Đấu giá biển số: Có được 'lướt cọc' để kiếm lời?

19/09/2023 18:00 GMT+7

Sau khi phiên đấu giá biển số đầu tiên kết thúc, một số người trúng đấu giá nhanh chóng rao bán biển số mình vừa trúng với giá chênh lên tới cả tỉ đồng. Việc này có được phép?

Ngày 15.9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tổ chức thành công phiên đấu giá biển số đầu tiên với 11 biển số của 10 tỉnh, thành phố, dự kiến thu về cho ngân sách tổng cộng hơn 82 tỉ đồng.

Đấu giá biển số: Có được 'lướt cọc' để kiếm lời? - Ảnh 1.

Biển số 30K-555.55 trúng đấu giá hơn 14 tỉ đồng, được rao bán lại với giá 20 tỉ đồng

CHỤP MÀN HÌNH

Trong số này, nhiều biển số được chốt mức giá rất cao như: 51K-888.88 của TP.HCM hơn 32 tỉ đồng; 30K-555.55 và 30K-567.89 của Hà Nội lần lượt hơn 14 tỉ đồng và hơn 13 tỉ đồng; 36A-999.99 của Thanh Hóa gần 7,5 tỉ đồng…

Đáng chú ý, sau khi phiên đấu giá biển số kết thúc, báo chí đăng tải thông tin về việc một số người trúng đấu giá nhanh chóng rao bán biển số mà mình thắng cuộc, với số tiền chênh lệch hàng tỉ đồng.

Ví dụ, biển số 30K-555.55 của Hà Nội được rao bán với giá 20 tỉ đồng, chênh gần 6 tỉ đồng so với mức trúng đấu giá. Người trúng đấu giá cho biết, nếu không có ai trả được mức giá trên sẽ giữ lại biển số để sử dụng.

Tương tự, biển số 98A-666.66 của Bắc Giang (giá đấu giá chốt là hơn 3 tỉ đồng) cũng được người trúng đấu giá rao bán với con số mong muốn khoảng trên dưới 4 tỉ đồng, tức chênh lệch khoảng 1 tỉ đồng.

Vậy theo quy định, người trúng đấu giá có được quyền chuyển nhượng lại biển số trúng đấu giá hay không?

Đấu giá biển số: Có được 'lướt cọc' để kiếm lời? - Ảnh 2.

Đấu giá biển số xe được kỳ vọng mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách (ảnh minh họa)

TUYẾN PHAN

Luật sư Nguyễn Thị Thúy (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, Nghị quyết 73/2022 của Quốc hội nêu rõ: trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản phê duyệt kết quả đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá (trừ đi 40 triệu đồng tiền đặt cọc).

Tiếp đó, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trúng đấu giá. Trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì thời hạn này được kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 6 tháng.

Sau thời hạn trên, người trúng đấu giá biển số xe ô tô không thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trúng đấu giá thì biển số xe ô tô trúng đấu giá được chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền trúng đấu giá đã nộp.

Đáng chú ý, Nghị quyết 73/2022 cấm việc chuyển nhượng, trao đổi, tặng cho để thừa kế biển số xe ô tô trúng đấu giá. Tuy nhiên, quy định cho phép người trúng đấu giá được chuyển nhượng xe ô tô kèm theo biển số trúng đấu giá.

"Nghĩa là, người trúng đấu giá muốn bán lại biển số trúng đấu giá thì cần bán kèm theo một chiếc ô tô có gắn biển số này, chứ không thể bán biển số trúng đấu giá riêng lẻ", luật sư Thúy nói.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, Thông tư 24/2023 của Bộ Công an còn quy định: tổ chức, cá nhân đã nhận chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá thì không được tiếp tục chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá cho tổ chức, cá nhân khác; được chuyển quyền sở hữu xe theo quy định của pháp luật.

"Có thể hiểu rằng, biển số trúng đấu giá chỉ được chuyển nhượng một lần, với điều kiện kèm theo xe đã gắn biển số đó. Khi muốn chuyển nhượng lần 2, chủ sở hữu chỉ được chuyển nhượng xe, biển số phải giữ lại theo quy định về biển số định danh", luật sư Thúy phân tích.

Xem nhanh 20h: ‘Chạy đua’ đấu giá biển số siêu đẹp hơn 32 tỉ

Bỏ cọc thì xử lý thế nào?

Các biển số trúng đấu giá đều có giá cao ngất ngưởng, thậm chí lên tới vài chục tỉ đồng. Nhiều người cho rằng mức giá này là quá cao, nhiều khả năng người trúng đấu giá sẽ bỏ cọc. Nếu khả năng này xảy ra thì việc xử lý sẽ ra sao?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết Nghị định 39/2023 nêu rõ: thông báo kết quả trúng đấu giá và văn bản xác nhận biển số xe ô tô trúng đấu giá sẽ bị hủy trong trường hợp người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trúng đấu giá trong thời hạn quy định, hoặc người trúng đấu giá không làm thủ tục đăng ký biển số xe ô tô trúng đấu giá trong thời hạn tối đa 18 tháng.

Biển số xe ô tô sau khi được thu hồi (do người trúng đấu giá vi phạm) sẽ được đưa ra đấu giá lại. Số tiền đặt trước, số tiền trúng đấu giá mà người trúng đấu giá đã nộp không được hoàn trả lại và được nộp vào ngân sách.

Đối chiếu với quy định trên, cộng thêm quy định tại luật Đấu giá tài sản, nếu việc "hủy kèo" xảy ra, người trúng đấu giá sẽ mất số tiền đặt cọc là 40 triệu đồng và không phải chịu hình thức chế tài nào khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.