Dấu hiệu tích cực từ diễn biến dịch Covid-19

Văn Khoa
Văn Khoa
19/02/2020 06:54 GMT+7

Số người chết và số ca nhiễm dịch Covid-19 trong một ngày ở Trung Quốc giảm giữa lúc nỗ lực tìm phương pháp điều trị cho kết quả đầy hứa hẹn.

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc hôm qua xác nhận trong ngày 17.2 có thêm 98 người chết vì dịch Covid-19 do chủng mới vi rút Corona (nCoV), đánh dấu lần đầu tiên số người chết vì bệnh này trong một ngày dưới mức 100 kể từ 11.2, theo Reuters. Trong ngày 17.2 ở Trung Quốc đại lục có thêm 1.886 người nhiễm nCoV nhưng đây là lần đầu tiên kể từ 30.1 số ca nhiễm mới/ngày dưới mức 2.000. Tính đến tối qua, thế giới có hơn 73.330 ca nhiễm, 1.876 người tử vong vì Covid-19, trong đó có 1.871 ở Trung Quốc đại lục.

[VIDEO] Giám đốc bệnh viện Vũ Hán tử vong vì virus corona mới

Dịch bệnh đã đạt đỉnh ?

Giám đốc bệnh viện chết vì nCoV

Sáng 18.2, bác sĩ Lưu Trí Minh (50 tuổi), Giám đốc Bệnh viện Vũ Xương ở TP.Vũ Hán, qua đời vì nhiễm nCoV, theo Đài CCTV. Hôm 14.2, Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc Tăng Ích Tân xác nhận tính đến ngày 11.2 có hơn 1.700 nhân viên y tế nhiễm nCoV, trong đó có 6 người đã qua đời. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc khẳng định tính đến ngày 11.2 có 3.019 nhân viên y tế nhiễm nCoV, gồm 1.688 người trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch, theo tạp chí Tài Tân.
Giới chức Trung Quốc cho rằng số ca nhiễm mới giảm là dấu hiệu cho thấy những biện pháp họ tiến hành nhằm ngăn chặn Covid-19 đang phát huy hiệu quả. Trong nghiên cứu mới được đăng trên chuyên san Chinese Journal of Epidemiology hôm 17.2, một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Trung Quốc (CDC) cũng phát hiện hướng đi của Covid-19 có dấu hiệu chậm lại. Họ cho rằng các biện pháp phòng ngừa như hạn chế dòng người đi lại, giảm tiếp xúc giữa người với người và công bố thông tin về dịch bệnh thường xuyên thông qua nhiều kênh có thể đang có tác dụng hỗ trợ khống chế dịch.
Trong khi đó, Giáo sư Jimmy Whitworth thuộc Trường Vệ sinh và y khoa nhiệt đới London cho rằng giới chức y tế toàn cầu nên cảnh giác về sự lây lan của nCoV. Tương tự, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói dữ liệu do Trung Quốc cung cấp cho thấy số ca nhiễm mới có xu hướng giảm nhưng cần đánh giá cẩn trọng về diễn biến này vì mọi khả năng vẫn có thể xảy ra.

[VIDEO] WHO: "Mọi tình huống đã được dự trù" về dịch Covid-19 tại Trung Quốc

Nhiều phương pháp điều trị

Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị Covid-19 được cấp phép đầy đủ và cũng chưa có vắc xin phòng nCoV, trong khi quá trình phát triển thuốc có thể mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Tuy vậy, Giáo sư Lư Hồng Châu, đồng Giám đốc Trung tâm lâm
sàng sức khỏe công cộng ở TP.Thượng Hải, cho hay bệnh viện của ông đang sử dụng liệu pháp truyền huyết tương từ người được điều trị khỏi nCoV để chữa cho người đang chống chọi với bệnh này, và đã cho ra kết quả ban đầu khả quan, theo Reuters. Bác sĩ Lư cho biết thêm bệnh viện của ông đã lập riêng một trung tâm y tế chuyên thực hiện liệu pháp điều trị bằng huyết tương và đang chọn những người bệnh đã khỏi nCoV sẵn sàng hiến máu cứu người. “Chúng tôi mong phương pháp này có hiệu quả đối với bệnh nhân của mình”, ông Lư chia sẻ.

[VIDEO] Bệnh nhân Covid-19 đầu tiên tại Mỹ hồi phục nhờ thuốc gì?

Ngoài ra, theo Hãng tin Tribune News Service (Mỹ), bệnh nhân nhiễm nCoV đầu tiên ở Mỹ, bà Robin Addison, vừa hồi phục sau khi được chữa trị bằng remdesivir, loại thuốc kháng vi rút. Vẫn còn sớm để xác định phương pháp điều trị mới này có phù hợp với những bệnh nhân khác hay không, nhưng kết quả đối với bà Addison được cho là đầy hứa hẹn. Bên cạnh đó, phát ngôn viên Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm qua cho hay Tokyo có kế hoạch dùng thuốc trị HIV để điều trị bệnh nhân nhiễm nCoV trong lúc số ca nhiễm ở nước này tăng hơn 600 người, trong đó có 542 người trên du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly ngoài khơi cảng Yokohama, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.