương đi làm, thuê nhà, nuôi Minh và em của Minh mới 3 tuổi. Hiện cuộc sống của ba mẹ con cũng tạm ổn khi chị Hương đang làm quản lý tại một trường mầm non khu vực Q.Cầu Giấy, Hà Nội thì chị nhận tin dữ: Minh không phải con đẻ của chị, do bệnh viện trao nhầm.
“Đêm nào Minh cũng bảo tôi, mẹ kê tay cho con ngủ”
Chị Hương kể câu chuyện cho con trai đã 6 tuổi của mình nghe, bé Minh rất buồn và luôn sợ sẽ phải xa mẹ. Chị nghẹn ngào kể: “Em bảo với con, con sang nhà chú Sơn, con sẽ sướng hơn khi ở với mẹ. Con được ăn ngon, chơi nhiều đồ chơi và đi chơi nhiều nơi. Nhưng Minh nhất quyết nói, “con chỉ ở bên mẹ thôi”. Trước đây con tự lên giường và ngủ, bây giờ tối nào con cũng bảo mẹ lên nằm, kê tay cho con ngủ. Con sợ mẹ đi đâu mất”.
Đưa tin về nhiều câu chuyện nhầm con, những trường hợp nhà hộ sinh trao nhầm con cho các gia đình ở Hà Nội, 42 năm, 29 năm và bây giờ là 6 năm, lần nào cũng là những câu chuyện rưng rưng nước mắt. Chúng ta hay đổ lỗi cho hoàn cảnh, bệnh viện quá tải, y tế lạc hậu (những năm trước đây), nhưng tôi không nghĩ rằng, Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì trong năm 2012 cũng nằm trong những trường hợp ấy. Sơ suất của các hộ lý, y tá, dù chỉ trong tích tắc thôi có thể làm ra những nỗi đau khổ kéo dài, rất rất dài cho nhiều cuộc đời. Làm ơn, xin hãy làm tròn trách nhiệm của mình hơn!
Chị Lê Thanh Hiền, cô gái có ngày sinh 12.12.1987 ở nhà hộ sinh Q.Đống Đa, Hà Nội, người bị trao nhầm 29 năm trước đã xin tôi số điện thoại của chị Vũ Thị Hương để có thể gặp gỡ và chia sẻ. Chị Hiền đi tìm mẹ đẻ nhiều năm qua, nhưng không kết quả. “Biết đâu có thể cho chị Hương một lời động viên cần thiết lúc này”, chị Hiền bảo.
Hai đứa trẻ ở Ba Vì may mắn vẫn biết cha mẹ đẻ thật sự của mình. Chúng sẽ cần thời gian và những liệu pháp tâm lý phù hợp để có thể trở lại cuộc sống bình yên, dù rất khó khăn. Nhưng còn những em bé từng bị trao nhầm cách đây 29 năm, 30 năm hoặc nhiều hơn nữa mà chưa tìm được mẹ đẻ thật sự của mình, ai bù đắp cho họ những thương tổn, mất mát không thể nào đong đếm?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.